[hay. Tôi học thế nào?]
Thân khỏe mà trí không sáng thì… chịu. Muốn thế không gì khác, ngoài học.
Yêu sự học và ham học, ngay từ tuổi “tìm học”, tôi học đủ thứ trên trần đời. Âm nhạc và hội họa, võ thuật và yoga, bóng đá cùng vài môn thể thao khác. Học và chơi. Học, không phải để trả bài, mà vì vui.
Tôi học suốt, như hôm nay vẫn còn học ở Minh Tuệ.
Một bạn thơ ban tặng cho tôi danh vị: “học sĩ” – hay! Không phải bác học hay học giả chi chi, mà là học sĩ: kẻ yêu cái biết. Có không ít người sau khi bước ra khỏi cổng Đại học, là thôi học. Hoặc cao hơn: thạc sĩ, tiến sĩ… rồi cả đời không cầm đến quyển sách.
Nhất là mấy thứ không được dạy trong chương trình. Chữ Cham, tôi học và dạy. Riêng triết học, do tò mò, tôi học và khá rành rẽ. Rành, chả thua kém học trò đã qua Tú tài toàn.
Akhar thrah thì miễn rồi, ngay làm thơ cũng phải… học.
Nhiều nhà thơ nghĩ làm thơ không cần phải học, là lầm lớn. Biết làm thơ, là bạn đã học mà không biết: Học từ thơ bạn đọc, từ âm vang của chữ bạn nghe và thích. Đó là học một cách vô thức, chớ học đầy ý thức thì chưa.
Ngoại ngữ, bạn chớ học lan man. Tôi đã lan man như vậy, để nhận lấy hậu quả đau. Để đến tuổi này còn phải tập kĩ năng nghe đủ giọng điệu, mỗi ngày. Hãy luyện tiếng Anh cho thật ngon lành đi, luyện ngay từ nhỏ. Bởi, mọi thứ ngon nhất nằm ở đó. Đại bộ phận dịch phẩm văn chương thế giới đều xuất hiện qua bản tiếng Anh. Và rất rất nhiều thứ khác.
Đừng chần chừ thêm giây phút nào nữa, học ngay bây giờ đi.
Hãy đọc khi bạn còn trẻ.
Lớn lên, bao nhiêu chuyện đời thường vây quanh cần giải quyết, bạn không còn thời gian đọc hết một cuốn sách cho ra đọc. Tôi may mắn không vấp phải sai lầm này, đã ngốn được cả đống sách ở thời tuổi trẻ. Đọc đến lú lẩn. Tuổi tam thập, tôi đã phải chiến đấu để rời bỏ sách. Còn lúc này, tôi đọc sách để làm việc.
Gì cũng phải học.
Bàn về Formosa, bạn FB mỉa: “Khi nhà thơ bàn về kinh tế”. Tôi không ngạc nhiên. Bởi ở HTX chữ nghĩa Việt nẩy nòi vô số kẻ đại chủ quan. Anh bạn này không biết, hiểu biết của tôi về kinh tế còn khá hơn về triết học, sau đó mới tới thi ca và văn hóa Cham.
Lí thuyết là vậy, chứ thực tế, trước khi là nhà thơ, tôi: Hai năm kế toán trưởng HTX Nông nghiệp cấp làng, bốn năm kế toán cơ quan cấp Tỉnh, sáu năm điều hành Cty có văn phòng tại Thương xá TAX trung tâm Sài Gòn tiếp xúc hàng trăm đối tác cấp “quốc tế”. Kẻ ấy mà không dám bàn về kinh tế, mới lạ.
Vào đời có thể thành công hay thất bại, còn tùy, không học, bạn đút túi nỗi thất bại là khó tránh. Cần học và thử nhiều thứ, để phát hiện khả tính của mình. Luôn cập nhật cái mới, nếu không bạn sẽ rớt lại, và nhai lại kiến thức cũ mãi thôi.
Nhiều người không chịu học, lại ưa nói to. Không biết, hay biết lơ mơ nhưng ưa nói to. Kiểu nói to ấy thế nào cũng bói ra được vài kẻ khâm phục. Boileau: “Kẻ ngốc luôn được thán phục bởi một kẻ ngốc hơn”.
Anh bạn tôi, trước mặt mọi người cứ vô tư mở máy, kẹt ở đâu thì cứ “triết lí Cham là thế”, đến khi đụng phải câu hỏi “là thế là thế nào”, lại kẹt lớn.
Út Jakha một hôm bất ngờ hỏi: Cei ít đi đâu, không nhậu nhẹt bù khú, không du lịch giải trí, cei có cảm thấy đời vui không?
Vui quá đi chứ! Sống là tương giao, với con người, với mảnh đất, với ý tưởng. Tương giao càng nhiều thì đời sống càng phong phú, thú vị – Cendrars nói thế. Tôi thêm: tương giao với cô đơn của chính ta nữa. Mỗi sáng thức dậy, tôi gặp bao ý tưởng thâm hậu để đối thoại. Để cảm tạ đời.
Thế thôi, đã quá thú vị rồi còn gì.
Thêm: tôi làm việc, và giải trí bằng thay đổi công việc, Ví dụ bế tắc thơ, tôi viết tiểu thuyết; sáng tác kẹt tôi chuyển qua phê bình hay viết báo; còn khi rời chữ nghĩa tôi đi nói chuyện các nơi…
Rồi tôi tương quan với con người, cả những sinh linh vô danh. Về quê là tôi lang thang. Tôi tìm đến bà con, người quen người lạ, hay anh chị em bạn học cũ. Tôi kể chuyện, hay tôi giúp bà con hiểu vấn đề nào đó.
Cuối cùng tôi tương quan với cô đơn tôi: với bao mộng tưởng và tư tưởng của tôi. Là món ruột của tôi. Không ít lần tôi đóng cửa cô độc cả tháng, không báo chí không sách vở, mà chưa bao giờ biết đến chán nản là gì.