Sống triết lí Cham-79. Đặt nền tảng sống triết lí Cham. THÂN-02

[Tiếng Cham tinh nghĩa: Hiểu ‘xak hatai’ trong Ariya Glơng Anak thế nào cho đúng’?]

1. Minh Tuệ buông cái thân, đến nỗi ông biến mấy thứ bao quanh thân ấy thành “đống rác vô tận”. Vô tận thế, ai mà dám đụng vào! Từ thân bất hại dẫn đến TÂM BẤT HẠI.

Người ta kêu ông đồ dơ dáy, thì con vốn dơ dáy đã; nói ông thứ ăn xin, ông bảo: đích thị luôn; hô tăng đoàn ông không khác gì cái chợ, ông bảo: còn hơn cái chợ ấy chứ.

Tôi thì khác, nếu vị đạo sĩ này buông, tôi ngược lại: GIỮ. Theo đúng châm ngôn của Phật giáo Mật tông: “Hãy biến thân thể bạn thành cỗ xe tốt nhất để chở linh hồn bạn vượt qua biển đời”.

2. Hôm trước bàn về chữ “xak hatai”, có bạn kêu nó chỉ có 1 nghĩa là “hi vọng”, tôi nói đúng, thế nhưng khi “hi vọng” hão huyền dễ thành “ỷ lại” vô lối.

Câu 56:     

Nưrah ita takik siam ralo habơng

Praung akauk khơng di bbơng, kapal kalik mưxak hatai

“Thế giới chúng ta ít lành lắm hung

To đầu [thì] khỏe ăn, dày da [thành] ỷ lại”

Tại sao không dịch là “dày da [mới] hi vọng” mà phải là “dày da [thành] ỷ lại”? Đấy là thể theo tinh thần xuyên suốt của Ariya Glơng Anak. Nhà thơ khuyên chúng ta khiêm cung trước sự sự trên đời.

Hãy đọc 3 câu 78-79-81:

Praung di lok ni ra lac yang pađiak

Angin gilauh mai mưcwak, taginum xup lingik

Di lok ni praung yaum ia tathik

Ra ngap kapal blauh đik, take di ngauk dalah riyak

Rup ita ukơn batuw ngan basei

Urang pparaung er rei, mưta bboh di mưta

“Lớn trên đời người bảo thần mặt trời

Gió cuốn về phủ trùm mây đen làm mù tối

Rộng trên đời này rằng là biển cả

Người đóng thuyền rồi đi lên mặt sóng

Thân mình chẳng phải đâu đá hay sắt

Người hủy hoại mỗi ngày, [ta đã từng] nhìn tận mắt”

Vậy đó, biển cả hay mặt trời ghê thế còn bị khuất phục, huống hồ cái thân tứ đại với miếng “dày da”, thì có chi mà… HI VỌNG cơ chứ!? Đọc thơ, cần đọc đúng thần hồn của nhà thơ là vậy.

3. Ngay tuổi 20, tôi đã ý thức sâu thẳm về THÂN, và luyện Yoga từ đó.

Tôi không bỏ buổi tập nào, dù mưa hay nắng, ngay cả lúc cảm cúm, tôi vẫn tập nhẹ. Ai thấy ông Sara bỏ buổi tập, người đó giàu to – tôi đố vui có thưởng thế.

Trước tuổi lục thập tôi tập 30phút mỗi ngày, sau đó tăng lên 50-60phút. Các môn chính: Thể dục buổi sáng, đi bộ buổi chiều, Yoga và xoa bóp, bấm day huyệt cùng vài thao tác khác – tùy nghi.

“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần” qua đó trí mới sáng, để làm triết học!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *