[hay. Inrahani là một nghệ sĩ siêu xịn]
Ông bà Cham nói: ‘Nit rup urang, liwang rup drei’: “Thương thân người khác, gầy rạc thân mình”.
Hôm qua 13-4 Tộc họ Hamu Bhok họp quyết sơ bộ về Lễ Nhập Kut. Chuyện Hani tạm ổn, sẽ quyết lại vào phiên họp đại trà vào tháng Giêng Cham lịch sắp tới.
Tôi có việc, muộn mất 20phút. Ở đó có vị nhắc tôi về tút: “Hani đã làm gì cho Cham” hôm trước:
– Cei Trạm nói trước không hay lắm, nhưng mình đọc rồi, cũng tốt thôi!
Tại sao “nói trước”? – Không nói trước, mọi người lại kêu: Sao trước đó cei Trạm không nói. Nữa, dù là người trong Tộc họ, có ai hiểu hết, biết ‘chih barih’ cô Trụ đã làm gì cho Chakleng, cho Cham?
Tôi nói: Trụ không chỉ là người của Tộc họ Hamu Bhok, đứa con của palei Chakleng, mà còn là nhân vật của cả Cham [đã kể]. Thế nên, tôi là người trong cuộc hiểu rành rẽ, cần kê ra cho mọi người cùng biết.
Biết, để Tộc họ còn có thể xét ưu ái ‘halih halah’ cho cô Trụ. Và nhất là để sinh linh Cham khác còn hào hứng cống hiến cho làng xóm, cho cộng đồng. Nói là nói cho, nói vì CHUNG, chứ không vì cô Trụ.
Riêng với tôi, như Minh Tuệ: “Được thì tốt, không được cũng tốt”!
Vài chuyện vui.
[1] Hà tiện
Hani, với thân mình thì hà tiện đến dễ ghét, nhưng nàng lại cực phóng khoáng với người. Nhờ em họ [chú Đức] đèo qua làng xa thăm em trai bị nạn. Nửa đường, chị em ghé quán nước, Hani bảo: “Em kêu 1 li thôi, chị không khát đâu”. Tưởng món gì to tát, cái trà đá! Em nghe lời, kéo ghế gọi 1 li. Bà chị bảo không khát, mà chơi luôn và chơi trước phần của em gần… hết li!
Hà tiện vậy, nhưng Hani rút ví cho bà mẹ neo đơn Cham cả triệu mà chả chút… run tay! Đó là tinh thần nghệ sĩ xịn.
[2] Áo váy
Tôi hiếm khi được Hani rủ đi shopping. Hani mặc toàn đồ sida, hoặc đồ cũ của con gái. Với tôi cũng hệt, Hani lần đầu và duy nhất sắm cái áo cho tôi, ở tháng đầu tiên chúng tôi lập gia đình, rồi thôi. Không bao giờ nữa!
Ở với Hani tôi bị lây luôn, thích thì tự đi qua hàng quần áo cũ, sau đó lượm áo quần mấy đứa con trai mà xài… cho đã.
[3] Luôn nghĩ đến người khác, đến Cham
Tôi chưa từng thấy Hani lo cho thân mình. Nàng ham tiền, khi có tiền là tìm cách cho. Cho không cần biết trong ví còn bao nhiêu, mới ớn.
“Chê vợ”, tôi cũng hệt luôn, chán thiệt! Dẫu sao tôi cũng có cái hơn: biết thủ.
Đó là tinh thần hào phóng của một nghệ sĩ thứ thiệt.
[4] Tin người
Tâm tính kiểu ấy nên Hani cực tin người. Tin người thì bị người lừa. Kể 2 tiêu biểu gần nhất.
Sau Covid-19, một chị nhà quê mới lớp 3 đến xin làm ô-sin, qua 9 tháng mà lừa Hani được 700triệu! Sao? Hani cứ đóng dấu Cty với kí khống hàng chục tờ cho chị đi liên hệ khách hàng, không tham cũng thành tham.
Nữa, giờ chót Cty đang đi xuống, Hani sẵn sàng thế chấp Sổ Đỏ vay Ngân hàng cho con rể là Diệp Phùng Xuân mượn 3,6tỉ, đến khi đổ bệnh thì không xu dính túi để chạy chữa.
Tôi nói với Hani, nếu có khoản tiền này, anh đưa mẹ nó qua Thái Lan, êm là cái chắc.
P.S. Hôm qua ở buổi cà-phê gia đình, Jaka cho bạn thơ Cham kia đầy “nghệ sĩ tính”. Ở đó chưa kịp giải thích, nay thử đặt câu hỏi tham khảo: Nghệ sĩ tính là gì, đâu là yếu tố chấm điểm một sinh linh có “nghệ sĩ tính”.
Tinh thần có phóng khoáng không? – Nghĩ thoáng. Bạn này từng nhắc con gái: Làm thơ mà không có tiền thì đừng làm, thế là thi sĩ nhỏ ấy không gửi bài cho Tagalau nữa…
Cuộc sống có mở không? – Giúp người. Tôi chưa từng thấy bạn này cho ai 1 đồng…
Tài năng nghệ thuật thế nào, và nó thể hiện đến đâu? – Có tiền, nhưng in tập thơ sến mà cứ ngửa tay xin tiền…