Chánh niệm qua mỗi miếng ăn, mỗi bước chân, mỗi hơi thở…
Chánh niệm qua mỗi con chữ đặt xuống trang giấy.
“Tôi đốt lên hàng đống chữ
dưới tàn tro
bươi lấy vài lời” (Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002)
Nhân loại ham nói, không có gì để nói cũng nói. Ở thời đại của thế giới mạng thì càng. Nói, để giải trí, để giải buồn hay để kẻ bên biết mình còn tồn tại cũng không thiếu. Nói, như thể cử động cơ môi miệng ra âm ra tiếng một cách vô thức, mà tôi gọi là phát âm chứ không là phát ngôn.
Nhà văn cũng chả hơn gì: ham viết, mấy thứ chả đáng cũng viết.
Trong khi con người trưởng thành cực kiệm lời. Các đoản văn của Heraclitus thường ngắn, nên khá tối nghĩa, đọc – buộc ta dừng lại suy tư. Sokrates còn không cần viết nữa, những gì được cho là của ông là bởi học trò sau này ghi lại.
Lão Tử ra đi để lại Đạo Đức kinh mỏng tang. Đức Phật 49 năm thuyết pháp, để rồi cũng “chối” mình chẳng nói gì cả!
Tôi không khác: ham nói. Là nhà văn, sắm vai kẻ kể chuyện thì chả sao, chớ với tư cách luận sư, tôi buộc phải giải minh, thành… rậm lời. Thơ thì khác.
Thơ nói được nhiều với lượng chữ ít nhất có thể.
Tuổi 20, tôi bày ra cái châm ngôn và viết lên tường:
MỖI NGÀY PHẢI LÀ NGÀY LINH THÁNH, VỚI TÔI!
để nhắc mình “chánh niệm” qua từng ngày.
25 tuổi, ở bài “Đoản thi thứ nhất dành cho con”, tôi diễn ý đó qua thơ:
“Hãy sống như một bùng vỡ
một bùng vỡ không cần đến tiếng động ồn ào”.
Thơ kiểu ấy thì ồn ào quá, cần phải khác. Và tôi đã khác ở “Đoản thi thứ hai dành cho con”:
“Tất cả đều bị khất lại
ngay cả sống người ta cũng nhiều lần khất lại
dẫu thời gian không đợi ai khất lại bao giờ”.
Vẫn còn giậm chân ở châm ngôn, như thể tập sự làm tư tưởng gia, chứ chưa thành thơ – như là một thi sĩ. Thế nên ở tuổi 40, “Ngụ ngôn viết cho mình” ra đời, cùng diễn ý ấy qua đoạn thơ thơ hơn:
“Vạn cốc rượu bày lên suốt bàn tiệc cuộc trần
thuộc về ta
cho cả mùa xanh ta tiêu lãng
cốc ta nốc cạn, cốc tự đổ tràn, cốc dửng dưng, có cốc ta so đo toan tính
cốc rượu đời thi dựng có bao lăm!”
Ngần ấy chữ thôi, thơ đã nói được điều cần nói, mà đâu cần dài dòng với ồn ào!