Sống triết lí Cham-58. TẠI SAO CẦN ĐẾN TRIẾT HỌC?

Đạo sĩ thấy, rồi độc hành đi tìm; triết gia thấy, và hỏi – ráo riết. Cả hai: “hết mình & tới cùng”. Đức tin dẫn đạo sĩ đi, ngược lại, hoài nghi hối thúc triết gia đặt câu hỏi. Nhằm tìm đến ánh sáng, sự thật và ý nghĩa cuộc đời.

Đã qua rồi thời A-la-hán đi vào rừng ẩn tu, hay triết gia rút vào vỏ sò cô độc suy nghiệm về ý nghĩa cuộc đời. Một, buộc phải triết lí giữa đời thường; một còn lại: hành đạo xuyên qua chợ đời.

Hiện tượng Minh Tuệ [cùng nhóm người đồng tu], có kẻ ví nó như chợ, người nữa: không khác gì gánh xiếc. Nói mỉa, mà trúng phóc. Đó đích thị là chợ, là gánh xiếc – hãy nhớ đoạn thơ nổi tiếng của Shakespeare.

Chợ ấy, có anh Chân Quang và chị Hằng, có triệu người mộ đạo kính ngưỡng ông bên cạnh không ít bộ phận người phỉ báng ông, có Minh Tạng, Minh Trí, Phước Nghiêm, Phúc Giác và có… anh Báu. Anh Báu với hàng chục Youtubers theo vì lợi, có; sợ bởi nghĩ anh là người của chính quyền, có; và anh cũng đã hút cả lượng lớn kẻ hâm mộ coi anh là anh hùng xả thân hộ pháp.

Ông, Minh Tuệ Lê Anh Tú thõng tay đi vào, hành đạo giữa cái chợ ấy!

Năm 1977, ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Chakleng thấy tôi đang ôm cuốn L’Être et le Temps của Heidegger, chợt nhăn nhó:

– Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà lại đi đọc triết! Mi sống bằng không khí à? Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới hỏi:

– Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không? 

– Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.

– Thế chế độ này do ai lập nên? Không phải Hồ Chí Minh sao?

– Thì đúng rồi!

– Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lenin, mà học thuyết Lenin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Marx? Marx là ai chứ? Ông ta hẳn nhiên là đại triết gia rồi…

Ông thầy nín thinh, tôi tiếp:

– Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một luồng gió cũng đủ giết chết con người. Luồng gió kia khi giết chết con người, nó không hiểu, còn ta thì hiểu. Pascal – hẳn thầy không quên. Đây là chế độ đang tác động đến xã hội hôm nay. Tôi là con người, cần hiểu nó, hiểu đến nơi đến chốn. Thế thôi.

Câu chuyện khác

– Tại sao phải cần đến triết học? Theo em, không có triết, con người vẫn sống khỏe … – Một sinh viên Cham nói, và thêm – Cham hiện đang có nhiều vấn đề chưa giải quyết.

– Không sai. Chuyện Cham ư? Có triết học, vấn đề sẽ được giải quyết nền tảng và rốt ráo hơn.

Còn tại sao phải cần đến triết học? Không có triết học, người ta vẫn sống, sống tốt, sống hạnh phúc nữa. Có triết, lắm khi ta còn khổ hơn, bởi ở đó bày ra bao nhiêu là rối rắm, vô nghĩa. Vô nghĩa của bạt ngàn nỗ lực và hi sinh, của đấu tranh và đau khổ, của vô số đế quốc cùng nền văn minh, cả vô nghĩa của sống. Triết lí giúp ta thấy được ý nghĩa của vô nghĩa đó. Vậy thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *