Buổi sáng hôm đưa Hani ra ‘Brakthau’ “Rạp tạm” làm lễ Tẩy trần, đến nghi thức Tắm rửa thi hài, thì hơi có chuyện. Vẫn cảnh cũ lặp lại.
Về tập tục, nghi thức “tắm” là cần thiết và không sai, sai là ở phía đời thường ta có toàn quyền mà ta lại làm qua loa, rất tạm bợ. Nữa, chục người đứng xem [ngày xưa đến vài chục như xem hát!], có kẻ còn tính chụp ảnh nữa – quá ư phản cảm.
Là điều không một ai muốn, nhưng ta lại không làm. Như dùng ‘paning’ “màn” che 3 phía, 4 ‘ragei’ “thợ – người khiêng” tắm, thêm 2 nữ vào phụ; còn con cháu khác ghé “cho nước” ‘brei ia’ rồi lui nhanh ra [như ta “cho đất” khi chôn, hay “cho củi” lúc thi hài lên giàn lửa]. Phần Thầy Lễ đứng hướng dẫn và làm vài thao tác mang tính nghi thức.
Vậy thôi, ta lại không!
Tôi ngồi bên này ‘paning’, không nhìn vào, mà chỉ nghe bao tiếng người qua lại. Điều Hani ngán nhất, lại xảy ra với nàng, tội thế chứ!
Đơn giản vậy, tại sao tôi không làm hay chỉ đạo làm? – Nguyên tắc của tôi là không can thiệp vào việc của họ hàng, nghĩa là không làm.
Vài chứng từ:
[1] Đấu tranh về vụ Ghur Raneh “nghĩa trang Bà-ni” hồi năm 2013, tôi lên tiếng như một trí thức và luận giải vấn đề như một Luận sư, còn làm là bà con làng Pabblap [Birau và Klak].
[2] Kut Họ Gađak “nghĩa trang tộc họ” ở Chakleng, về phân loại số người chết lành và chết không lành (‘talang siam, talang jhak’), tôi đã giúp Ban Tổ chức trích văn bản cổ [200 năm, dịch và giảng], để rạch ròi và tăng thêm rất nhiều phần ‘talang siam’, tránh thiệt thòi lớn cho gia đình.
Còn thực hiện là do các anh thầy Thính, anh Ngọc… chứ tôi không làm.
[3] Lên tiếng về vụ “Tôn giáo Bà-ni” chuyển thành “Tôn giáo Đạo Hồi” năm 2017, tôi liên tục tút, tôi trao đổi, tranh luận nhưng vẫn không làm. Thế nên việc thành, tôi không kể công.
Đây đó có người ngại tôi tranh công, là sai. Là không hiểu vai trò trí thức của tôi: KẺ KHÔNG LÀM.