Hani-20. VÀ TÔI ĐÃ KHÓC

[vì đã thất hứa với Hani]

Ham sống, Hani nghĩ mình sẽ sống hơn trăm tuổi, để… làm. Dẫu sao biết mình sắp đi, không phải hôm nay mà từ Covid-19, Hani đã cho Út Jakha thu âm, ghi hình “di nguyện”. Hani đi, 3 lời [trăn trối] ở lại.

[1] Như bao cha mẹ khác: “Gia tài cha mẹ chỉ ngần ấy, đã di chúc chia đều, các con ở lại yêu thương, đùm bọc nhau, đừng vì đồng tiền mà xâu xé”.

[2] Chuyên riêng tây

Bên cạnh Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRA cho chung, là “Nhà Từ đường” – ước nguyện khác của mẹ, trưng bày giản đơn những gì mẹ làm được, tác phẩm và thành quả của cei. Đó còn là nơi cho con cháu hội tụ trong những ngày lễ, giỗ.

[3] Chuyện xã hội

Mẹ đi đẹp, hãy chăm sóc mẹ thật đẹp – như phim Nhật mà mẹ, cei với con cùng xem ấy, hỏa thiêu trong ngày, sau đó mới về làm đám tang theo tập tục [nghĩa là đẹp, hiện đại mà không thiếu bản sắc].

Đây là điều ám ảnh Hani và rất nhiều sinh linh Cham từ lâu, tôi hứa với Hani và nàng tin tôi làm được. Thế nhưng dù đã hết mình, cuối cùng tôi cũng không thể thay đổi 1 lối nghĩ, 1 nền văn hóa trong một sớm một chiều – THẤT HỨA.

YÊU LÀ CHỜ VÀ NHỚ

Hai tôi yêu nhau thì miễn chê rồi…

Hồi tôi làm ở Ban Biên soạn, tại đất mới palei Cok, mỗi chiều Hani nhá cá lòng tong, kho và chờ tôi đạp xe về cơm chung gia đình.

Ở Chakleng, Hani đi xa bán lẻ quần áo, cuối tuần là tôi thức chờ tiếng bước chân của nàng đạp lên bậc cửa (+).

Xuống miền Tây bán thổ cẩm, khi hàng hết Hani về quê lấy, tôi mỗi chiều là mỗi nằm nhìn đàn sếu bay qua nền trời, và chờ.

Vào Sài Gòn làm việc, các chuyến tôi đi xa, Hani ở nhà chờ…

Yêu, là nhớ và chờ. Đến 2019 về quê sống, suốt 5 năm tôi chờ Hani qui hồi cố hương. Và rồi nàng về trên chiếc xe cứu thương! Từ đó, 40 ngày tôi không rời bỏ Hani, cho đến khi…

VÀ TÔI KHÓC

Khi ‘Gru urang’ đã làm đẹp cho nàng, khi mọi người đã ra ngoài chờ đưa nàng đi, tôi đến quỳ gối trước nàng, và khóc. Ở đó, mỗi TÔI với HANI, còn lại chỉ nghe loáng thoáng bước chân cháu Diễm và dì Hương đi lại.

Tôi khóc, VÌ KHÔNG THỰC HIỆN KỊP LỜI HỨA ‘VĨ ĐẠI’ VỚI NÀNG.

P.S.

[+] Ám ảnh này vào tận “nghiên cứu” của tôi. Như Dewa Mưno nhớ hoàng hậu Ratna chờ bước chân ông chinh chiến trở về:

Patri tangi thei jwak drơh takai

Pathang kuw bhian nau mai, Dewa Mưno nan nhu hia

Nàng hỏi ai đi tựa tiếng bước chân

Chồng ta đi lại những ngày thường, và Dewa Mưno bật khóc.

Dewa Mưno, người anh hùng cái thế này đã bật khóc. Chàng khóc vì chàng hiểu rằng chỉ có những người thật sự yêu nhau, thực lòng nhớ mong nhau mới có được cái tinh tế ấy của thính giác.

Trong Văn học Cham khái luận-1994, tôi có liên hệ đến Paul Valéry vang lên cùng âm hưởng:

Tes pas, enfants de mon silence

Saintement, lentement placés

Vers le lit de ma vigilance

Procedent muets et glacés 

Bước chân em, đứa con của niềm im lặng anh

Từng bước đặt lên – thiêng liêng, chậm rãi

Về phía chiếc giường đầy nỗi chăm chú anh

Từng bước từng bước tiến dần…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *