[hay. Làm sao để giải/ thoát khỏi lời nguyền?]
Lời nguyền, có; giải lời nguyền, có; nhưng nó ở đâu và làm thế nào? Ariya Glơng Anak, câu-3:
‘Gram xarawan duix di haget bloh ô thah/ Bbai tapuh di graup nưrah tagrang kađong pak halei’: “Đất nước tội tình gì mà không thoát/ Đã dâng chuộc khắp rồi, hỏi còn vướng mắc nơi đâu?”
CHAM
[1] Dòng họ Yang In nổi tiếng sạch. Ta thanh nhưng người có sạch đâu, cứ bị mất cắp, mất mãi. Lời nguyền được ban ra. Kẻ cắp bị ‘li-i li-o bok brah’ bệnh kéo dài dây dưa, mãi khi của cắp kia được cho ném ra khỏi nhà, mới thoát.
[2] Sách chép tay, có khi phải mất cả xe trâu thóc mới được một bản, vậy mà có kẻ mượn rồi ỉm đi, hỏi ai mà không đau. Không thể không nguyền!
Ông Hào Biửng cha anh Huỳnh Ngọc Trăng làm khác. Cuối mỗi bản, ông viết: “Ai dùng rồi chép truyền, tốt lắm, tốt lắm”. Là cách giải lời nguyền cao thủ. Tôi đã làm theo lời ông: CHÉP, và trả lại.
Mươi năm trước, tin đồn có vị Cham chuyên mượn rồi ‘palam’, dù lời nguyền đã bị bỏ qua, liệu có thoát?!
[3] Sách ‘Akhar’ không được dùng thì bị ‘Akhar bbang’ “chữ hành”. Thế là gia đình kia nửa đêm mang cả 3 ciêt sách làm lễ thả trôi sông Lu. Tôi nói:
– Sao không cho tôi giữ? Tôi sẽ cất trang trọng ở Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRA, ghi tên chủ nhân, cho mọi người đến tham khảo, và cảm ơn gia đình. Lời nguyền được giải, nhẹ nhõm.
THẾ GIỚI & VIỆT NAM
[1] Facebook 26-10-2024 anh Ysa cho hay, Nội các Hoa Kỳ vừa “nói lời xin lỗi với người bản địa Da đỏ về chính sách đồng hóa tàn bạo của cha ông họ”.
[2] Báo Tuổi trẻ, 14-2-2008 cho biết: “Úc chính thức xin lỗi người bản địa”. Tôi có ngay bài thơ “Thời gian của một lời xin lỗi” đăng Tienve, báo mạng nổi tiếng của người Việt ở Úc.
[3] Xung đột Champa Đại Việt, không ít vị Phật tử mong và đã từng đề nghị làm cuộc giải oan lớn. Ai nghe? Vong hồn chiến tranh Bắc Nam, Thiền sư Nhất Hạnh có kiến nghị, tiếng nói kia lạc đâu rồi!
Hồi đáp PHẢI TỪ TRÊN – chính thức, Chính phủ hay Nội các, đại chúng mới tin nghe. Chớ tiếng nói cá nhân như thi sỹ Tô Thùy Yên: “Rượu hồng một chén ta xin rót/ Giải oan cho cuộc bể dâu này” cứ làm lạc lõng mãi thôi.
TẠI SAO CÓ ĐỊA NGỤC?
Sartre: ‘L’enfer, c’est les autres’ “Địa ngục, chính là tha nhân”, thì triết quá, cần đến cả công trình dày mới tường minh may ra có thể hiểu.
Mỗi tôn giáo mỗi có địa ngục riêng, Cham không khác.
Với đạo sĩ hay bậc đại trí, địa ngục là “địa ngục tâm”. Các vị hiểu – tu để giải, để thoát, đoạn triệt luân hồi, đi ra khỏi rừng mê “nirvāṇa”.
Với đại chúng “vô minh”, địa ngục cần được “lập” nên, có địa chỉ rõ ràng, mô tả càng rùng rợn càng tốt – để dọa, cho chúng sợ mà không làm ác.
Như vụ quan lớn nhà ta ăn cắp/ cướp của dân “không từ thứ gì” cần đến nhà tù, khi họ đã táng tận lương tâm. Bị phát hiện, thì vào tù; còn người không thấy mà Trời thấy, thì đọa địa ngục.
Hay vụ ứng xử với bản chép tay thượng dẫn, tôi mượn chép rồi trả thì lời nguyền được giải, chớ cái vị mượn rồi ‘palam’, thì CẦN ĐẾN lời nguyền, tiếng rủa và cả địa ngục, ấy mới ngán.
Để tránh khí quyển cộng đồng, đất nước, nhân loại bị vẩn đục.
P.S.
+ Nguyên văn anh Ysa Cosiem, Facebook 26-10-2024:
Cuối cùng rồi cũng có một nội các nhân văn của nước Mỹ biết nói lời xin lổi với người bản địa Da đỏ về chính sách đồng hóa tàn bạo của cha ông họ!
Biết đến bao giờ điều tương tự như vầy sẽ xãy ra ở VN, khi chính quyền Việt Nam thật sự nhìn nhận những quá khứ bạo tàn của cha ông mình trong cuộc Nam Tiến, mang gươm đi mở cỏi. Đại việt đã tàn bạo xóa bỏ hoàn toàn một vương quốc Champa với dân số trãi dài từ Quảng Bình cho đến Biên Hòa, mà giờ đây chỉ chưa đầy 200 ngàn người trong một quốc gia có dân số hơn 90 triệu dân sống trãi dài trên Vương quốc Champa cũ.
Nhắc lịch sữ không phải để gây thù hận chia rẽ mà chỉ muốn người ta công nhận là đã đối xử tàn nghiệt với dân tộc Chàm, và sẽ làm gì trong tương lai để nỗi u uất ngàn thu đó vơi đi?
+ Đọc bài thơ ở ĐÂY: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] 06. Thời gian của một lời xin lỗi | Inrasara.com