Hani tạm ổn, khó ngồi dậy, nhưng vẫn lăn qua lăn lại được. Con cháu chăm tốt, phân công rạch ròi, thấy tạm ổn thì mỗi đứa đi công việc của mình. Còn mỗi ngài Inrasara!
Tối, tôi mở hờ cửa phòng để Hani kêu, khi có chuyện. Ban ngày, ngồi viết khoảng 30-40 phút, tôi mở cửa dòm qua. Nhà vắng, lắm khi nghe cô đơn đời. Và tôi nghĩ giá như… giá như…
Thôi, đừng có “giá như” nữa, mà nói chuyện khác.
[1] Mươi hôm trước, tôi có nghe chung chung là “người nhà không cho ai đến thăm Hani”, và nghĩ đó là tin vu vơ, nên bỏ qua. Ai dè sáng nay, người em họ Hani đi ngang hẻm nhà lúc tôi đang thể dục, hỏi:
– Chị Trụ ở viện hay nhà, anh?
– Đang nằm nhà, nai nó à.
– Nghe nói cei Trạm không cho người vào thăm chị, em ngại quá.
– Không phải thế đâu, rảnh nai nó cứ ghé cho chị thấy mặt…
[2] Vậy đó.
Tục ngữ Trung Hoa: “Người ta phê bình họa phẩm bằng tai”. Vài nhà phê bình Việt Nam cũng hệt: bình và tán vu vơ. Thế nên tôi mới đẻ ra thuật ngữ mới: Phê bình Lập biên bản, một thứ phê bình chỉ dựa trên văn bản.
Dân chuyên đã vậy, trách chi bà con Cham, chỉ tin vào “nghe nói”, trong khi tôi viết rành rành, chữ nghĩa vẫn còn trên mạng:
“Bà con đến thăm, xin ngồi phòng ngoài, ghé vào cho Hani nhìn thấy mặt, là đủ”.
Cũng là cách các cô ý tá bệnh viện hay nhắc nhở.
[3] “Đại gia đình” tôi có 3 căn lớn bao quanh sân rộng. Cổng sắt cứ 5g là mở, và mở suốt. Cửa lớn nhà Hani ở cũng vậy, bước vào là phòng khách với bộ xa-lông. Phòng Hani nằm luôn mở, riêng phòng văn tôi sát cạnh mới đóng.
Lời nhắc trên có 2 ý rất rõ:
– Bà con đến thăm, ngồi phòng khách.
– 2-3 người vào thăm cho Hani thấy mặt, dăm mười phút là đủ.
P.S.
Chị em nhà nọ, ghé thăm Hani lại nói bậy về chuyện riêng gia đình tôi, còn nói các ý tiêu cực về bệnh tình Hani. Nói to, và trước mặt người bệnh nữa chớ.
Tôi luôn lường trước mọi vấn đề khi nó còn chưa xảy đến. Và đã NÓI THẬT rõ vậy rồi mà cũng có người sai phạm, sai phạm lớn, huống hồ không nói.
Lẽ nào sống để mà chịu đựng?!