Tôi gọi Minh Tuệ là “đạo sĩ” [không phải Đạo sĩ], kẻ đi trên còn đường tìm ĐẠO. Thấy rồi mới tìm, khi TÌM THẤY, thì hành ĐẠO. Ông có đạt không thì chưa biết, còn lúc này ông là “đạo sĩ” theo nghĩa đẹp nhất của từ. Thế nên, giữa bao ngôn-hành tà pháp, ông mới bật lên như một biểu tượng thuần khiết.
Như Tất Đạt Đa, giữa chốn phồn hoa – biết không phải cái này không phải cái kia, mà KHÁC, ông thấy mới đi tìm. Ngài tìm thấy, và thành Phật, từ đó Ngài tự do tự tại hành ĐẠO.
Phần tôi, thấy thơ rồi mới đi tìm thơ. Hiểu thì càng yêu hơn. Hiểu và làm, tri hành hợp nhất – chính là Đạo Thơ. Yêu thơ, chứ không phải quá giang thơ với ý định chiếm hữu cái gì đó ngoài thơ. Yêu thơ, ban ngày ra đồng cày, tối về tôi thắp đèn đọc thơ. Đất nước trường kì ăn độn, tôi cặm cụi làm thơ. Nghèo lê dép đứt hay khi túi đã rủng rỉnh, tôi còn yêu tôi cứ yêu thơ.
1. Học
Gặp thơ, tôi chép, đọc, thuộc nằm lòng. Thuộc rồi vẫn đọc lại…
Từ ‘poh catôy’ Cham
“Pathei đông hadaup karam/ Ni jơh hadam bbang gaup di thoh”
Đến ca dao Việt
“Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
Từ cổ điển Trung Quốc [Trương Kế]
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
Đến hiện đại Mỹ hay cận đại Pháp [Rimbaud]
“Ô saisons, ô chateaux/ Quelle âme est sans defauts?”
Từ Xuân Diệu lãng mạn
“Mau với chứ vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi! Tình non sắp già rồi…”
Đến Thanh Tâm Tuyền hiện sinh
“Tôi buồn khóc như buồn nôn/ ngoài phố nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ/ Thanh Tâm Tuyền…”
Từ hiện đại Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Hưng
“Em là con ngựa non thon vó/ lạc giữa rừng người hoang vu”
Đến hậu hiện đại Lê Vĩnh Tài, Bùi Chát:
“anh văn ơi/ hu hu hu”
Thấy, và yêu – vô phân biệt. Khi còn mang tâm phân biệt – khinh rẻ thơ cũ hay bỉ bôi thơ thuộc trào lưu mới là tâm ta chưa sạch, ta chưa yêu thật lòng, chưa thể là một “học sĩ”, chưa là người tình đúng nghĩa của thơ.
2. & Tập
Làm thơ từ sớm, tiếng Cham, Việt và cả Pháp, nhiều thể loại, đa hệ mĩ học…
Từ Lục bát
“Về đây rừng núi bao dong
Tháp trong nét cổ, em trong dáng hiền
Nắng chiều đổ bóng em nghiêng
Quàng vai với bóng anh lên đỉnh đồi”
Đến Đường luật
“Về phơi tóc khói giữa bao la
Hồn cỏ rơm còn nhớ đến ta
Nằm lắng kiếp sau trong tĩnh dạ
“Xóm xa vọng tiếng cho tru ma”
Từ Thơ Mới các loại, cả Tự do có và không vần
“Tôi sinh ra
níu
trần cánh tay cha, sờn lưng áo mẹ
gầy còng
tôi níu bóng tháp
tháp luống tuổi
tôi níu cái không thể níu
lớn lên”
Đến Thơ xuôi
“Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang
lạc bước qua triền đồi quê tôi để bị chịu cầm tù trong cát”
Sau đó tôi còn chơi cả Tân hình thức [1 tập] và Hậu hiện đại [2 tập] nữa. Tất cả, càng vô phân biệt.