Chuyện văn chuyện đời-04. LẠ CHỚ, TÔI KHÔNG THỂ PHẢN ĐỘNG

Nhớ mươi năm trước, một trang mạng phản biện đang đình đám phê tôi LÀNH QUÁ, trong khi ngược lại – phó tổng một Nhà xuất bản: Sara là THỨ DỮ chớ. Cũng là một Inrasara ấy, mới lạ. Hệ quả đeo mắt kiếng chánh trị nhìn văn nhân là thế. Còn vài Cham đọc tôi, cứ ngay ngáy lo tôi phản động.

– Tôi nói, có cho vàng ăn Sara cũng không!

Tôi biết ở thế giới chữ nghĩa, không ít người méc tôi với trên. Nhiệt tình và trường kì luôn. Lời nói gió bay có, qua thư từ hay viết lên mặt báo cũng không chừa. Ở đó có cả kẻ thân quen!

Rằng ông Inrasara cho cái gì Cham ông cũng nhất, 54 dân tộc đang đoàn kết mà ông cứ xới lên, hát mãi bài hát cũ “Cham đóng góp gì vào văn hóa đa dân tộc Việt Nam?” gây mất ổn định, ông mang tâm căm thù Việt với ý đồ gì ai cũng biết…

Rằng Inrasara xiển dương thứ văn chương hậu hiện đại phá hoại, hết ca ngợi văn chương ngoài luồng đến nhà văn chế độ cũ, giả vờ trung lập đi hàng hai nhưng thực chất là chống Cộng ngầm rất thâm độc… 

Cắt khúc văn tôi, suy đoán rồi diễn giải mang tính xuyên tạc.

Méc, mục đích kiếm điểm – có, do đố kị cũng có luôn. Tầm các nhà chính trị ở trên quá hiểu, chớ ai đi chấp mấy ngữ đó. Cùng lắm, họ “ừ để tôi xem” cho qua vậy thôi.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn chẳng hạn, thuở tôi còn vô danh, giới thiệu tập thơ đầu tay Tháp nắng, ông viết: “Đọc Inrasara, tôi thấy tác giả thể hiện tâm hồn thi sĩ hơn là tư duy của nhà lý luận. Anh vạch đường biên và cố gắng không ‘vượt biên’”.

Một cái nhìn đầy hiểu biết, là vậy. Tôi không vượt biên, hay nói khác đi: tôi luôn biết dừng ở đường biên, đầu tiên và cuối cùng. Dại gì mà… phản động!

Như Dự án Nhà máy Điện hạt nhân đại to cồ với nhạy cảm là thế, mở hai cuộc thảo luận dài ngày trên website Inrasara.com: “Người Cham hiểu gì về Điện hạt nhân?”, “Trí thức Cham nghĩ gì về Điện hạt nhân?” thu hút mấy trăm phản hồi từ nhiều phía khác nhau – tôi còn điều tiết ngon lành nữa là, huống chi.

Dẫu sao mấy nỗi “méc” ấy vẫn gây khó dễ tôi. Để an toàn, vài Đại học ngại mời tôi diễn, vài báo giảm đăng bài tôi, thậm chí – như ở buổi tổng kết của Hội VHNT Ninh Thuận năm xưa ấy, các bạn văn còn không dám ghé bàn tôi bắt tay nữa là [đã kể]!

Thôi thì cứ như ‘ông Lo tangoh’ ông Tàu điếc: Gậy mình mình vác đường mình mình đi, giữa đồi núi chập chùng

P.S. Nguyên tắc của tôi:

Không phê bình, mà chỉ phê bình phê bình. Nghĩa là khi thấy một nhà nào đó phê bình người/ việc gì đó hỏng, cái hỏng ấy tác hại đến khác, tôi mới phê bình. Với 5 không & 2 có:

– Không công kích cá nhân

– Không vu khống, nói sai, nghĩa là luôn có bằng chứng xác thực

– Không trích văn hay diễn ý mang tính xuyên tạc

– Không chửi rủa

– Không đá đểu, từ chuyện này đá sang việc/ người khác

+ Nói rõ ý mình, dùng đúng từ, không nói tránh

+ Luôn mục đích rõ ràng: cảnh báo, hay đưa một bài học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *