Câu chuyện Chế Bồng Nga (tức Po Bin Thwơr, 1360-1390) 4 lần xua quân ra Thăng Long làm kinh hãi Đại Việt, sử Việt chép một kiểu, Champa truyền theo cách khác.
Để chiếm lại hai châu Ô, Lý đã mất, Po Bin Thwơr quyết tập hợp lực lượng, cả bên Cham Ahiêr [Bà-la-môn] lẫn Cham Awal [Bà-ni].
Để làm được việc đó, bản thân ngài kiêng cữ cả thịt heo lẫn thịt bò. Hiện nay tục này vẫn còn được tuân thủ tại palei Bal Riya làng Bính Nghĩa – Ninh Thuận, được coi là quê hương của ngài.
Sau hơn mười năm lên núi tu luyện, ngài được thần Yang ban tặng cho thanh long đao ‘bat palidau’ thần thánh. Để sau đó trong giai đoạn trị vì, chẳng những ngài thu về phần đất đã mất, mà còn mang quân ra Bắc chinh phạt. Nhằm thị uy, chứ không có ý định chiếm lấy, cho đối phương biết “ta là ai” từ đó bỏ hẳn ý đồ thực dân. Xong sứ mệnh, Po Bin Thwơr hóa thân về trời ‘nao mưrup’.
Sự xuất hiện và hành động của nhân vật Chế Bồng Nga trong lịch sử Champa đã tạo nên thứ huyền thoại về SỨC MẠNH TỪ CHỐI SỰ CHIẾM HỮU KHÔNG LÀ CỦA MÌNH.
Không phải suy diễn, mà là thực. Tinh thần này lặp đi lặp lại nhiều lần, thành truyền thống Cham. Dân gian Cham truyền tụng câu chuyện về dòng họ Yang In.
Kể rằng đây là dòng họ “khó chơi”. Ai mượn bất cứ đồ vật nào của họ mà quên trả, thì tức khắc người trong nhà sẽ mắc thứ bệnh lạ. Đã có nhiều sự cố kỳ bí xung quanh dòng họ này. Người bị nạn, chỉ cần nghe thầy phán là có vấn đề, gia đình ném “của” ra ngoài hàng rào hay lịch sự hơn – mang trả lại, bệnh tình dứt ngay.
Chuyện là vậy. Sự thật, đây là dòng họ nổi tiếng liêm chính. Cả dòng họ tuyệt không xảy ra vụ ăn cắp. Làm quan không tham ô của dân; ngoài đường, của rơi không lượm; cửa ngõ khuôn viên nhà, tối ngủ không cần đóng. Nhưng nỗi đời, kẻ ngay hay bị lợi dụng.
Thế là sau bao nhiêu lần chịu thiệt, dòng họ khấn thần Yang phát đi lời nguyền độc: Ai lấy của ta mà phi tang, đời hắn sẽ tàn mạt.
Biết thêm, do văn hóa Cham chưa trải qua kỹ thuật in ấn, ngày xưa có được một bản sử thi chép tay là cực khó khăn. Để tránh thất thoát, lời nguyền tương tự cũng thường được ghi ở cuối trang trong rất nhiều bản chép tay Cham xưa còn lưu lại.
Lời nguyền Champa từng có mặt suốt lịch sử vương quốc, và còn bàng bạc trong đời sống hôm nay. Champa chưa bao giờ lấn chiếm đất nước khác, chưa hề có ý định ở lại, di dân đến xây nhà cửa làm của riêng mình thì càng. Không phía Bắc, không cả phương Nam – là mảnh đất lành, khi ấy còn khá trống, chiếm lấy dễ dàng như thể bốc hòn sỏi trong túi. Vậy mà Champa chưa bao giờ có ý định đến chiếm hữu. Ở đâu là đất Champa, ở đó họ xây tháp. Còn lại – không.
TA KHÔNG THAM CỦA NGƯỜI, THÌ NGƯỜI CHỚ DẠI THAM LAM CỦA TA.
Minh triết Cham-37. TINH THẦN CHỦ LÙI CHAM
Chủ lùi cấp quốc gia, chủ lùi từ tập thể đến tận tâm thức mỗi cá nhân…
Do mang tinh thần ẩn cư, lánh đời, “chủ lùi” mà suốt quá trình lịch sử và mãi tận hôm nay, khi mạnh lúc yếu, người Cham chưa bao giờ dời dân vào bất kì vùng đất Việt nào dù lớn hay nhỏ, mà ngược lại. Còn nếu người Việt vào đất Cham, Cham dần dần bỏ đi. Cũng không thoái lui vào đất của dân tộc khác không phải của mình như miền Nam [rất dễ khai phá] hay Raglai hoặc dân tộc thiểu số khác [yếu thế hơn nhiều] chẳng hạn. Mà là lùi dần phía núi, phía… biển!
Champa mạnh, Cham phiêu lưu viễn dương; yếu hay thất thế, khác với Việt cứ chạy bộ sang Tàu là xong, Cham ngược lại – lánh qua tận Malaysia, Philippines, Hải Nam, Đài Loan…
Mới nhất, vào đầu thế kỉ XX, Phú Quý hiện tại vẫn là của Cham, tiếng Cham gọi là Bal Cong, một phần mảnh đất của kinh đô Virapura cũ thế kỉ VIII. Trên đường lên Hữu Đức cách Bal Cong 500 mét, hiện là làng Hamu Ram (dân gian Việt đọc âm là Ma Ram, sau đổi thành Mông Đức) – làng Việt; bên kia cầu có ngôi tháp Chàm đã đổ, trước 1975 vẫn còn đống gạch vụn.
Còn khu vực Phú Quý, khi người Việt tới, gia đình Cham dần dần bỏ đi, bỏ lên. Tuổi trẻ tôi vẫn còn thấy vài gia đình Cham sót lại, sau đó biến hẳn. Bà con thành lập làng mới trên vùng đất cao bên kia con sông cách làng cũ 500 mét, mà người Chakleng gọi là Palei Birau [Bal] Cong (hay [Bal] Cong Birau): Làng Bal Cong Mới, tên hành chính là Chung Mỹ. Lên Chung Mỹ, người Chakleng nói: Nao palei Birau: đi làng Mới; còn đi chợ Phú Quý, bà con cứ nói: Nau darak B’Cong, chứ không nói “đi chợ Phú Quý”. Kí ức cũ vẫn còn sống trong tâm thức và ngôn ngữ Cham.
Trích Chân dung Cát (tiểu thuyết, 2006)
“Giáo sư Trần Hùng bảo Cham mang tinh thần ẩn cư. Hơn mười sáu thế kỉ tồn tại, những con người xuất sắc nhất Champa sau thất bại trong đấu tranh giành quyền lực, luôn đi vào rừng. Họ một đi không trở lại, không ngoảnh trở lại. Người Việt giấu mình là chờ vị minh quân xuất hiện, biết đến mà vời, giấu mình để chờ thời. Dù chán giận thế thái nhân tình đến mấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ngoảnh lại xã hội bằng ý kiến thức thời đến vua chúa. Đừng mong tìm thấy mẫu người như Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Champa, ngay như tinh thần một Nguyễn Trãi cũng không nốt. Dù mỗi người đàn ông Chăm (ít ra là các thế hệ trước 75) luôn mơ một Cộng đồng Cham thống nhất và nhất quán và chặt chẽ và đầy tính văn hóa với không mãi canh chừng nhau, xấu tâm nóng mắt hay nói lén nói chùng mà yêu thương đùm bọc và không bị mất mát gì nữa. Mơ mộng và mơ tưởng, ở thực tế họ muôn năm có phản ứng hổng chân.
Ngài giáo sư Trần Hùng gọi ông Dhan Than là Arhat quái dị. Con người lý tưởng của Bà-la-môn là đạo sĩ lánh đời, trốn đời và thoát khỏi đời khi đạt giác ngộ. Văn hóa Champa bú mớm từ nguồn sữa tinh thần này nên bị đánh cho tan tác bởi văn hóa Đại Việt chủ yếu hun đúc bằng tư tưởng Khổng Mạnh mà con người lý tưởng là kẻ sĩ dấn thân, Đại trượng phu gánh vác việc đời hay ở bậc “thấp hơn” – Bồ tát của Phật giáo Đại thừa nhập thế cứu độ chúng sinh khốn khổ. Các tri thức tinh túy nhất của tài năng Cham (tài năng thực thì luôn hiếm) không được phổ biến rộng trong quần chúng mà chỉ truyền dạy cho rất ít người hay như Dhan Than, sống để lòng chết mang lên giàn lửa đã đốt cháy thi thể còn săn chắc ông vào một trưa nắng năm xưa cùng ít giọt nước mắt nuối tiếc của tên đồ đệ duy nhất là cái thằng tôi trót phản bội lý tưởng ông bất đắc dĩ.
Nhưng đây chưa phải là hạt giống Arhat cuối cùng. Ông chết, Chế Khan đã là một kẻ kế vị xứng đáng.”
Bạn nghĩ thế nào?
Minh triết Cham-40. CHAM KHUYẾT TINH THẦN THỦ KHO
Cham không quen ghi chép, không quen cất tư liệu, rất thiếu tinh thần thủ kho – là thiệt thòi cho sinh hoạt đời sống thực tiễn.
Về mảnh đất thờ Po Riyak ở Vĩnh Trường tại trung tâm nơi Dự án Nhà máy Điện Hạt Nhân Ninh Thuận 1 dự định. Sau Rija Nưgar 2015, bà con xuống Vĩnh Trường sớm để phát quang khoảnh cây gai chùm-lé nơi có di tích Po Riyak; được một hồi mà chẳng thấy chi. Thế là bà con đành “thỉnh” vài hòn đá tạm về cạnh đường mòn cách khu đất cũ 200m, hành lễ.
Đó là chuyện thực, chuyện đời mới gay.
Kể rằng người địa phương bảo họ đã từng thờ Cá Ông sát cạnh nơi bà con Cham thờ Po Riyak. Có vị còn nói đinh đóng rằng, mảnh đất đó thuộc của họ, chớ riêng gì của Cham. Cắc cớ và tréo ngoe thế chứ. Cả mẫu đất nay bị ép chỉ còn chưa đầy sào. 100% người Cham biết mảnh đất đó là sở hữu của mình, cả hơn chục palei Cham liên quan đều đến mảnh đất thiêng cúng kiếng mỗi năm, ai cũng biết thế. Nhưng, làm sao cãi? Và lấy gì chứng thực?
Sử liệu – không, chuyện kể – không, hồ sơ (sử liệu hiện đại) cũng không tuốt.
Trong khi để chứng thực một vùng [mảnh] đất nào đó thuộc sở hữu của mình, cần:
1. Sử liệu, nghĩa là tài liệu cổ, của mình và người ngoài viết về nó. Ở đây, Po Riyak không có được đặc ân đó.
2. Chuyện kể, bởi nếu chỉ biết bám vào sử liệu, ta thành duy sử mất; thế một dân tộc chưa có chữ viết hay chưa có truyền thống chép sử thì sao? Chuyện kể cần thiết là vậy. Mảnh đất sở hữu càng nhiều câu chuyện kể về mình càng tốt. Từ người già đến trẻ con đều biết đến chúng. Po Riyak ở Vĩnh Trường thiếu khuyết chuyện kể của/ về mình.
3. Hồ sơ hiện tại như ảnh chụp hay các ghi chép những buổi hành lễ từ mấy chục năm trước, ngay ghi chép mấy năm qua cũng không có, mới lạ.
Ba yếu tố, Cham thiếu cả ba! NHƯNG NÓ VẪN LÀ CỦA CHAM. Vậy, làm gì? – Từ bỏ truyền thống? Học tập làm khoa học? Hay kết hợp cả hai?
P.S
Chuyện Po Riyak trong Damnưy Po Riyak ở palei Pacam làng Ma Lâm, Bình Thuận có gì liên quan không?
Mấy chục năm qua, Po Riyak ở Vĩnh Trường được palei Chakleng thỉnh về cúng kiếng tại làng mình, và được dân làng xem như Thần Tri Thức, nên dân Chakleng không còn xuống nơi cũ hành lễ nữa.
Hiện tại, sau khi đồng ý dời Po Riyak đi để dành đất cho Dự án ĐHN, các vị chức sắc làng Văn Lâm muốn Po về Bàu Ngứ gần làng mình, còn dân Cwah Patih và palei khác thì quyết dời Po về cạnh làng Hòa Thủy, thích ứng với tinh thần biển của Po hơn.
Buồn không? Và làm gì?!