Phê bình-40. CHẾ LINH & SARA, ĐÂU/ AI LÀ TIÊU/ ĐẠI BIỂU CHAM?

[hay: Hớ hênh của khái quát hóa]

Trang Wiki chọn 9 nhân vật nổi tiếng của lịch sử Ninh Thuận hiện đại, Cham có Chế Linh và Inrasara [nhớ, nổi tiếng nhất không hẳn là tài năng nhất].

Chế Linh tự nhận giọng hát mình “yếm thế, buồn miên man và ray rứt muôn thuở”. Và không ít người nghĩ hệt thế, rồi đồng hóa giọng lâm li, ai oán ấy với “giọng ca Hời” – nghĩa là đại biểu cho tiếng hát dân Chàm.

Inrasara ngược lại, giọng thơ “thật khỏe”, “không vui, nhưng không hề ảm đạm”, “buồn mà không bi lụy”. Thơ Inrasara “như cây đại ngàn qua bão táp vươn lên đón nắng trời”, là tiếng thơ “mang vẻ đơn côi bi hùng như tháp Chàm vẫn cứ sừng sững độc trọi giữa bao la trời đất.” Và vài nhà cho đó là tiếng thơ “tiêu biểu”, “nhà thơ đại biểu của dân tộc Cham”.

Bên thì lâm li, ai oán, yếm thế; bên là khỏe khoắn, bi hùng, không ảm đạm. Vậy ai/ cái nào mới CHUẨN ĐẠI BIỂU đây?

Tôi rất ngán bị/ được cho là “đại biểu”, là vậy. Mấy bận nhắc nhà báo, rằng nhà thơ không đại biểu cho dân tộc, HẮN ĐẠI BIỂU CHO CHÍNH HẮN THÔI. Thế rồi họ vẫn cứ thích vậy, và viết vậy!    

Khái quát vừa khó vừa dễ, để rồi rất dễ… hớ hênh!

Tham khảo.

[1] về INRASARA

Nguyễn Thị Minh Thái:

“Và sự mạnh khoẻ về hình ảnh thơ đã thành đốm lửa ấm, khiến cho người đọc có thể đạt tới sự cảm khoái hoan lạc về trí tuệ.

Chính điều này đã làm nên hấp dẫn và một phẩm chất thi sĩ riêng của Inrasara, cho dù thơ Inrasara mang giọng buồn, đơn côi, không mấy khi reo vui mừng rỡ. Không vui, nhưng không hề ảm đạm, buồn sầu, thơ Inrasara mang vẻ đơn côi bi hùng như tháp Chàm vẫn cứ sừng sững độc trọi giữa bao la trời đất muôn đời…” (Tuyển tập thơ Dân tộc Thiểu số III, 1999).

Hà Văn Thùy:

 “Có lẽ đấy là lần đầu tôi đọc thơ của một tác giả Chăm. Với dư âm của quá khứ, tôi sợ gặp lại những di ảnh của Điêu tàn, của những bóng ma Hời sờ soạng. Nhưng không, thơ Inrasara thật khỏe, không bi lụy mà như cây đại ngàn qua bão táp vươn lên đón nắng trời” (“Inrasara bay lên từ tháp cổ”, tạp chí Văn hóa-Văn nghệ Công an, tháng 11-2000).

Chế Diễm Trâm:

“Cái tiếng hát ấy, cái tinh thần Chăm ấy – trước “điêu tàn” mà không bi lụy, bị bỏ quên mà vẫn không tàn lụi. Trái lại, phá hủy để sáng tạo, sáng tạo trong hủy phá, tái tạo và bồi đắp:

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui/ chịu chơi cả trong đau khổ.

Nếu được chọn một bài Inrasara nhất, Chăm nhất, có lẽ tôi chọn Tiếng trống Ginang – bập bùng, bồng bềnh, bay bổng… Thi trung hữu nhạc xưa nay không hiếm, nhưng thơ Chăm chất chứa nhạc Chăm thì đâu có nhiều. Tiếng trống Ginang vang lên: cứng rắn và mềm mại, thánh thiện và huyền diệu, đau khổ và hân hoan” (Tìm Chăm”, trong Những ô cửa nhìn ra vườn văn, Nxb Văn học, 2017).

Nguyễn Mạnh Thắng:

“Tôi không nghĩ Inrasara là nhà thơ chỉ của riêng dân tộc Cham mà anh còn là nhà thơ đại diện cho cả năm mươi tư dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S. [Hơn thế], tôi cho rằng Inrasara như một người tiên phong, một người đại diện cho dòng chảy thơ Việt đương đại” (“Lễ Tẩy trần tháng Tư – hành trình gian khổ”, Inrasara.com, 27-5-2015).

[2] Về CHÊ LINH

Đỗ Thái Nhiên, “Giọng ca Hời” (dothainhien.blog.com)

“Nghe tớ [Nhật Ngân] hỏi, Chế Linh nhìn mung ra ngoài đường phố, chậm rãi trả lời: “Tôi tự biết giọng ca của tôi là giọng ca yếm thế, buồn miên man và ray rứt muôn thuở… Thế nhưng tôi quyết định không bao giờ từ giả giọng ca kia vì đó là giọng ca Hời, giọng ca của quê hương tôi, của đồng bào tôi, giọng ca u-hoài từ người dân của một quốc gia đã vĩnh viễn bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Đất nước Việt Nam tuy vẫn tồn tại, thế nhưng người Việt ngày nay bao giờ cũng cảm thấy xót xa mỗi lần nghĩ tới quê hương Việt trên các địa bàn: văn hoá, chính trị, xã hội, vận mệnh của đất nước… Trong tâm tình xót xa  vừa kể, người Việt Nam thấp thoáng nhìn thấy một dấu hỏi thật lớn: Phải chăng tương lai của Việt Nam sẽ là hiện tại của người Hời? Dấu hỏi này chính là gạch nối thật rõ nét giữa tâm tình của hai dân tộc Hời-Việt. Đồng thời, nó cũng là lý do giải thích tại sao giọng ca Hời, giọng ca Chế Linh cuốn hút người Việt, cuốn hút một cách vô thức, âm thầm bao nhiêu, ray rứt bấy nhiêu”.

Nguyễn Hữu Liêm, Talawas, 3-9-2003:

“Từ khi nhà Nguyễn thẩm nhập cái âm nhạc mất nước của dân tộc Chàm bằng những lời ca Huế thì triều đại này chỉ còn đi xuống dốc. Một triều đại quyền lực, một trung tâm chính trị quốc gia lẫy lừng từ khi bị nhiễm lấy cái vi khuẩn của loại nhạc mất hồn của dân Chàm thì chỉ cần một thời gian ngắn là cả hệ thống chính trị Việt Nam bị suy đồi từ trí thức cho đến ý chí, từ tình cảm cho đến nghệ thuật”.

Inrasara, RFI, 16-11-2011

Thưở nhỏ, tôi từng mê Chế Linh. Có thể nói thế. Tôi chép tay và thuộc cả trăm ca khúc của anh, hay ca khúc được lưu truyền qua giọng hát anh. Rồi, một thời gian khá dài, tôi cũng đã chối bỏ anh, như chối bỏ những gì cực đoan. Tôi không thích cực đoan. Ở Chế Linh là chán nản và đau khổ cực đoan, rên rỉ và sướt mướt cũng cực đoan. Ngay cả uốn éo, luyến láy cũng cực đoan nốt. Đó là điều tôi lánh xa. Nhưng mươi năm qua thôi, tôi nghĩ khác. Chính sự cực đoan ấy đã làm nên sự khác lạ, độc đáo trong nghệ thuật.

Lịch sử dân tộc Chăm là lịch sử ly tán, mất mát và đau buồn, đó là điều ai cũng thấy. Nên không ai ngạc nhiên, là hầu như không thấy ca khúc vui trong dân ca Chăm. Khúc ca vui, chắc chắn có, nhưng nó diễn ra ở một thời xa xôi nào đó. Các ca dao dân ca hiện có chỉ còn là các bản sầu ca. Các sầu ca ấy kết hợp với các làn điệu dân ca, khi trầm buồn, khi ai oán, lâm ly, bi thiết, vang lên trong những đêm cô đơn, nó luôn luôn đậm đà trong ta những dư âm không bao giờ dứt.

Theo tôi, tiếng hát Chế Linh cũng mang âm hưởng đó, cái sự nâng, rung và cả luyến láy, dù là tân nhạc, nhưng nó vẫn đậm chất Chăm, nếu nghe qua các dân ca Chăm, ta sẽ nhận nó rất là rõ, nhận ra rõ lắm.

*

Nguyễn Mạnh Tháng,

Trở lại lúc nãy tôi cho rằng Inrasara như một người tiên phong, một người đại diện cho dòng chảy thơ Việt không phải vì anh có nhiều giải thưởng cao quý chất lượng ở trong và ngoài nước mà ở thơ anh người ta thấy được sức sống mãnh liệt không hề bi lụy giống như tháp nắng kia có thể đổ nát theo thời gian nhưng hồn của tháp thì không thể.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *