Tiêu điểm-4. THIẾU CÔ ĐƠN, NHÀ PHÊ BÌNH LÂM BỆNH

Người đời sợ bị chê. Hàm ơn người ta dài dài, bị chê một miếng thôi đã thù hết đàng gỡ; tôi thì khác: rất mong được chê!

Đại bộ phận sinh linh Cham [cả Việt] ưa nỗi bầy đàn, khen chê hùa theo số đông, và rất ngán ai nói ý khác mình; trong khi dân Do Thái khuyến khích sự bày tỏ chính kiến KHÁC. Từ sinh hoạt nhóm nhỏ đến tố chức lớn, 9 người khẳng định “chân lí” thì thế nào cũng nẩy ra 1 kẻ nói ngược lại. Chúa dạy rằng trái đất vuông, tôi kêu nó tròn; 99% lắc đầu là không thể phục hồi quốc gia Do Thái, tôi nói có thể.

Thế mới là dân tộc thông minh!

+

Kẻ sáng tạo thiếu cô đơn, đã đành, nhà phê bình Việt Nam hôm nay không khác.

Trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô ngày 6-9-2014:

“- Rất nhiều nhà phê bình ngại động vào những tranh luận, nên chọn cách im lặng. Liệu các nhà phê bình văn học im lặng thế đã đủ lâu chưa?

– Inrasara: Ngại, không sai. Thời gian qua ta vẫn chưa có diễn đàn tranh luận đúng nghĩa. Cả ở lĩnh vực văn học. Đôi lúc vài khởi đầu có vẻ đầy học thuật, thế rồi dần dần cuộc tranh luận lệch pha và bị lôi cuốn vào mấy cãi cọ vụn vặt. Vài người chọn im lặng, không thể trách. Nhưng có thể phó mặc cho nền văn học bị cảm tính với tùy tiện thao túng mãi không!”

Nhà phê bình cần cô đơn. Ngoài ba tầng cô đơn của kẻ sáng tạo, hắn cần thêm tầng thứ tư: cô đơn trước văn bản. Làm việc trên văn bản, và chỉ biết có nó. Hắn đọc nó, đưa ra nhận định mà không bị tác động bởi áp lực ngoại vi nào bất kì. Ý hệ tôn giáo hay chính trị, phe phái bầy đàn hay uy tín cá nhân. Hắn cũng không viết để chiều theo bộ phận độc giả nào đó.

Nhất là, hắn không cho phép mình bị lung lạc từ chính tác giả dù vĩ đại tới đâu.

Mươi năm trước, viết về tập thơ bạn thân vừa in, gửi bạn xem trước. Bạn tế nhị gợi ý thay đổi một luận điểm, tôi từ chối. Thế là đang “thân mến”, hai năm không nhìn mặt nhau. Tôi ngược lại, tuyệt không xen vào bất kì nhận định nào về thơ mình. Tôi gọi đó là cô đơn khi tác phẩm ra đời.

Cô đơn, nhà phê bình không chùn tay trước công kích, dẫu của cả đám đông rộng lớn.

Khi cho “khóc văn cao” của Bùi Chát là bài thơ lớn, hay “Tôi là cột điện” và “Cut” của Lê Anh Hoài là kiệt tác, tôi trách nhiệm về nhận định kia của mình, thây kệ độc giả hay nhà phê bình nào khác phản đối.

Xuống tận tầng cô đơn thứ tư, nhà phê bình mới có thể nói đến sáng tạo.

Thiếu cô đơn, nhà phê bình Việt Nam lâm mấy trọng bệnh (xem “Điểm danh 10 căn bệnh phê bình hôm nay”, trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006):

– Bệnh cảm và luận, thứ phê bình không cần dựa trên tiêu chí khoa học nào;

– Bệnh phê bình giai thoại (chữ của Nguyễn Hưng Quốc), kể và kể lể chuyện ngoài lề đã chiếm hết nửa bài phê bình;

– Phê bình bình và tán, tùy hứng và tùy tiện;

– Phê bình hũ nút, thứ phê bình đóng khung trong hệ mĩ học lạc hậu, lỗi thời;

– Phê bình núp bóng, từ núp truyền thống, đàn anh cho chí tác giả lớn…

– Phê bình bè phái thì rõ rồi, ở Việt Nam nó bát ngát;

– Phê bình du kích (chữ của Nguyễn Hoàng Văn), đang bàn về chị này tạt sang đánh anh kia một miếng;

– Phê bình quan phương, như thể mình đang nắm chặt chân lí trong tay;

– Nếu tránh được bệnh trên, ta rơi ngay vào loài phê bình hàng hai, hàng ba;

– Cuối cùng, trong nỗi tù mù của không khí văn học hôm nay, “phê bình liếc nhìn” dễ dàng tìm được đất dụng võ. Nó “liếc nhìn những người có quyền, có tiền, nhằm một lợi lộc, một ân huệ nào đó”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *