Heidegger: Ngôn ngữ là ngôi nhà an cư của tính thể. Tư tưởng gia và thi sĩ, qua ngôn ngữ, tạo lập ngôi nhà cho mình, để cư ngụ. Tôi ý thức và ý hướng về nó từ rất sớm, ngay tuổi 15. Sự thể ngày càng lộ rõ hơn, mồn một.
25 tuổi, tôi tuyên to con:
“Khi tôi chỉ còn bóng tối làm bạn đồng hành…”
(“Bàn chân, Con đường, Bóng tối”, Tháp nắng-1996)
10 năm sau, tôi vặn nhỏ volume đi rất nhiều, nhưng ý hướng là một – không đổi:
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế.
(“Ngụ ngôn của Đất”, Tháp nắng-1996)
Chuyện vui.
Hai năm trước, trao đổi với một ‘Acar jamư-ah’ tập sự, bạn này kêu: Cei Sara thấy facebook cháu được like nhiều sanh tâm ghen tị. Nghe, tôi cười đến méo miệng. Mèng!
Ai giàu có, ai nổi tiếng, ai ăn sung mặc sướng, ai vợ đẹp con ngoan vân vân ai với bát ngát thứ, là chuyện của ai ai ở cõi người ta. Mấy vụ đó không phải tôi chưa từng, mà ngay cả tôi chưa, mọi mọi nỗi ấy cũng chả gây vướng bận tôi tí ti. Người kẻ cứ vui trong mảnh đất kẻ người, tôi thì khác.
Không cao hay thấp hơn, không sang hay hèn hơn, mà là KHÁC.
Dự cuộc cộng đồng như nghiên cứu, viết báo, diễn thuyết hay lên tiếng này nọ, là chuyện ngoại biên; thơ và tiểu thuyết mới là thế giới riêng tôi. Tôi sống với, qua ngôn ngữ thơ tôi, cùng cuộc đời nhân vật cả thật lẫn hư cấu của tôi.
Tin Pô Yang, tôi chưa lần hao tốn trứng gà hay xị rượu cho các Ngài.
Giúp đời, tôi không vướng bận bất kì loài đám lễ nào nơi ấy.
Khi không thể yêu thương được nữa, cứ im lặng tha thứ mà bước qua, – tôi chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Nietszche.
Tôi đại gia hay tôi nghèo kiết xác, nhà bên hát karaoke kẹo kéo hay khi tôi được ngợi ca hoặc bị mạt sát, Nhật vừa chịu trận sóng thần hay Nga sắp cho nổ bom hạt nhân, tôi vẫn sống vui, viết khỏe.
Tôi đến đúng giờ, và đứng dậy rời khỏi bàn tiệc bất cứ lúc nào tôi muốn.
Ừ, làm sao tôi có thể sống kiểu đó giữa chốn chơi vơi ấy? – Đôi khi tôi tự hỏi, và tôi chưa một lần thử tìm câu trả lời.
+
Bữa nay nổi hứng xin được hơi lạc đề xíu.
Tôi vừa tút “Huyền nghĩa của chấp nhận-6. Ngôn ngữ là ngôi nhà của thi sĩ”, nghe chả dính chi đến Tường Năng Tiến, mà lại liên can thiệt.
Chuyện là kẻ viết văn cần có cái giọng, có ngôn ngữ riêng, hay nói như Nguyễn Hưng Quốc, “có mùi văn”. Đọc văn, tôi khoái nhất vụ đó. Và học…
Trước 1975 tôi học ở Bùi Giáng và Phạm Công Thiện. Thiện chết, Tiền Vệ tố chức viết về anh, tôi có ngay: “Chớp lửa thiệng Phạm Công Thiện & tôi”, rất oách. Bùi Giáng chết, tôi ở Sài Gòn nhưng không đến viếng. Tôi lai rai viết về ông, ngẫu nhĩ ra hoa vậy thôi.
Sau 1975, tôi mê văn lí luận Nguyễn Hưng Quốc. Rồi bên blog RFA, tôi phát hiện… ông anh Tưởng! Anh có “mùi Tưởng” [không phải Giới Thạch]! Tôi khoái và học. Ăn cắp và phi tang vài chữ anh dùng.
Mỗi ngày tôi siêng lên facebook đọc văn anh, có khi quên like, và đọc thơ Lê Vĩnh Tài. Để ngửi… mùi. Rồi thôi. Thi thoáng mới tò mò vài nhà khác.
Amen Heleh.