[& chuyện vui, đậm ở thế giới Cham]
Về TÔI: Đón xe đò vào Sài Gòn kiểm tra, ba bộ phận quan trọng nhất của đời người: Bộ óc chạy tốt, trái tim còn tràn đầy, có mỗi màng túi bị trầy sướt. Về quê sáng nay, thế là ổn.
Karun tất cả & Thug siam cho chính mình!
Nội tháng qua, gia đình tôi bị 6 vụ.
Jakha ở Sài Gòn một mình, leo cầu thang dốc lên sân thượng bị tuột phanh, may phản ứng kịp để chỉ mỗi bàn tay bị bong gân, không thì mệt nhất. Còn lại đều nhẹ, nhẹ nhưng hơi bị nhiều.
Kể nợ tình & nợ đời liên quan đến Cham.
Khuôn viên nhà tôi, đúng ngày tôi bị va quẹt, thằng cháu rể đá banh bong gân vào Sài Gòn mổ, mới về. Bà con họ hàng với bằng hữu ghé thăm, cũng khá. Buổi chiều, tôi nằm võng nhà bên này ngó sang: Mèng, chả có ai thăm mình cả – tủi chớ bộ!
Trong khi bệnh tình tôi ra mòi còn nặng hơn. Lỗi tại tôi cả.
Thứ nhất, tôi không báo cho ai hay. Chiều tối bị, sáng uống cà-phê với người nhà, tôi còn nín thinh mà. Sau hai ngày, họ mới biết tin qua ai khác đọc facebook. Có mỗi Diễn lanh lẹ chạy xe qua biếu tôi thùng trái cây với các loại hạt linh tinh, là thứ tôi khoái. Thế thôi, chấm hết.
Thứ hai, ‘kakah’ cái vẩy ông Sara đại gia từ cuối thế kỉ XX còn dư hưởng, nên ai có quà cáp mọn cũng hơi ngại.
Thứ ba quan trọng hơn, tôi không có NỢ ĐỜI. Ngay từ hiểu biết – tuổi 20, tôi không phúng điếu ai bất kì. Đám cưới với đám tang, tân gia hay sinh nhật… nghĩa là không có vụ ghi sổ nợ.
Người ta không nợ tôi đã đành, tôi cũng chẳng nợ ai. Khai trương công ty – công ty đầu tiên của Cham, mà ngay đất Sài Gòn, tôi mời khách hai chiếc xe lớn từ quê vào-ra, còn tham quan Dinh Độc lập nữa. Ở đó tôi tuyên: không đưa-nhận bì thư.
Chơi cá biệt kiểu đó, bởi tôi biết từ rất sớm rằng, chính NỢ ĐỜI này sẽ khiến bao gia đình Cham hôm nay khốn đốn [đã kể].
Ngược lại, NỢ TÌNH tôi thì bát ngát. Tài thí, Pháp thí cho đến Vô úy thí, cũng không chừa.
Ngay tuổi 15, tôi đã tham gia làm vệ sinh, đào giếng nước cho làng, sau đó là hệ thống nước sạch [Quỹ Sứ quán Canada]. Rồi dạy học không lương các môn, mua sách tặng hay tặng sách của mình, giúp vốn bạn bè làm ăn, tặng quà cho em bé và bà mẹ, tiền cho sinh viên học sinh, vân vân.
Nếu hôm nay tôi được NHẬN lại chỉ 1% từ CHO kia thôi, cũng đủ sống đến… già. Nhưng ai lại tính toán kiểu ấy, chán chết đi!
Về TÀI có tính vật chất thì còn đo đếm được, chớ PHÁP & VÔ ÚY, như lên tiếng giúp giải quyết sự vụ hay gặp mặt giúp ý giải thoát sợ hãi – là loài bố thí cao đại hơn cả, lấy gì mà cân đong?
Tất thảy các món này không ai “ghi sổ”, thế nên không có vụ mang nợ, để mà trả.
Riêng vụ quá giang hỗ trợ các bà mẹ trẻ kẹt Covid-19 vừa qua, tôi có thông báo: Ở buối hỏa thiêu tôi, mỗi mẹ – dù ở bất kì đâu hay có “về” trước tôi cũng nhớ dặn con cháu – PHẢI mang đến góp vào 1 [một] thanh củi cho thể thân tôi làm tro bụi, nhanh nhất có thể.
Ai thất hứa, là tôi về ĐÒI, p.s-1.
Bố thí, người được thì ta vui; người không được ta cũng vui. Thế thôi, nhẹ nhõm và… cũng đủ lãng quên đời.
+
P.S-1. trích Hàng mã kí ức-2011:
“Nhưng đời đâu thiếu kẻ tham lam. Có bà ham ăn, di chúc cho con cháu paphôl “đốt” thật nhiều bánh trái. Thế là “về” nửa đường, không gánh nổi, bà báo mộng cho cháu út mời thầy làm lễ sớt bỏ lại. Ai bảo?
Ông T làng Thôn, trước khi nhắm mắt, đã dặn lui dặn tới vợ con:
– Tao chết đi, không mang gì cũng được, phải có thật nhiều cái “mò” ting.
Thế là buổi sáng thiêu ấy, mấy bà sồn sồn hai, ba lửa tranh nhau hái và ném, hái ném vô số kể cho ông. Tham thì thâm, ông dùng không thấu, bước đi mà hai chân cứ như bò lết lên nẻo thiên đường. Phải báo mộng, làm khổ vợ con. Nhưng vụ này thì rắc rối hơn, gia đình ông phải làm lễ ‘Limư xalau lithei’ “Năm mâm cơm” chuộc tội, mời bà con về xơi, mời cả quý bà hái và ném khi xưa mạnh ai về nhận lại… đồ của mình!”