Hôm qua bạn facebook Dã Thảo, cô giáo văn trường chuyên, chat hỏi: “Với tư cách một người sáng tác, việc Viết tác động đến Sống của anh như thế nào?” – là câu hỏi cần đến một tiểu luận.
Với tôi, sống và viết là một. Viết ảnh hưởng đến sống, ngược lại – sống tác động đến viết. Nói vậy thì chung chung quá…
Trần Dần:
“Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời”
Là tứ hay, cách diễn đạt mới lạ. Tôi từng mê nó, hôm nay phản biện xem sao.
[1] Hà cớ phải “khóc”, mà không là “tiếc”, “lo”…? Riêng tôi, khi chưa có chân trời, tôi nuôi lửa. Nhiều cây thơ thuở Trung học, sau 1975 thì tắt nắng. Tôi vẫn miệt mài đi, đọc và viết. Sướng hay cực – viết, đói hay no – viết; làm đủ nghề để sống và viết; khách sạn 5 sao Tokyo hay chòi rách miền Tây – viết; đất nước đóng hay mở cửa – viết; nông dân hay Chủ tịch Hội đồng thơ – viết; không hi vọng được in cũng cứ viết.
[2] Chớ gì ham bay sớm, thèm nổi tiếng sớm? Đã có bao nhiêu thiên tài yểu mệnh rồi! Tôi: Giú mình trong bóng tối vô danh. Viết, đóng tập, ném bỏ rồi lại viết, cuối cùng mãi tuổi tứ thập khi có cơ duyên, tôi mới cho chúng bước ra ngoài mưa gió nỗi đời và cuộc chữ.
[3] Những người có khả năng bay kia, tại sao không thể tự tạo ra chân trời, để bay? Đã có thế giới Dostoievski, thế giới Proust…
Tôi đã tạo nên thế giới của mình, cho mình và tôi tự do chơi, vẫy vùng trong thế giới đó, trọn vẹn. Thế giới chữ nghĩa ấy, ít ra tôi có 5 mảnh đất để cày xới: Sáng tác, phê bình, nghiên cứu, diễn thuyết và hoạt động xã hội, cộng đồng.
Ramưwan buồn, cũng bởi “sống và viết”, tôi tạt sang bàn về thơ – các bài thơ đã tút nơi “Ramưwan buồn…”. Dù ở đây thơ chỉ là món phụ gia, nhưng các bạn facebook đã vui vẻ đưa lời bình. Thử góp thêm vài lời…
Trong ba bài thơ về bạn, Lê Viết Hòa cho bài “Khát vọng biển” hay nhất, còn Lam Hà là lục bát “Chế Thảo Lan”. Ở đây không liên quan đến kiến thức, mà chỉ là gu thẩm mĩ của mỗi người. Như vài bạn rất thích thơ tình hơi cũ của Inrasara. Tôi ngược lại, bài về bạn, khoái nhất chính là: “Trong khoảng tối gió mùa”, còn thơ tình tôi “xem nhẹ” thơ tình đã đăng 3 kì, mà là bài khác..
“Như thể giấc mơ”, “Liên khúc chuyện tình vùng cao” và “Yêu nhau 3 thì” [nhà phê bình Lê Hồ Quang trích bình trong tác phẩm mới nhất của mình]. Cả ba không liên quan gì đến đời thực của tôi cả. Ý muốn nói thơ tình “giả” lại ăn đứt thơ tình từ tình thật trong đời thực.
Về bài “Khát vọng biển”, Anưk Nhai bình:
“Cham, hầu như vậy: “anh quay lại phận gà ăn quẩn/ cối xay xưa đã rệu rã dáng bồng”. Cứ hát hoài một câu rồi tan theo mây khói. Tối thượng Cei!”
Ý hay. Dẫu sao cũng nói thêm: Viết thơ TẶNG người nào đó trong đời thực, không hẳn chỉ VỀ người ấy, mà cần HƯ CẤU để tứ thơ được trọn vẹn. Đó mới thành văn chương.
2 chùm thơ tình tôi khoái:
YÊU NHAU 3 THÌ
1. Thì Lãng mạn hậu thời
Ở một thành phố phương Nam khi xe cộ đã đi ngủ
sự vắng mặt em khởi động nhớ trong anh
nhớ vào mùa gieo hạt
Nhớ
sáng tạo điệu bước em & ánh mắt em
môi hé em & vùng ngực nõn em. Sáng tạo
bàn tay móng ngắn em & vòng ôm nhiệt tình em
Nhớ mọc ngang tầm im lặng
nhớ hủy thiêu trùng trùng khoảng rỗng
Ở thành phố khi ý thức đã đi ngủ
anh bay bằng triệu cánh tình yêu về làng quê phương Bắc
nơi
em đang xõa vùng tóc lạnh run rẩy thân mai trong rét
chờ anh phủ hơi ấm phương Nam
Ở một thành phố
da em thơm như niềm vắng mặt
2. Thì H[ậu h]iện đại
& chúng ta yêu nhau bằng thứ tình yêu đã lỗi thời
tình yêu từng xảy ra trong tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn chẳng hạn. Cũng có thể gần hơn
Lối hôn này cóp của Bardot, Fonda – ai biết
thứ vuốt ve tối qua từa tựa The Pretty Woman
& chúng ta
yêu nhau như lặp lại
Như là bản sao
chán quá đi mất, em nói
hay mình lao bừa vào nhau đi anh
Nhớ anh da diết – bọn làm thơ chập cheng đã viết nát
yêu em mê mệt – Barbara Cartland đã nói rồi
điệu nghệ hơn cả anh, có lẽ
Hay ta chia tay đi em
lại là thứ chia li không miếng nào đặc sắc
na ná trong phim, xa hơn: truyện cổ tích
& thì
đành yêu tạm thôi, mình nhỉ!
3. Thì Cổ điển mới
Đất màu ngô
em & anh xe hơn một giờ
chúng ta ngược về lãng mạn lạc thời, em nói
Đất Cao Lan hẹp mà lòng em rộng
đồi Cao Lan cằn làm hồn anh phì nhiêu
quành xe vào hiện thực
Trời đang rét mà mắt em ấm
tay anh buốt cho da em thơm
người không dài lời về nghèo khổ
Đất màu ngô
tình yêu màu gì không biết
môtô lạnh cóng hơn một giờ
anh cứ giàu lên từng cây số.
LIÊN KHÚC CHUYỆN TÌNH VÙNG CAO
1.
Kể rằng:
Đó là buổi sớm mai bất ngờ nghe phôn anh:
Không ưa bùa vẫn phải tin bùa
không thích bói cũng xin một quẻ
Đó là khi đọc tin nhắn em trưa nắng đậm:
Ai xui anh bay mùa mưa mai
bằng hai cánh gẫy
Đó còn là buổi chiều ngọt, anh bảo:
Em lăn tròn vào anh, ai khiến
cho hơi thở ta chung
Và đêm tối kia đã nói lời đồng lõa:
Ai bỏ bùa ta cho ngón tay đan ngón tay
cho mắt chìm trong mắt
môi tan vào môi
cho hai ta nóng chảy
Kể rằng:
Đó sẽ là những sớm mai ta hát khúc Coda:
Đành tin vào một vu vơ quẻ bói
đành tin vào thứ bùa mê.
2.
Không gì nguy hơn tứ thơ đến khi áp-phe ngập đầu
lời tơ nõn phanh phơi trước đống con số dọa nạt
run rẩy trên lằn ranh sống chết
giấc mơ ngoảnh đi không thể vẫy
xác từ nghẽn lối bảo tàng
con đường tối mở ra thăm thẳm
Không gì gây chán hơn nhận phôn em lúc văn phòng tôi vừa chật ních khách hàng
lời giản đơn bị xua đuổi bởi thứ ngôn ngữ phồn vinh
toan tính lỗ lãi đi rồi – đường dây em lạnh
cánh chim thổ âm tuổi thơ bay mất
lồng ngực tôi trống hoang
Không gì làm xa lạ hơn hèn kém của nhà thơ
đến không dám đánh đổi
an toàn thường trực, tiện nghi dài lâu
lấy giây phút bất an ngắn ngủi
Em mang thổ ngữ anh đi đâu?
ai mang hơi thơ tôi đi đâu?
3.
Khi em đổ bóng ngọn đồi màu đồng hun em xuống đời trôi anh làm lang thang
lang thang mãi khu rừngnguyênsinhem
cho anh mất lối về
Anh hãy thử đếm hạt cát bãi nắng Ninh Chữ để biết em yêu anh thế nào
và hãy đếm
lá rừng Cao nguyên ngày anh lạc
dẫu rừng có bị đốn sạch lá vẫn làm hạt phù sa về đồng anh trầm tích
anh có tin vào rừngphìnhiêuem?
Anh đói anh khát đã có đó rừng em
buồn – anh rúc vào nách rừng em ngủ vùi
vui – anh nhảy giỡn đùa nghịch đồi rừng em
chán giận – anh đừng quên tìm hoa lá rừng em xoa dịu
máu phiêu lưu giang hồ – anh cứ đến miền thẳm sâu rừng em khai phá
Chỉ rừngphìnhiêuem là tặng vật của suối nguồn
chỉ đồngmẫuhệnhiệmmầuem là mùa màng vô tận.