THẾ NÀO LÀ QUÊ HƯƠNG?

Đất ta cư trú, ta phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mà có được, rồi ta sở hữu “sổ đỏ”, ta dựng nhà… để thành nơi ĐẤT Ở. Dẫu sao ở chốn ấy, “đất lành thì ở, đất lở thì đi”, không vấn đề gì cả. Nếu có rời xa đi, ta nhớ nhung thời gian ngắn, rồi kí ức phai tàn đi nhanh chóng.

Chỉ khi mảnh đất đó trải qua NHIỀU ĐỜI, mẹ cha, ông bà và cố ngoại nội ta an nghỉ: Chôn cất trong ‘Ghur’ với Cham Bà-ni, hay được mang vào ‘Kut’ với Cham Bà-la-môn, thì đó mới là quê hương.

Người Việt gọi là nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Cham đẩy khái niệm đi xa hơn nữa, khi đất tổ thành đất “dar thook padook kiak” nơi chôn nhau và đặt viên gạch [để dựng tháp], đó mới đích thị ĐẤT THÁNH. Mảnh đất – ngoài nơi thân xác phàm gửi tạm còn liên quan đến tâm linh. Quê hương được nâng lên cấp độ khác: sự thiêng liêng.

Không dừng lại nơi đó, mảnh đất ấy cần đến những CHUYỆN KỂ của mình.

Lịch sử history là câu chuyện quá khứ được kể lại, bởi một hay vài đại diện cho cộng đồng đó. Dù là quá khứ của một dân tộc, một tập thể hay một cá nhân, nó là hi[s-]story, như cách chơi chữ của một tác giả phương Tây. 

Cộng đồng ấy chia sẻ cùng câu chuyện: Chính sử [hay sử chính thống] và ngoại sử, lịch sử truyền miệng Oral history. Với Cham, hàng trăm ‘damnưi’ truyền thuyết được hát lên trong các lễ nghi tôn giáo cùng những câu chuyện dân gian được kể xuyên thế hệ.

Nhà văn là kẻ lưu trữ kí ức dân tộc mang sứ mệnh kể những câu chuyện ấy, theo cách của riêng mình.

Tại sao cần tới câu chuyện?

Bởi biến cố lịch sử xảy tới, khi không thể trụ lại đất thánh, ta rời bỏ tất cả mà đi, câu chuyện sẽ sống cùng ta. Trong thẳm sâu vô thức kí ức cộng đồng. Ở bất kì chốn nào ta luân lạc đến.

Đó là huyền nghĩa của ‘Agal Tapuk’, nền tảng làm nên QUÊ HƯƠNG.

Ui, “quê hương là chùm khế ngọt” đó là loài thơ sến. Vì nó được phổ nhạc, ta nghe quen tai thôi. Tút này là TRIẾT LÍ về Quê hương, cô giáo à. Nó vượt đến bậc tứ 4:

Cấp bậc [1] Khi ta qua tỉnh hay nước nào đó mua nhà có “sổ đỏ”, ở đó GIA ĐÌNH có chùm khế ngọt, có con diều, đó chỉ là ĐẤT Ở [ca khúc “Quê hương” chỉ nằm ở cấp bậc thấp này]

Cấp bậc [2] Khi đất đó ta sống qua nhiều đời thành mổ mả tổ tiên, thuộc DÒNG HỌ HAY LÀNG, gắn kết nhiều thứ mới là Quê hương

Cấp bậc [3] Khi có Tháp, hay đền thành biểu tượng cho CẢ DÂN TỘC, đất đó mới thành Đất Thánh

Cấp bậc [4] Cao hơn, Quê hương-Đất thánh đó có nhiều câu chuyện kết nối cộng đồng, để – cho dù cộng đồng đó lưu lạc tận đẩu đâu, ta vẫn có QUÊ HƯƠNG TRONG LÒNG mình.

Sứ mệnh nhà văn là kể những câu chuyện đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *