… bổn phận của trí thức là, nói.
[Chú thích cho mục “Phát ngôn của Inrasara-5”]
Như một nhân vật nông dân trong Chân dung Cát-2006, mỗi ngày nghĩ ra một ý mới, rồi nghỉ. Tôi, mỗi sáng luôn kiếm cho mình một món giải trí mới. Một ý, một từ, một giai thoại… sao cũng được, miễn phải nghĩ ra cái gì đó cho mình cười đã, chuyện khác tính sau. Thế nên, bạn nào thiếu óc Humor, khó tiếp nhận đủ đầy văn xuôi Inrasara!
“Phát ngôn của Inrasara-5”, bạn Doan Nghiep còm: “Thích nhất là câu ‘Sứ mệnh của trí thức là tìm lấy ách giữa đàng mà mang’”. Không sai, nhưng phát ngôn vậy coi bộ nghiêm trọng quá. Tôi hơi khác, câu: “Lên tiếng là bổn phận trí thức, như nhiệm vụ của chó là, sủa”, làm tôi khoái hơn cả.
Đơn giản, bởi nó khiến tôi… cười.
Nếu “ách giữa đàng” đúng khi nó được đặt trong ngữ cảnh thích hợp, thì “sứ mệnh của chó” mang tính bao quát hơn, có thể vận dụng cho mọi tình huống, và nhất là nó tạo sự liên tưởng đầy thi tính khiến chúng ta vỡ cười.
Đây là thứ “điển tích hiện đại”: ngắn, đủ và cực đỉnh.
Một hôm cả đội chó Đông Đức chui lọt tường Bá-Linh, nhảy cẫng lên và sủa ăng ẳng rất sướng. Con nào con nấy phương phi, ngó lạ quá, một chú chó Tây Đức mới chạy đến hỏi:
– Bên đó không thịt thà đầy đủ sao?
– Có, có. – Một lão chó trả lời, – có cả các siêu thị dành riêng cho chó.
– Các ông bà chủ đối xử không tốt à?
– Ôi thôi, tuyệt. Nhà nước còn dựng cả thẩm mĩ viện chăm sóc sắc đẹp cho chó nữ nữa…
– Sao các bác liều lĩnh moi tường chạy qua đây thế này?
– Ui, ở bển họ không cho sủa.
Bình.
Cơm no áo ấm đầy đủ, ăn ngon mặc đẹp, vui chơi giải trí thoải mái… thiếu món SỦA, thì chưa thể thành người. Lịch sử phát triển của nhân loại văn minh là lịch sử đấu tranh để được sủa, tục gọi là tự do tư tưởng và tự do ngôn luận [tặng đoạn này cho bạn văn Phạm Lưu Vũ].
Bạn thơ Mai Văn Phấn: “Được quyền nghĩ những điều đã ước” rồi dừng lại.
Tôi thêm: Được quyền nói những điều đã nghĩ và, được quyền làm những điều đã nói [tặng câu này cho bạn Lê Hồ Quang].