Tôi, Lưu Văn Đảo, Quang Cẩn thân thiết, với ‘Akhar thrah’ thì càng. Bộ ba ấy, tôi cho Đảo có tố chất thông minh ngôn ngữ số 1. Hầu hết chuyện tôi kể liên quan đến người đã mất đều được kể ngay khi họ còn sống [thế mới đáng tin], riêng chuyện này thì chưa…
1. Kêu mình “đai trắng Akhar thrah” không phải tôi cho mình giỏi nhất – bởi tôi biết nhiều sinh linh Cham giỏi, mà là tôi “toàn cảnh” nhất. Bao quát và chi tiết, sớm sủa và dài lâu, sâu và rộng, “hàn lâm” với bình dân, sách vở và chuyện ngoài lề, đa lĩnh vực, đa cấp độ và sắc thái… xung quanh ‘Akhar thrah’.
“Toàn cảnh” nhất, nên bàn về ‘Akhar thrah’ là thứ TÔI SỢ NHẤT. Khác hẳn ý kiến của anh Ysa được yut Quảng Đại Cho đồng tình:
“Sao không thử đứng ra cải cách một lần, thành hay bại còn tùy nhưng lần này có báo cáo, video, audio để đời sau duyệt xét! Thế có tốt hơn không? Đối với tôi nếu có nhắm mắt cũng biết mình đã có cố gắng cống hiến cho Chăm!”
Xakawi thì không nói, bởi nó do các ‘Pô Adhya’ và ‘Pô Gru’ quyết, tín đồ cứ thế mà nghe mà hành; còn chuyện vài nhà Xakawi-học cãi nhau không liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Cham. ‘Akhar thrah’ thì ảnh hưởng đậm và bao trùm. Vậy “sao không thử đứng ra cải cách một lần” cho tất cả? Trong khi Sara “toàn cảnh” nhất, và cả công bằng với phi phe phái nhất?
2. Xin nói ngay: không thể một lần cho tất cả.
‘Akhar thrah’, sau giai đoạn [1] được Aymonier-1906 “dẹp loạn”, giai đoạn [2] Moussay-1971 có cải cách quyết liệt hơn cả. So với hai kia, việc làm của Ban Biên soạn là chuyện nhỏ. Tiếp nhận ý kiến của dân sành điệu hậu-Aymonier, Moussay-1971 đã làm mấy chuyện:
– Tối đa hóa lối viết của Cham Pangdurangga, không lưng chừng như ở Aymonier. Ví dụ chuyển âm chính A thành I/ Ư, chuyển U/ I thành A…
– Chọn 1 [2 cách rất hiếm] thay vì nhiều lối viết dành cho 1 từ như Aymonier;
– Phân biệt rành rọt các cặp viết giống nhau [công lớn thuộc về Jaya Panrang Lưu Quý Tân];
– Biến nét CONG thành nét THẲNG, là chi tiết ít ai chú ý nhưng quan trọng nhất. Ví dụ ‘poh ngưk diiup’ ở từ PÔ, SANG, JANG dứt khoát thẳng, chứ không lấp lửng như cũ – là chuyện các cụ cãi nhau rất hăng.
Và nhiều nữa…
+ Tôi tin, nếu Thiên Sanh Cảnh còn tiếp tục cộng tác bên Trung tâm, ông đã thuyết phục được mọi người đưa ‘poh G’ vào Từ điển ấy rồi. Chú ý, câu chuyện ‘poh G’ kéo dài khá lâu, ngay từ đầu thế kỉ XX với Bố Thuận.
3. “Không thể một lần cho tất cả”, tại sao?
Ngay người làm việc cùng nhau, yêu thương nhau còn chưa thể, huống hồ phe phái lợi ích.
Chuyện bài báo của tôi ở BBS năm 1984 là một. Chuyện nữa, hồi tôi với Sử Văn Ngọc còn cơm lành canh ngọt, một hôm anh đưa cho tôi bản thảo Từ điển mình soạn dang dở [Cham sao nhiều Từ điển thế! – thầy Jay than với tôi ở cà-phê Đầm Sen 2019], tôi hỏi:
– Anh phân biệt thế nào về ‘MƯ’ trong 2 từ ‘mưtai’ và ‘mưtian’?
– Là ‘laang likuuk’, là tiền tố…
Tôi dẫn giải thêm, anh vẫn không nắm được. Không cho đến ngày anh… mất.
Chúng ta chưa chịu ngồi lại nói chuyện phải trái với nhau, mà chỉ lo tìm cách áp đặt ý kiến mình lên người khác. Ta là khoa học, là chân lí, mà không thử tìm vùng XÁM giữa trắng và đen.
4. Thử tìm vùng xám ở BBS
Nằm trong chăn mới biết chăn có rận. 4 năm BBS, tôi biết rận ở đó ra sao. Vào Sài Gòn làm việc, dù Đảo đang hiệu phó trường PTCS gần nhà ngon lành, tôi thuyết phục và tạo điều kiện cho bạn vào Ban. Để yut cũng nhìn thấy rận! Và yut đã thấy thật, như tôi.
Hội thảo ở Malaysia là cơ hội để rận kia hiện ra rõ hơn. Thật lòng tôi CẢM ƠN Hội thảo đó. Dù các anh nghĩ tôi phe BBS sợ không cãi nổi Sara [thua 2 lần trước rồi], nên viện nhiều cớ để không mời tôi. Còn vụ việc diễn ra sau đó thế nào, là chuyện thuộc con người.
Thử nêu 2 cái hay nhất và dở nhất của BBS.
Hay nhất:
[1] ‘poh GAK’, 2 vị được cho là giỏi chữ Cham nhất, Parik: Bố Thuận, và Panrang: Thiên Sanh Cảnh đều đề xuất. Các văn bản cổ cũng đã thể hiện lấp lửng nó. Tại sao? VẤN ĐỀ LÀ Ở TỈ TRỌNG, nó chiếm số lượng quá đông không thể không cho ra riêng. Bạn Amu không là dân ngôn ngữ học cũng hiểu nó gây khó dễ thế nào với người tiếp nhận văn bản.
[2] Bỏ ‘dar tha’ trong bộ sậu ‘dar tha croh ao’ để phân biệt âm O ngắn và dài.
Dở nhất:
[3] Thêm ‘balau’ vào âm E dài! Cũng lại là vấn đề TỈ TRỌNG! Kho tàng từ vựng Cham, có mỗi hai đứa, cho cả hai vào ngồi phòng “đặc biệt” tục gọi là “ngoại lệ” là xong phim, thêm chi cái “râu” cho khộ chứ.
[4] Bỏ loạt âm đệm U/ W ở hầu hết từ. Ví dụ: ‘Pwơc’ thành ‘Pôic’, ‘Ywơn’ thành ‘Yôn’…
Chi tiết này, sau hội thảo ở Phan Rang-2007, giờ giải lao, Mong Ki Slay Tiến sĩ Ngôn ngữ đương kim Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc vẫy tôi lại, nói:
– Tuyệt! Đồng ý với Sara tất, riêng âm đệm U ta cần xem lại.
Tôi cười cười. Ông mở to mắt nhìn tôi, rồi cười cười. Trong ánh mắt ông, tôi đọc thấy: “ông bạn láu cá lắm!”
Cứ tạm nêu như vậy, NHƯ LÀ MỘT GỢI Ý.