Tin buồn. MỘT TÀI NĂNG CHAM VỪA RA ĐI: ĐÀNG QUANG DŨNG

Với tôi, Dũng là đồng hương, là người em, là học trò, là bạn văn nghệ, sau này em út Dũng lấy cháu ruột của tôi nữa… nhưng hai tôi cứ “anh “em” cho trọn. Em từ thuở Pô-Klong, em vào Sài Gòn cho đến bây giờ.

Để vào ngọ trưa hôm nay, vừa kết thúc “sinh nhật trắng” với người bạn thân trên núi, tin Dũng mất đột ngột bay đến. Tôi nghe điếng hồn, thừ người ra.

Đàng Quang Dũng sinh năm 1959 tại Chakleng. Học sinh Trường Pô-Klong. Sau 1975 học Y tá, ra trường một thời gian Dũng làm ở Trường Dân tộc Nội trú Ninh Thuận, để rồi năng khiếu trời cho cùng niềm say mê văn nghệ đã bứng Dũng khỏi nơi tưởng ấm cúng nhưng rất trái tay này. Để nhập cuộc nghệ thuật.  

Thời bao cấp, văn nghệ Chakleng, Dũng từng mang niềm vui đến cho dân làng sau tháng ngày gian khó. Lang bạt từ Đoàn Văn nghệ Bán chuyên Bình Thuận rồi Ninh Thuận, tại hai nơi ghé chân tạm trú, Dũng đều tạo dấu ấn đậm. Ở đó kịch bản “Ma Hoa – Trà Mứ” diễn khắp sân khấu nhà quê được xem là thành công bước đầu cho anh chàng nghệ sĩ tay ngang này tung hoành sau đó.

Rồi, như định mệnh: cái gì đến cũng phải đến. Dũng vào Sài Gòn, Được chọn/ hay chọn Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 5 TPHCM làm đất sống và diễn.

Cái số dân Chakleng bước chân ra khỏi làng là thành danh, là nổi tiếng – thiên hạ đồn thế. Và có lẽ thế thật. Dũng thuộc một trong số ấy. Trụ tại Nhà Văn hóa Quận, Dũng không bó hẹp mình ở một khu vực mang tính địa phương, dẫu là địa phương của một thành phố sôi động nhất nước, mà mở ra. Dũng dạy múa, Dũng đạo diễn, Dũng viết kịch bản. Hàng trăm kịch bản múa ra đời, được trình diễn trên sân khấu Sài Gòn và khắp các tỉnh thành trong nước. Huy chương các loại nhiều đến không đếm xuế.

Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, rồi học vị Thạc sĩ. Dù chúng không là gì với một con người sáng tạo, nhưng lại là “mặt hàng thiết yếu” trong sinh hoạt nghệ thuật của ta hôm nay.

– Kẻ sáng tạo cũng cần bằng cấp hén, – tôi đùa Dũng.

– Thằng em thì phải khác ông anh mình chút chứ, – Dũng cười cười.

Tôi vào Sài Gòn trước Dũng 5-6 năm. Ở thành phố mênh mông này, dù anh em thương nhau hết biết, chúng tôi hiếm khi gặp mặt bù khú. Mỗi bận gặp là phải đậm, phải tới bến. Ở nhà hay ngoài quán sá cũng hệt.

Năm con gái đầu lòng Dũng lấy chồng, biết tánh ý tôi, Dũng hai lần phone nhắc, chị Nguyên mẹ Dũng cũng nhờ cháu Nha nhắc, tôi hứa như vôi quệt tường: “anh đến”. Ai chớ con đầu lòng của Dũng và yut Đảo thì không thể “sapa” được. Nhưng rồi khi ấy tôi đang lang thang đất Nhật làm gì đó, đành thất hứa.

Dũng đẹp trai, khỏe và chắc người. Hồi kí túc xá Pô-Klong túng quẫn sao đó, đám học sinh nội trú giạt vào thị xã Phan Rang tìm chỗ ở tạm. Tôi qua nhà chị Sỉ ở Phan Rang, có 7 anh em đồng môn và Dũng ở đó. Dũng học sau tôi ba lớp, tôi có bày Dũng cách làm toán, tập vài ngón võ học lóm được từ anh Tin, anh Hảo. Dũng vẫn khỏe đến tuổi 50 thì mắc bệnh. Chưa qua năm, người gầy đi thấy rõ.

– Cei Dũng rán giữ sức khỏe đi, nó là số 1 đấy.

Tôi nói với Dũng như thể với chính mình. Nhưng Bà Trời kêu là cứ kêu, không tránh được.

Dũng mắc vài bệnh nền, lại dính Covid-19 ở thời điểm căng nhất của Sài Gòn. Qua nửa tháng, vi khuẩn thì tiêu chứ bệnh nền lại tăng. Chuyển qua Chợ Rẫy, em đã mất 5 ngày sau đó.

Đàng Quang Dũng mất lúc 12 giờ, ngày 20-9-2021, hưởng thọ 62 tuổi.

Nhằm trúng sinh nhật tôi, Bà Trời cứ chơi khăm tôi kiểu ấy.

Mươi năm trước sau khi chôn mẹ, tôi chạy vội lên Hữu Đức thăm thầy Đàng Năng Quạ, hai tiếng sau thầy mất. Sau yut Xoài là anh Ve, tháng trước Trà Vigia tháng sau là yut Đảo, yut Khỏe rồi yut Toán… những người thân thiết cứ ra đi, tuần tự một.

Xúc động và buồn, tôi chỉ có thể “tùy bút” vội này để tiễn một người em, một người bạn văn nghệ, một tài năng Cham vừa rời bỏ chúng ta.

Cầu cho linh hồn cei Dũng sớm ‘nao tom muk kei’ về với Ông bà. 

Từ thẳm sâu lòng mình, xin chia buồn cùng chị Nguyên, các em, vợ con cei Dũng và gia quyến.

Và chia buồn với chính tôi.

Heleh!    

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *