[viết để ủng hộ một ý trong tút Xuan Bao mới đăng 25-5-2021]
Qua đời, kẻ đưa tiễn hay người thực hiện nghi thức đám tang cho người chết – sao cứ phải nghiêm trang, phải buồn bã? Người Guatemala có thế đâu!
“Ngày của người chết”, dân châu Mỹ này mang nhiều món ngon, vận quần áo tốt nhất đến nghĩa trang và dành cả ngày lẫn đêm “thăm” người chết. Tối, họ mở bữa tiệc lớn, ăn mừng kẻ sống với người chết. Sau đó là lễ thả diều… rất vui vẻ!
Cham Bà-ni, thợ đào hang ‘labaang’ và cả các thầy tế lễ, họ làm công việc của họ, vô tư. Gần như không quan tâm ai chết, không chú ý cả người thân đang khóc than cho kẻ xấu số. [Có thể so sánh vụ này với nhóm y bác sĩ làm việc với nạn nhân đang thập tử nhất sinh].
Cham Bà-la-môn còn hơn thế, đám thiêu – mọi người đến xem thi thể đang bị thần lửa phân hủy. Chân tay thò ra, họ ném thêm vài thanh củi vào; sọ dừa vỡ cái bùm, họ hô: “tốt” quá; chiếc rựa dài cắt rời cổ khỏi thi hài, ‘halau’ được cho lăn đến chỗ các thầy lấy 9 miếng xương trán, vân vân.
Hàng trăm “khán giá” chứng kiến, nói cười – như không có gì xảy ra ở đó. Trong lúc cảnh đó khi được cho lên “phim” bị các bà Tây la lên: My God, dã man!
Tại sao? Cham vô tâm đến vô tình thành bất nhân ư? – Sức mấy! Đó là Minh triết Cham.
Ấn Độ, mỗi bận có đám thiêu, vị sư Bà-la-môn dẫn các môn đệ tới xem để họ tận mắt nhìn thấy xác thân con người bị phân rã, bị lửa thiêu đốt tàn bạo thế nào. Cho họ thức nhận thể xác là hữu hạn, mong manh, là sớm muộn cũng tan biến vào hư vô. Chỉ có tinh thần là tồn tại, linh hồn mới vĩnh cửu.
Vậy, đừng khóc cho nó. Sống, “hãy biến thân thể bạn thành cỗ xe tốt nhất chở tinh thần, linh hồn bạn vượt qua biển cả cuộc đời” – Vivekananda.
Cham nhận tiếp nhận văn minh Ấn, hôm nay dư hưởng vẫn còn.
Dẫu sao, thời đại khác, cách nhìn vấn đề cũng phải khác.
Thuở trẻ tôi hay đi xem đám thiêu, thấy mấy vụ đó chả là vấn đề. Mãi khi người Tây cho biết đó là vấn đề lớn, tôi mới thấy nó hơi có vấn đề. Vấn đề, thì giải quyết!
Cham cũng đã giải quyết vụ việc bằng chữ ‘uơk lôg’: “trang trí trần gian”, che hay làm đẹp mắt người đời.
Xưa, bộ phận người chết “không lành” bị xếp xó ở ‘Kut’ lihin’ quá xá tội nghiệp, vài thập niên qua đã khác, Cham đã biết làm đẹp mắt người đời. Xưa, ta ứng xử với thi thể người mất chả ra gì, nay ta tế nhị nhiều. Và còn hơn thế nữa.
Xưa sinh linh Awal mất, ta chôn ta nói ta cười như không việc gì; nay ta cũng đã khác, và còn khác nhiều nữa.
Để đẹp lòng Cham thế hệ mới, và cả người ngoài nữa – không hợp thời sao?