[hay Kinh nghiệm của tôi từ Minh triết Việt?]
Tôi có người bạn, với cánh trẻ, hoặc anh phán to con hoặc nói vuốt đuôi, nên rất được lòng lứa này. Tôi ngược lại, không cho phép mình làm nhiệm vụ đó. Trước mọi vấn đề, sự kiện tôi gọi đúng tên (chính danh) và phân tích, còn ai có đủ thông minh đón nhận nó không – tùy. Chứ tôi không nhu cầu sưu tầm đàn em, đồ đệ.
Với người Việt thì khác.
– Làm thế nào có thể sống thẳng lưng giữa người Việt, với đủ thành phần, mà cei Sara vẫn ốn? – là câu hỏi thường xuyên tôi gặp phải.
– Đơn giản lắm, cứ THẬT THÀ, là xong.
– Là sao?
Triết học Đức và Minh triết Việt là hai thứ tôi chưa lần rời bỏ, từ tuổi hiểu biết. Xưa quần chúng Việt tuyệt đại đa số mù chữ, ông bà truyền kinh nghiệm cho nhau qua tục ngữ. Mà tục ngữ Việt thì bát ngát, cứ vào đó nhặt ra mà… sống. Kho tàng tục ngữ, tôi gọi đó là Minh triết Việt.
Từ đầu năm Tiểu học, tôi học nó từ Bà Hai Mót bán quán láng giềng. Bà với mẹ còn là bạn chí cốt. Sau này cả mùa Hè 1978, tôi xuống Hải Chữ sống nhờ nhà bà. Qua bà, tôi mê tục ngữ Việt.
Từ Trung học, gặp tác phẩm Tục ngữ – Ca [phong] dao nào bất kì, tôi mua cho bằng được. Và học. Tôi nói với các bạn Cham:
– Chớ dại nghĩ mình khôn hơn Việt. Một sinh linh Cham khôn ngoan tới đâu cũng không thể bì với người Việt trung bình. Họ truyền thống thế! Tốt hơn, các bạn cứ nói THẬT, sống THẬT.
Một tổ chức chính trị cao cấp mời tôi nói chuyện, tôi hỏi: các anh muốn tôi nói thật hay nói giả? Cũng thể cách ấy, tôi hỏi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trước khi có ý kiến. Và họ “có ai muốn nói giả bao giờ”, không thể khác. Thế thôi, tôi mở máy.
Với các bạn văn hay cánh an ninh hoặc giới kinh doanh cũng hệt.
“Thật thà là cha ăn cướp”, tôi cứ thế mà XỬ. Chơi kiểu ấy, mất lòng ai nấy chịu.
– Thế là cei Sara cũng bị không ít kẻ ghét?
– Đích thị. Nhất là dân nhiều chữ. Họ ghét, họ công phá, đến khi tôi bẻ lại thì tắt đài. Vài điển hình tiên tiến:
PGS-TS PQT: “Ông Inrasara cái gì Cham ông cũng nhất”, tôi hỏi: Tôi viết thế ở đâu? Tắt. Nhà thơ ngoại vi NQC: Làm phê bình Hậu hiện đại, “ông Inrasara hai lần mời
[chịu đấm ăn xôi]
bị tôi từ chối”, tôi hỏi: Có anh chị nào thấy tôi mời cơm ai hai lần chưa? Im re. Nhà thơ khác thuộc chính thống ghét tôi ghét lây cả Cham, kêu: “dân tộc quanh năm suốt tháng Nhà nước nuôi ăn”, tôi hỏi quặt lại, thì biến nhanh.
Vân vân.
Đấy là trải nghiệm TO, Cham nào thông minh cứ noi gương sáng kia mà ngôn/ hành THẬT THÀ là ổn, chớ học KHÔN chi cho mệt.