Tài năng và nổi tiếng thuộc hai “phạm trù” khác nhau. Nổi tiếng có thể tài năng, chứ tài năng chưa hẳn đã nổi tiếng. Thế nên, khi cho link về “Các nhân vật Ninh Thuận nổi tiếng” có mình ở trỏng, tôi không ảo tưởng mình tài năng hơn kẻ khác, mà chỉ… nổi tiếng hơn chút chút. Ngay cả nổi tiếng này cũng rất ư cảm tính.
Chuyện vui.
Tháng 7-2009, VTV3 về quê làm phim về tôi. Qua quay giàn nho, kèm cảnh nhóm nữ trẻ người Việt đang hái nho. Anh bạn vui miệng kêu đây là phim về nhà thơ Inrasara quê các bạn rất nổi tiếng. Một cô hỏi:
– Có nổi tiếng như Hàn Mặc Tử không? Đây người ta biết Hàn chớ ai biết ông Xira xidô là ai đâu. Cả bọn cười to, rất vô tư. Tôi cười theo, quay sang nhóm bạn:
– Đấy, bạn thấy chưa? Chớ dại mà đùa nhân dân. Nhân dân đâu cần nhà thơ, càng không cần kẻ sáng tạo. Qua mươi làng quê Nam Bộ, tôi ướm hỏi, bà con biết Thanh tuyền, chớ ma nào biết Thanh Tâm Tuyền là ai!
Cham biết Chế Linh, Amư Nhân, chớ đâu biết ông Inrasara với Lễ Tẩy trần tháng Tư! May ra 10% dân quê hay sinh viên Cham còn biết tới Sara, bởi hắn có “đóng phim” và làm Tagalau.
Nữa nè: Hỏi có mấy sinh viên Việt biết tên giáo sư toán đồng bọc đang dạy Đại học Chicago? Còn mister Đàm thì ôi thôi…
– Rẻ rúng thế hỏi nhà thơ có buồn không?
– Có, nếu hắn ta là nhà thơ… dỏm!
– Các palei Cham kêu Chakleng “dóc”, trong đó Sara “dóc tổ”.
– Chả tí ti sai đâu. Không “dóc”, Sara đâu còn đứa con đất Chakleng…
Trên bàn tiệc, tại quán cà phê, nơi đám đông, vân vân… chưa ai hân hạnh chứng kiến tôi “dóc” bao giờ. Tôi dành phần nói hay nổ cho ai khác. Cả khi bị chê, tôi vẫn ‘mưk giđang ngak ligeh‘ lấy lặng im làm thuận. Có sứt mẻ gì đâu! Ngược lại, trên diễn đàn và trong văn chương, tôi cực kì “dóc”, “dóc tổ” đó!
– “Độc giả cũng cần phải được đào tạo” là bằng chứng, phải không?
– Đích thị, kẹt nỗi đó là sự thật.
Một tiến sĩ dân tộc học, một giáo sư vật lí không đọc thủng một bài thơ hay tiểu thuyết là chuyện bình thường. Rất bình thường nữa là đằng khác. Có điều lạ là, nếu một sinh viên đọc định lí toán hay tiểu luận triết không hiểu, bạn ấy cho là do trình độ mình chưa tới, ngược lại – khi đọc không vô hay khi hiểu sai một bài thơ thì hắn cho là lỗi ở… nhà thơ.
Đọc một bài báo, học sinh Trung học và giáo sư Đại học có thể hiểu hệt nhau, chứ văn chương thì khác. Bạn cần phải được đào tạo, hoặc phải tự đào tạo thường xuyên.
P.S.
Xuân Diệu có chữ “kiêu ngạo sang trọng”, nó khác cả vực thẳm với kẻ ngạo mạn ngoài đời, còn trong văn chương thì đầy… khiêm tốn. Márques cho đó là thứ khiêm tốn tai hại.
Tôi có “sang trọng” không chả biết, dẫu sao tôi đã vậy, từ xưa.
Kiêu ngạo này khác cả trời biển của kẻ với Cham thì ưỡn ngực, còn với người ngoài hay kẻ địa vị lại rúm ró hoặc đi bằng lưng. Tôi ngược lại, “dóc” với thế giới “ngoài Cham”.
Xem nè… Anh chị em, bà con Cham mình ít cơ hội thấy tôi “diễn” trên văn đàn, đọc qua vài phát ngôn tôi trên thông tin đại chúng, hẳn thấy:
“Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, “Văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế giới”, “Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác”, “Thơ dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ”, “Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả”, “Độc giả cũng cần phải được đào tạo”, vân vân…
Đích thị tay Sara này chả “dóc tổ” còn kêu bằng gì!