TÔI HỌC BUÔN BÁN

[Covid-19, tự cách li cô độc, tôi lật các “ghi chép” cũ sắp xếp lại làm TỰ TRUYỆN. “Tôi buôn bán” chương7. Trích đăng bà con đọc giải trí, nếu được – học hỏi nhân rỗi rãi]

Tôi buôn bán, nguyên tắc 1: không DỐI; nguyên tắc 2: HỌC.

1. Mùa mưa 1990, thất bại te tua ở miền Tây, tôi gồng gánh cả gia đình qui hồi cố hương. Tôi làm lại cuộc đời từ tay trắng, và còn hơn thế – “bắt đầu từ con số không, từ con số âm, có lẽ” (thơ Inrasara).

Không xu dính túi, nhà thì đã bán, gia đình 7 miệng ăn không chốn nương thân, Hani qua nằn nỉ dì Lượng mượn lại ngôi nhà cũ, tạm trú.

Khởi đầu từ đâu? “Hàng xáo”, là thứ kiếm tiền cực, nhưng nhanh. Đong chịu lúa về, cả nhà xúm vào kéo cối xay, giã, rồi vào bao đèo xuống Phan Rang, bán. Mỗi ngày tôi chơi luôn 2-3 chuyến đi về 24km. Xe đạp cọc cạch, không ngược nổi gió bấc Phan Rang thì đẩy, chả ngán. Ba tháng liên tục…

Tôi vốn không ưa buôn bán, nhưng tội, ghét của nào trời trao của nấy.

Cái chợ quê xây đâu từ thời Nguyễn Văn Thiệu ở đầu làng, 4x6m, ngoài hai mái tôn xi-măng, còn thì trống trơn bốn phía. Ban Quản lí HTX cho hai hộ thuê bán tạp hóa, chưa đầy năm đã đổ nợ, chạy làng, bỏ hoang hai năm qua.

Bà xã thử đánh liều qua hỏi, HTX cho thuê với giá rẻ mạt. Không đường thoát, tôi chiều, ra mở cái quán tạp hóa giữa bao lời tán ra: Thằng Trạm mà buôn bán nỗi gì, lại chạy làng thôi.

Nhưng rồi, chỉ qua năm, Tạp Hóa Haly’s [tiếng Tây đấy] lên như gió, tiếng như cồn, và thành công… lớn. Vì đâu? Câu trả lời: do tôi biết khiêm tốn HỌC.

2. Học giả học đã đành, làm thơ cũng cần học, để biết mình đang ở đâu và thiên hạ đã đi đến đâu, buôn bán càng phải… học.

Quán tạp hóa nhà quê trước 1990, tôi chưa thấy một Cham nào chịu học. Tôi chơi kiểu khác. Ngay bắt đầu, tôi nhảy xe đò vào Sài Gòn ôm về mớ sách kinh doanh, cắm cúi đọc, tóm vào cuốn vở trăm trang cho vợ con học. Sổ ghi sau đó tôi chỉnh lại thành bản thảo: Con đường Thành công.

Câu chuyện.

Năm Đệ Tứ, thầy Nguyễn Văn Tỷ ở giờ Pháp văn, nổi hứng nói một câu ám tôi mãi: “Cham chớ dại mở quán. Dân Việt không mua đành rồi, Cham thì càng lánh xa. Nếu có mua, họ mua chịu đấy. Phá sản là cái chắc.”

Sau này, tôi chứng mình thầy mình đã… sai.

3. Tôi học được gì?

Kinh doanh cần quản chắc 3 thứ: Hàng hóa, Khách hàng, và Sổ sách.

– Về HÀNG HÓA SẢN PHẨM, nhu cầu nhà quê đâu cũng như nhau, không ai không biết. Tôi bán tất tần tật thứ dân quê cần. Từ cây kim, cục kẹo cho đến cuộn chỉ, chiếc khăn; từ phân bón, xăng dầu cho chí cà-phê, nước ngọt. Nhậu cũng không chừa. Sỉ và lẻ.

Tôi có nguyên tắc riêng: “Không được quyền trả lời khách: quán tôi không có”.

– Về KHÁCH HÀNG [NGƯỜI MUA] cũng chả khác. Dân quê nghèo, tôi bán giá thấp nhất có thể, để bán được nhiều nhất.

Bà dì xóm Giữa lấy sỉ chai bia Phú Thọ trên Phú Quý 100đ, bán lẻ 130đ. Tôi qua nói tình lí: Di lấy của tôi đi, tôi bỏ sỉ cho dì cũng giá ấy, để ta cùng bán lẻ 120đ có đá. Dì không ưng, bởi đó là mối hàng cũ. Tôi nói, thế tôi bán lẻ giá như vậy, kẹt dì lắm. Dì vẫn không chịu. Rồi cuối cùng 2 tháng sau dì chấp nhận chơi với quán Haly’s. Lợi cả tam đường: Dì, tôi, và bà con.

Từ đó, Tạp hóa HALY’S không chỉ phục vụ riêng dân Chakleng, mà thu hút cả khu vực rộng lớn. Việt lẫn Cham.

– Về SỐ SÁCH KẾ TOÁN, đây là món quyết định, vậy mà thuở ấy tôi chưa thấy Cham nào chú tâm. Nếu có, rất sơ sài. Thất bại từ đó mà ra.

Câu chuyện.

Thấy Tạp hóa HALY’S phất nhanh, anh bạn [trình độ ĐH] bao lần mở quán là bấy lần sập tiệm, mới mời tôi sang nhà mổ gà đãi nhờ chỉ vài chiêu độc. Tôi hỏi:

– Sổ kiểm kê cuối tháng bạn đâu, cho xem?

– Kiểm kê gì? Làm gì có kiểm kê… (bạn nghĩ chỉ HTX mới có vụ kiểm kê).

– Bạn sập là bởi thế, – tôi nói.

Tôi đưa sổ kiểm kê hàng tháng của tôi cho bạn xem. Biến động từ viên kẹo, cân phân, chai bia hay gam cà phê… đều được thể hiện chi li, rành mạch (cuốn sổ nay tôi vẫn còn lưu).

– Ông điên rồi, – anh bạn la lên.

– Bạn phải học điều khiển hàng hóa, tiền bạc như điều binh. Kiểm kê đếm đầu, và đặt câu hỏi ráo riết: Lãi hay lỗ bao nhiêu, từ đâu và tại sao, vân vân. Nắm số liệu chính xác để mà điều tiết. Phải học bắt đầu từ bạc lẻ, – tôi tiếp.

Hay nói như Chân Dung Cát sau này, đó chính là: “Triết lí tiền lẻ” mà Cham cần học tập và, siêng năng ôn tập. .

Thuở ấy bà con Cham cũng mua chịu, dẫu sao theo luật bù trừ, tôi thấy chả có gì to tát. Tôi bán chịu mà vẫn lãi chán. Thế là, chỉ qua năm rưỡi, tôi tậu luôn lô đất ấy, “đốt” sổ nợ cho bà con hai lần non 20 cây vàng, còn thừa để vào sống Sài Gòn nữa.

Vậy, tại sao sợ buôn bán với Cham?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *