Cái TÔI đáng ghét? 23. Anh về buôn bán với mình phôi pha…

2013-.2-NTB.Jakha.2

* Xe trâu Cham trong Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRAHANI.

1. Buôn bán, tuyệt đối không tham lam và nhất là không nói DỐI

“Không biết nói dối không buôn bán được, cứ giữ thật thà không ra ngoài được” – thói thường nghĩ thế. Tôi thì khác. Buôn bán, tuyệt đối không nói dối khách hàng. Bán tạp hóa cho bà con Cham không dối, bán thổ cẩm cho người ngoài thì càng.

Duy nhất một lần tôi nói dối. Trưa, từ ĐH tôi chạy qua cửa hàng ở Thương xá TAX phụ bà xã, tôi đã bán cho bà Tây tấm silk. Bà cầm lên tấm thổ cẩm, thích, hỏi có phải silk không? Tôi bảo: oui! Bà trả tiền, merci tôi, rồi hồ hởi đi ra. Được mươi phút, tôi mới sực nhớ silk phải là vải tơ tằm, đằng này thói quen dân làng tôi kêu tấm dạng này là silk, mà thật ra nó chỉ là tơ nhân tạo. Tôi không biết đàng nào mà chữa. Bây giờ nhớ lại, vẫn còn xấu hổ.

Một trải nghiệm nhớ đời! Tôi nhắc đi nhắc lại gia đình tuyệt đối KHÔNG nói dối.

Nửa tháng làm Không gian Văn hóa Cham tại Hà Nội, tôi dặn bà xã chỉ trưng bày thổ cẩm Cham. Bà xã ham, trưng luôn hàng vài dân tộc khác. Có ông cho Tây cầm lên một tấm, mua, và Tây mãi xuýt xoa – người trực quầy kể. Té ra nó là của Lào. Tôi biết chuyện thì ông đã đi xa. Chỉ vì tham mà thành dối.

Hai người đó chắc chắn sẽ biết sự thật. Họ nghĩ gì về Cty Inrahani? Lớn hơn – nghĩ gì về Cham? Không đáng xấu hổ sao?

 

2. Chân lí thứ 3: Dám làm kẻ đầu tiên & Làm gì cũng cần nghiên cứu

Dân nghiên cứu đọc sách để “nghiên cứu” là đành rồi, làm thơ cần nghiên cứu để biết mình đang ngồi ở đâu và thiên hạ đã đi đến đâu là điều đương nhiên, ngay buôn bán cũng cần đến… nghiên cứu. Mở quán, [trước 1990] tôi chưa thấy một Cham nào nghiên cứu. Tôi thì khác. Vào Sài Gòn ôm về hàng trăm cuốn sách kinh doanh để nghiên cứu, tóm thành cuốn vở trăm trang cho vợ con học. Cuốn vở này tôi chính lại chút ít làm bản thảo: Một Cách Đi Đến Thành Công. Làm Thổ cẩm cũng thế…

Thổ cẩm Cham Inrahani luôn đi trước thiên hạ vài bước. Khi dân Chakleng còn phiêu các nơi bán hàng thô, Cở sở Thổ cẩm Inrahani đã chế tác chúng thành hang hóa với nhiều chủng loại hợp thị hiếu khách hàng.

Muốn tiêu thụ nhanh, thì cần có nơi thuận lợi để bán. Cửa hàng thổ cẩm đầu tiên ở TPHCM xuất hiện là vậy. Không dừng ở đó, hàng loạt Đại lí thổ cẩm Cham của Inrahani có mặt đồng thời ở các thành phố lớn.

Công ty TNHH Thổ cẩm Cham đầu tiên là của Inrahani. Tiếp đến là huy hiệu “Bàn Tay Vàng” đầu tiên cho bà chủ, và 4 Huy chương vàng đầu tiên dành cho sản phẩm của Cty.

Hoa văn thổ cẩm Cham phong phú nhưng đã thất lạc nhiều. Inrahani đã phải cậy đến bạn bè Pháp photocopy màu từ Bảo tàng bên kia đại dương gửi về, để nghiên cứu.

Thổ cẩm vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống đồng thời là mặt hàng kinh doanh, cho nên muốn có cái mới để níu khách ở lại, vấn đề cải tiến kĩ thuật cần được đặt ra: Inrahani lần đầu tiên chuyển hoa văn từ khung dệt Jih Dalah sang khung dệt Aban; đây gần như là cuộc cách mạng kĩ thuật, dù ít ai nhận ra [bà Hani làm nhưng không nhận ra tầm quan trọng của nó]. Sau đó là nâng cấp khung dệt thủ công thành khung bán công nghiệp, hiện đang thành đại trà trong palei; ở đó thổ cẩm Cham vẫn giữ nét đẹp truyền thống, nhưng sản xuất nhanh hơn và nhất là, chuẩn hơn.

Kết hợp làm Thời trang Thổ cẩm với Minh Hạnh, sau đó là những chuyến đi Tây Âu, Nhật, và… hơn 10 nước khác. Có thể nói, Thổ cẩm Cham đã có thương hiệu trên trường “quốc tế” qua những chuyến mang chuông đấm xứ người này.

Những “đầu tiên” ấy góp phần đẩy nhanh sự lớn mạnh của Cty Inrahani, qua đó thúc đẩy Thổ cẩm Cham phát triển.

Thế nhưng từ năm 2002, khi tôi đã từ bỏ kinh doanh, và nhất là khi bà xã đã tuổi hưu, Cty Inrahani chững lại. Tại sao? Đơn giản, không có gì mới them ở đó, và Inrahani không còn đi những bước đầu tiên nữa.

Kinh doanh cũng cần đến tưởng tượng và sáng tạo, là vậy.

3. Muốn biết cái XẤU của Sara, cứ đọc CPK, bạn Tào Lao à

Bạn Tào Lao viết: “Trời! Đọc cái nào cũng thấy anh giỏi, anh tài ba, là tuyệt luân, là vô địch thiên hạ, là đi trước thời đại…Nhưng cứ như vậy hoài thì chán lắm. Hay là hôm nào anh viết cái gì mà thấy anh ko đúng, anh dở, anh thua người ta, anh chỉ là người thường như bao người mà ko phải là thần thánh đi. Chứ với đà này, có ngày em phải bái anh như là vị tiên, vị thần mất thôi.”

1. Bạn Tào lao có mấy cái sai, có lẽ vì chưa đọc tôi kĩ:

– Tôi nói tôi KHÁC, chứ không phải “vô địch”; ở đây là Cham, chứ không phải “thiên hạ”. Những cái khác đó làm cho tôi đáng ghét.

– Chuyện kể là thật 100%: người thật việc thật. Ví dụ chuyện ĐI TRƯỚC Cham quê tôi về thổ cẩm, là việc thật. Sau 2002, thì HẾT, nghĩa là thất bại TO – nếu ai muốn thưởng thức Inrasara thất bại. Ví dụ LÀM CÁI GÌ CŨNG NGHIÊN CỨU. Chuyện câu cá (tôi chưa kể) dù có tay sát ngư, nhưng thế nào cũng không thể lên đến tuyệt đỉnh được, nếu không nghiên cứu. Thế là khi nhà đói (1988), tôi qua Long Bình làm quen với một người Kinh học, và tôi thành nổi tiếng cả vùng: câu cá bán đổi gạo nuôi vợ con!

– Tôi không bao giờ có ý định làm thần tượng ai, cho nên luôn CÔ ĐỘC, không bao giờ trước thầy sau tớ lao xao.

 

2. Về cái KHÁC của Sara, kể vui. Kể ra, biết đâu có người học/ tránh được điều gì đó. Tôi hơn “thiên hạ” là ở chỗ siêng học. Thi sĩ Phan Huyền Thư gọi Sara học sĩ, là vậy. Còn về cái xấu, cái kém, cái thua “thiên hạ” ư? Vô số kể. Tôi đã kể nhiều rồi, chắc bạn không chú ý. Nhé:

– Hc đâu bỏ đó nên không bằng cấp: KÉM xa bạn bè.

– Thế hệ tôi nhiều người thu nhập 30-50 triệu/ tháng, Sara có tháng 2 triệu đồng, rán cày cao tay lắm được 10 triệu: THUA tiếp.

– Chưa có xe hộp mà đi như ải như ai: THUA bàn thứ 3.

– Không làm quan ăn lương, không vào đảng CS: KHÔNG THỨC THỜI.

– Sống Sài Gòn 22 năm, tôi đi Kate 3 lần, bị tố là ÍCH KỈ, thua không cách nào gỡ.

– Luôn tìm cớ chính đáng để rời bỏ bạn nhậu: XẤU CHƠI.

– Bạn bè người ta lo làm ăn, còn mình đi nghiên cứu tình trạng thê thảm của Ghur Bà-ni nói giúp cho bà con, bị “nhạo” đi vác ngà voi: THUA TRẮNG.

 

3. Mênh mông bạn à. Và tôi đã kể tất tần tật… Còn muốn biết thêm về TỘI ÁC tày trời của Inrasara, “tài liệu tham khảo” ở CPK chán vạn.

 

4. Chuyện buôn bán tập chót: MI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA

 

Dĩ nhiên nói về buôn bán ở nhà quê với Cham thì vô tận, ở đây – như cách trả lời vài câu hỏi của bạn FB, tôi xin nói vài lời cuối [cho em].

– Bán cho Cham. Xin nói sự thật nhỏ này: Thường ở quê, người có tiền hay tâm lí xem thường kẻ nghèo khó, từ đó bà con mặc cảm, và tránh. Tôi ngược lại, đã xử ngang bằng. Tinh thần “Khách hàng là thượng đế – tôi đã vận dụng khi chưa biết đến nó. Trước đó, tôi còn “nhà quê” lắm. 32 tuổi đầu, vẫn chưa bia rượu, thuốc lá, cà phê… Cũng cầm điếu thuốc như ai, cầm – để cho có vậy thôi. Mở quán, tôi học tất. Biết để ngồi với khách. Thế là khách đến quán tôi [cà phê, lai rai] một lần, thì hiếm khi bái bai nó. 10 giờ tối, thiếu đá, tôi sẵn sàng đạp xe lên Phú Quý mua để phục vụ ba khách nông dân lai rai. Cánh nữ dắt con qua mua chục cân phân, thế nào tôi cũng kiếm vài miếng bánh cho bé…

– Tại sao bán chịu mà không sập tiệm? Ví dụ ba ông khách nhậu cuộc 1 trăm ngàn, mình lời 30.000đ, 2 cuộc là mình đã bỏ túi 60.000đ; nếu cuộc 3 họ thiếu 30.000đ, thì mình có thể chấp nhận, bởi lần 4 họ ít khi thiếu chịu… cho đến cuộc 10 nếu họ có thiếu 100 ngàn, tổng cộng mình đã lãi 200.000 rồi còn gì! Số nợ đó mình vẫn cho nó đứng, và xóa – nếu khó đòi. Cho dù bán bia, tôi không khuyến khích dân nhậu chơi tới bến. Ở đây, bia bọt chỉ là trong ngàn ví dụ…

– Kiểm kê. Rút kinh nghiệm người thuê trước đó [và nhiều quán ở nơi khác], thấy bán có lời là tiêu, không biết “hiện trạng” buôn bán thế nào, riết rồi thâm vốn sập tiệm. Dù bán quán ở nhà quê, việc “kiểm kê” định kì quan trọng không thua gì lối làm ăn lớn ở cty. Không kiểm kê, ta có ăn nên làm ra cũng là ăn may.

– Tiết kiệm. Nhà quê có tiền lắm đâu, mong có của ăn của để, cần vận dung tối đa “Triết lí tiền lẻ”. Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện. Bà họ tôi giàu nhất làng, chỉ vì một đời (30 năm) biết áp dụng triết lí đó. Từ bàn tay trắng, bà có được 20 mẫu ruộng xịn, để “giải phóng” về, bà “hiến” tất cho Nhà nước. Ở đây tôi học từ sách một tỉ phú Hàn. Nhớ mang máng thế này: Bạn làm được 10 đồng, nên tiêu 3 đồng thôi. Tiêu 5 đồng thì cần xem lại, tiêu 6 đồng là có vấn đề, còn tiêu 7-8 đồng thì nguy cơ tới nơi.

– Và… từ 2-1991 đến 8-1992: tôi đạp xe xuống Phan Rang cách làng 10km, chứ không phải Phú Quý gần đó để lấy hàng. Vào Sài Gòn, dù thừa tiền, tôi vẫn xe đạp mà đi. Mỗi ngày trung bình 50km: Sáng chở bà xã qua TAX mới ghé ĐH làm việc; trưa chạy loanh quanh tìm đầu ra cho thổ cẩm; chiều ngược về. Bà xã: 60kg, ôm hàng 20kg, thêm một gói trên ghi-đông tùy hứng nữa. Miệt mài 2 năm như thế, tôi mới chịu mua HondaCup81.

*

Yut tôi nói [có ý chê dân nhà quê]: phải biết làm ăn bằng đầu, chớ có khờ mà dùng sức. Tôi đùa: mình thì dùng cả “đầu, mình và tứ chi” mà làm, thêm linh hồn nữa. Mà đúng như thế. Tôi dùng vừa sức, vừa trí vừa cầu Pô Yang cho tôi thừa lực và sáng trí để tôi thừa chút đỉnh mà làm cái gì đó cho đời.

Cuối năm 2001, khi đã tạm được, tôi quyết MI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA, từ đó tôi mới hết mình cho văn chương chữ nghĩa…

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *