[hay: Đi vào thực tế đời sống Cham]
“Tồn tại hôm nay” mấy rày bị bà con than “siêu” quá, ít người theo kịp, cei Sara nên “thực tế” xíu. Ừ nhỉ! Về thực tế cuộc sống Cham, tôi từng có 3 series:
“Cham có thông minh không?” (2011), “Tôi buôn bán” (2014), và “Cham vẫn có thể làm giàu” (2017).
Nay xin trở lại, tổng hợp và cụ thể hơn qua người thực việc thực, để ta cùng học.
1. Tại sao gọi biết một là biết tất cả?
Muốn làm một việc nào đó, hay để giải quyết một vấn đề nẩy sinh, cần làm gì? Tạm nêu 6 yếu tố chính:
[1] Trước hết, bạn phải có sức khỏe, sức khỏe sinh lí lẫn tâm lí. Bạn lao vào cuộc với tâm thế thực sự khỏe khoắn.
[2] Kế đến là phương tiện, phương tiện di chuyển [xe máy chẳng hạn], nhất là bạn có số tiền cần thiết.
[3] Sự hiểu biết. Có hai thứ trên mà thiếu hiểu biết, hỏng là cái chắc. Nếu thành là nhờ may. May mắn, có, nhưng nó đến qua hiểu biết mới bền.
[4] Vốn vô hình: Uy tín cá nhân, quan hệ bạn bè, và cả đối phương.
[5] Cần đặt tính mục đích [làm tới đâu?], và thời hạn [bao giờ xong?]
[6] Dẫu sao không ít người dù hội đủ 5 yếu tố trên, vẫn thất bại ‘te ble’ – do tâm tính: Vụ lợi, nóng vội, và chỉ biết có mình. Làm gì? Bình tĩnh, quyết liệt, tới cùng, và luôn biết có người có ta.
2. Vài ví dụ thực tôi dự, tôi biết.
– Về nghiên cứu, làm công trình Văn học Cham, dù khi ấy thiếu yếu tố [2], tôi đã vượt giới qua bằng sức của mình. Đi bộ, đạp xe, chép tay, viết tay, vân vân. Thiếu phương tiện, tôi vận dụng tối đa 5 yếu tố còn lại.
– Về vấn đề cộng đồng, chuyện Ghur Raneh là điển hình. Giải quyết vụ này, tôi đã vận dụng linh hoạt cả 6 yếu tố trên.
Tôi có Sức và tâm thế Vui vẻ; có Xe máy và túi rủng rỉnh ít Tiền; tôi Biết rõ lịch sử Ghur và tâm lí bà con; tôi có Vốn vô hình: Bà con ủng hộ, báo chí trong và ngoài nước; tính Mục đích: cắm mốc và rào là đủ, còn làm hơn là chuyện khác; Thời hạn: hoàn thành trong 2 năm. Vân vân.
– Giải quyết khủng hoáng cũng hệt. Thử nêu 3:
[1] Chuyện kinh doanh
Cơ sở Thổ cẩm Inrahani ở Chakleng làm ăn với Cửa hàng Mai tại Sài Gòn đang ngon trớn thì bị nạn.
Giữa năm 1993, Cửa hàng đặt hàng lớn, và Cơ sở đổ vốn lớn. Rồi, do chất lượng “kém” bởi đây là hàng dệt tay, mỏng dày to nhỏ không đều, một nửa số hàng thô bị loại. Vốn liếng đã bỏ ra, sập tiệm là cái chắc.
Bà xã bí, thế là tôi vào cuộc. Nói thế nào họ vẫn một hai không chịu. Tôi quyết: DỨT TÌNH, và tự lập. Hani hoảng lên, “rồi làm ăn thế nào đây?”
Chúng tôi tận dụng hàng thải để chế tác balô, áo gilê; miếng nhỏ hơn thì làm ví, túi xách… rồi thuê góc nhỏ Thương xá TAX, bán lẻ. Từ đó Cty Inrahani phát mạnh qua quyết định liều lĩnh đó.
[2] Chuyện Từ điển [tóm lược]
Năm 1992, Đại học Tổng hợp TPHCM mới tôi vào Sài Gòn soạn Từ điển, Toyota Foundation tài trợ. Đang yên đang lành, thì Trung tâm quyết ngưng, rằng dịch Aymonier, là đủ! Giám đốc TT và 6/7 phiếu đồng ý, mới lạ!
Nhưng tiền đã nhận, lương đã lãnh, làm sao? Tôi đề nghị cuộc họp ngắn. Rồi chỉ sau nửa tiếng đồng hồ nghe tôi thuyết, vấn đề tự mở gút.
Lại có áp lực khác, Từ điển không thể ra lò nếu chưa qua biểu quyết của “Hồi đồng Cả sư và trí thức Cham”. Với Cham đó là khủng hoảng to đùng. Hội nghị Góp ý Từ điển mở ra, ở đó tôi giải quyết nó chỉ qua một buổi giải minh. Cuối năm 1994, bộ Từ điển mới cất tiếng khóc chào đời. Vui vẻ.
[3] Tagalau]
Tagalau8 có chuyện, tôi chỉ cần 15 phút giải trình với “trên” là ổn. Tagalau2 mới tợn.
Chuyện từ bút kí “Mĩ Sơn đường về” của Trà Vigia đăng Tagalau2. Nghe đồn Nhà nước “thu hồi”, không Nhà xuất bản nào dám in Tagalau3. Tôi thân chính ra Hà Nội:
– Đây là tuyển tập nhiều bài, nếu thấy bài nào không hợp thì bỏ ra, còn lại, các anh cho in nó. – Tôi nói, và chìa ra Thẻ Hội Nhà văn – Hoặc các anh in Tagalau, hoặc thu lại cái thẻ này.
Thế thôi mà được việc.
P.S.
Vụ Kiều Minh Vũ, tôi mang thư thầy Tỷ ra Hà Nội gặp Mã Điền Cư, quan to nhất Cham lúc đó. Anh hứa sớm về thăm bà con giải quyết vụ việc. Đợi mãi không thấy bóng anh qua. Tháng sau gặp, hỏi, anh trả lời:
– Đảng không phân công, anh à.
– Anh có dám chìa thẻ Đảng ra, hoặc các anh cho tôi đi gặp bà con, hoặc các anh nhận lại thẻ này, như Sara đã không? – Tôi nói trong bụng.