Phụ lục-3. TẠI SAO ÔNG GLANG ANAK KHÔNG VƯỢT BIÊN?

Quần chúng vượt biên, mong cầu tự do;

Lão Tử, A-la-hán vượt biên đi luôn, sau khi giải thoát;

Phật, Bồ-tát vượt biên, quay lại bờ giúp chúng sanh vượt biên;

Glang Anak thuộc thành phần thứ ba.

1. Từ tuổi biết “đi”, tôi lang thang khắp ‘palei’ Cham, tìm chữ và tìm… mình. Nỗi ấy kéo dài 20 năm. Rồi khi đã “trụ vững”, tôi thênh thang nhập cuộc chữ nghĩa đất Sài Gòn, sau đó đi không chừa tỉnh thành nào trên mảnh đất hình chữ S này.

27 năm đi qua đời người, tôi biết mình phải qui hồi cố hương. Chakleng. Và trụ lại. Để lần nữa, làm đứa con của Đất.

Kế câu chuyện Cham, như tôi đã nguyện từ dăm năm trước; và khiêm cung lần bước đi theo dấu hiệu Glang Anak. Để tìm lại bản lai diện mục của mình.

Glang Anak hơn 100 câu luận 200 năm chưa hết” (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Glang Anak đi vào thế giới chữ nghĩa tôi như một ám ảnh ma mị. “Tại sao ông Glang Anak không vượt biên?”, “Glang Anak và tinh thần giải sân hận Cham”, “Thông điệp Ariya Glang Anak”, vân vân.

Ở đó, “Chuyện người đời thường” (2006) là một.

2. GLANG ANAK

Khi tất cả đã đổ vỡ – ông đứng

đó giữa đụn cát bãi bờ, Glang Anak

không nơi đến chốn về, ông đứng đó

cao lớn cô độc, Glang Anak nhỏ bé

muốn làm mất hút. Những con chữ gánh

một trăm mười sáu câu thơ không thể

nâng đỡ Glang Anak. Khi không thể cứu

vãn nữa rồi – ông bước đi, Glang Anak

không tuổi tên danh dự quá khứ tương

lai hi vọng tuyệt vọng. Một mình ông

đứng đó Glang Anak – hiện thực mà mơ

hồ, vừa được nhưng đã mất, có mặt

như vắng mặt. Ông đứng đó Glang Anak

không tay chân bao tử khối óc, bóng

ông đổ xuống bóng cát đổ vào bóng

đêm Glang Anak. Khi đã nhìn thấy tất

cả, đằng trước đằng sau, khi đã chịu

đựng tất cả – Glang Anak ông đứng đó

trái tim vươn khỏi lồng ngực lớn lớn

dần sụp quỳ uống biển Đông, cho khô

cạn. Cho đủ một trăm mười sáu câu

Glang Anak lầm lủi trở về. Khi đã

thấu hiểu tất cả – ông bước đi, không

ai biết ông đi đâu, Glang Anak vô

danh hơn hạt bụi vô danh. Khi đúng

một trăm mười sáu câu thơ làm hành

hương trở về đỡ nâng vạn sinh linh

sót lại, Glang Anak ông đi.

3. “Tại sao Ông Glang Anak không vượt biên?” chỉ là cách nói, đúng hơn: Tại sao Ông Glang Anak không thoát đi luôn, mà quay trở lại?

Glang Anak

[câu 63]

:

Dook tha drei tha nưgar di krưh hanrai

Di krưh tathiīk cwah hajai, halei nưgar drei xathau

Ngồi một mình một vùng giữa cồn xa

Giữa biển cát bồi, đâu là xứ sở ta?

Câu 19:

Di graup tapiên rapawaang, halei nưgar drei khing nao

Khắp bến bờ người bao vây, xứ sở nào ta đi?

Đại biến động ở đầu thế kỉ XIX, cả dân tộc chạy tìm thoát thân. Tràn lên rừng núi, qua Cambodia, Thái Lan, hay vượt biển sang Malaysia. Không thể khác, tác giả Ariya Glang Anak cũng đã đi, hướng biển, như ta biết. Nửa chừng, ông dừng lại. Đến giữa biển cả cát bồi, ông đứng đó – suy tư về thân phận ông, về sinh phận dân tộc ông. Đột ngột ông có cái quyết định chết người: quay trở lại. Chấp nhận sự tủi nhục của con dân mất nước, nhận phận kẻ cùng khổ, để được sống giữa lòng dân tộc.

Phải bản lĩnh ghê gớm, bản lĩnh vượt bỏ mọi nỗi sợ, mọi rào cản cái tôi nhỏ bé, mới có thể đi đến quyết tính phi thường ấy.

Không trách người đã bỏ xứ ra đi, bởi không thể trách. Ông Glang Anak như một đại Bồ tát đã đi qua bờ bên kia, và trở lại. Để rồi, chính giây phút ông đưa ra quyết định ấy đã cứu sinh mệnh chính trị ông, qua đó – cứu chuộc cả một dân tộc: Giữa bóng tối đen mò của lịch sử, một sinh lộ vừa hé mở cho con dân Cham.

Nhận định về vụ Cù Huy Hà Vũ bị đẩy qua Mỹ, Nguyễn Hưng Quốc trên Blog VOA tiếng Việt, cho rằng Cù đã khép lại sinh mệnh chính trị của mình. Bởi cũng hành vi ấy, phát ngôn ấy, nếu ở trong nước, đó là anh hùng; còn ở hải ngoại, sức nặng sẽ giảm đi nhiều, rất nhiều.

Nêu sự vụ này, tôi muốn nhấn rằng, tác giả Ariya Glang Anak đã chấp nhận trở lại, và ở lại trong bóng tối vô danh và ô nhục, để trở thành một trí thức lớn nhất của thời đại ông. Qua đó, tiếng thơ ông tồn tại, và Cham sống sót.

*

Cháu đọc lại tút sáng nay, tạm tóm như sau:

Ariya Glang Anak viết năm 1834, thời kì Cham chịu nạn Minh Mạng. Liên hệ với trí thức Việt Nam hôm nay dưới chế độ C.S. Giống nhau đến cùng cực. Thiên tài là vậy. Cham = Trí thức Việt Nam; Minh Mạng = C.S.

3 bước:

1. Thảm trạng

‘Rai drei tha pajiơng rei saung nhu

Ralô ginoong pôic ôh hu, rabrei janưưk mai ka drei’

Đời ta [lỡ] sinh ra cùng thời với họ

Lắm giận nói chẳng được, người ta [lại] mang tội đến cho mình

Cùng thời, chứng kiến bao nhiêu oan ức, bất công. vụ việc xảy tới, nói có được đâu! “Hay nói thì ở tù”!

2. Trí thức làm gì?

Nhiều trí thức bất lực, đã im lặng. Vài tiếng nói yếu ớt cất lên, rồi chìm. Ít kẻ có vẻ dũng cảm hơn, lên tiếng, và bước đi đầy bất trắc.

Oán trách nhau, vô ích.

3. Bắt đầu từ đâu?

Xưa Glang Anak khuyên bắt đầu từ cái CÀY,

Nay Sara diễn ngôn: hãy khiêm cung, bắt đầu TỪ DÒNG NƯỚC ẨN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *