(trước bài tổng kết Đại lễ Gaup Gađak, mới bà con giải trí… cao cấp kiểu mới)
Ja Kataul ra đời thân mình đầy ghẻ lác, mặc cảm miễn chê. Lớn lên cùng bạn đi buôn trầu trưa nằm dưới tàn cây to, loài rồng sà xuống liếm sạch phần nhơ nhớp, biến chàng trai thành phương phi, tài phép lạ thường. Sau lên ngôi vương lập bao chiến công hiển hách, xây dựng nhiều công trình còn tồn tại đến tận hôm nay.
Đích thị Pô Klong Girai, người Chakleng chính hiệu.
Dân Chakleng quê tôi muôn năm ưỡn ngực đồng hương Pô Klong Girai, cả về vụ được ‘rồng liếm’. Trích Chân dung Cát, 2006:
“Bọn trẻ sinh ra, lớn lên và đợi… con rồng liếm. Qua tuổi hai mươi, ai cũng nghĩ mình đã được liếm một lần, không trúng khúc này cũng dính phần kia.
Mà đã liếm trúng thật.
Năm ngoái về quê tôi bất ngờ nghe tin đồn – đồn về tôi, rằng tôi được rồng liếm, khá đậm, đậm nhất Chakleng, có lẽ. Như thể vào vòng quay vô hình đến lượt tôi thì bộ máy trục trặc và ngưng. Con rồng không để ý, liếm tới. Và tôi bị dính nước miếng rồng nhiều chỗ, thấm đậm. Bà con hàng xóm nhìn tôi là lạ.
Bao sinh linh khác nữa, cả ‘urang parat’ qua lấy vợ Chakleng cũng được “rồng liếm” bổ sung…
Bác Thạch Tìm, nghệ nhân đánh trống Ginang nổi tiếng, hưởng sái từ nước miếng rồng ở đôi tay.
Anh Phú Tâm, từ sự cố ngẫu nhiên trở thành bác sĩ chuyển viện đáng tin cậy của một huyện tận Gia Lai khi quá ngũ thập, chả bằng cấp chuyên môn gì chỉ đậu trung học Pháp vậy mà thân nhân người bệnh rất vững bụng khi có anh đi cùng xe cấp cứu hụ còi dù có hay không có bác sĩ khiến bà cô mãi tiếc biết thế này xưa gắng đầu tư cho nó học ngoại giao: anh được liếm trúng ngay môi trên là điều ngàn năm có một.”
“Rồng liếm” là một biểu trưng lớn trong truyền thống Cham. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, là năng khiếu trời cho. Trời kêu ai nấy dạ. Kêu nhiều, ít tùy, miễn ta biết nghe. Và nghe đúng.
Bởi, [trích tiếp]…
“Bà con đồn Pathit được liếm trúng adn văn chương mà ngỡ đụng phải huyệt kinh tế nên mãi đâm đầu làm kinh doanh, đến nửa đời thất bại vẫn không chừa.
Tội hơn cả là Jaklan nhỏ con đích thị bị liếm hụt mà cứ đinh ninh trúng nên phí sức đến thân tàn ma dại”.