Qua gợi ý của Chú tịch Hội VHNT Phan Đình Tiến, tôi có vài phát biểu nhỏ trước anh chị em văn nghệ sĩ Đắc Nông và Đồng Hới. Vài ý tóm lược. Tặng bạn văn Đỗ Quyên]
Giáo dục chúng ta không dạy HỎI, không khuyến khích hỏi, thế nên ta không biết hỏi. Chớ kêu tư duy phản biện Critical thinking cho to, ngay hỏi thôi ta cũng không biết. Ta còn không học ngạc nhiên nữa…
Trong khi nhà văn hay nhà nghiên cứu chỉ cần biết quan sát, ngạc nhiên và hỏi, đẩy câu hỏi tới cùng, thì ta đủ phát kiến đề tài, và vấn đề sẽ vỡ ra.
- Cá nhân tôi, ngay lớp Đệ Tứ, khi đọc thấy câu Paul Mus cho rằng văn học Cham không có gì cả, tóm gọn trong 20 trang sách là cùng, tôi ngạc nhiên, và đặt câu hỏi: Tại sao một dân tộc có chữ viết được cho là sớm nhất Đông Nam Á mà nền văn học tệ hại như thế? Tôi không tin, và tôi đi tìm. – “Từ bàn chân trần trắng, từ con số không/ từ con số âm – có lẽ” (thơ Inrasara).
Cuối cùng sau 25 năm miệt mài, tôi đã dựng lên khuôn mặt văn học dân tộc qua bộ Văn học Cham khái luận, văn tuyển.
Ngạc nhiên và đặt câu hỏi ngay ở chi tiết tưởng vặt vãnh và bình thường nhất: Việt nói “Trời đất ơi”, trong khi Cham kêu “Trời biển ơi”, là sao? Từ manh mối này, tôi truy tìm, và phát kiến đề tài: “Hải sử và Văn hóa biển Cham”.
Mươi năm qua tôi thuyết giảng về nó là chính.
- Các bạn là người viết văn làm thơ, đọc văn chương Việt, có bao giờ các bạn đặt câu hỏi về dòng văn chương tiếng Việt còn tồn tại ở khu vực khác không?
Câu hỏi nêu lên không thừa. Bởi ngay nhà phê bình một thời rềnh rang cũng không biết đến nó. Nguyễn Hòa, khi phê bình dự cảm của Hoàng Ngọc-Tuấn, đã quyết rằng không thấy học hậu hiện đại Việt phát triển đâu cả!
Ông đã không nhận ra/ không biết đến vùng ngoại biên, là nơi văn học hậu hiện đại xuất hiện, thế nên ông chả thấy nó – thì không sai!
Văn học Việt Nam không chỉ có mặt ở báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn hay tạp chí Văn học Nghệ thuật địa phương các nơi, không chỉ có mặt trong hiệu sách hay từ lò Hội Nhà văn, mà còn nhiều nơi khác.
Văn học Việt hải ngoại, Văn học miền Nam trước 1975, các sáng tác và tác phẩm in ngoài luồng, Văn học mạng, vân vân.
- Trở lại Quảng Bình, đây là vùng đất lịch sử đặc biệt, tuyệt không nơi nào có. Đặc biệt ở đâu?
Đỉnh đầu của vương quốc Champa giáp ranh Đại Việt, giao điểm giữa hai nước, hai nền văn hóa qua ngàn năm giao lưu [chiến, thoa, hợp]; sau đó nó là vùng đệm Đàng Trong Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn phân tranh; và là tuyến lửa của 20 năm chiến tranh Nam Bắc.
Goethe nêu lên 3 yếu tố làm nên kiệt tác, là: Dân tộc [địa phương] đó có cái để nói cho thế giới không? Có thiên tài để nói không? Và thiên tài đó nói lên ở thời điểm sung sức nhất của sáng tạo không?
Quảng bình không là chủ đề lớn cho nhà văn sao? Vậy ở đây, ai là thiên tài để nói lên điều đó? (tôi quay sang hỏi nhà văn Thao Nguyen: Bạn có phải thiên tài? – Không dám! – Tại sao không?) Và nói lên bằng thứ nghệ thuật nào?