CÔ ĐƠN HẠT NHÂN

Đi Nhật, thăm đất nước tiên tiến hàng đầu, truyết trình tại các Đại học, vân vân, sang phải biết. Anh chị em “của” chả có gì sai! Như năm kia qua Thái dài ngày, ông bạn kêu: “Tiền xài sao cho hết”. Bà con nào biết, đó là những lúc tôi đẫm nỗi cô đơn nhất.
Hưỡn đã, xin nói khoản “tiền xài sao cho hết” trước.

1.
Tiền, chớ dại đùa với bộ môn này. Bên mời rặt cánh phi chính phủ với tổ chức thiện nguyện, túi lép kẹp, khi hiểu ra thì nhận bì thư ta cũng nghe xót. Nữa, việc là việc chung, có khi được cho mình là chính.
Có vé bay đi-về đã là ngon, thêm khoản ăn uống với khách sạn nữa. Tiếng là khách, lại là khách có tiếng, nghèo tới đâu cũng vắt túi tìm chỗ được được xíu. Tò mò hỏi tiếp tân, nhẩm tính ra con số, thêm một lần xót. Định nhắc nhỏ bạn: Cả ngày lo chạy, chỉ cần chỗ đặt lưng qua đêm, kiếm nơi nào bình dân tí. Nhưng rồi, thôi. Phòng đặt trước đó cả tháng, Vả lại khách là khách.

2.
Đất lạ, món ăn lạ với cảnh đẹp. Việc sang và người sang. Sinh viên, cô bá vai xin chụp pô ảnh, cậu mở sẵn sổ tay xin chữ kí; phóng viên xếp hàng chờ lượt phỏng vấn. Nụ cười cảm ơn, câu chúc thành công, cả lời mời tái ngộ see you again. Sướng rên đi!
Khuya tối, một mình về phòng, buồn ập đến. May tôi dễ ngủ, đặt mình xuống là làm một hơi.
Rồi mỗi sáng thức giấc, buồn cùng thức dậy, tôi phải chiến đấu với những bóng ma. Bao nhiêu bóng ma vây khốn: Cô đơn, chán nản, cảm giác lạc lõng và tâm lí bỏ cuộc hành hạ trái tim sinh linh yếu đuối. Ta làm gì ở đây? Nơi atah palei karei angan đất khách quê người này? Ước gì có người thân bên cạnh…

Ngoài đời, hiếm kẻ thấy tôi mang bộ mặt buồn chán, tinh thần mỏi mệt, hoặc xài ngôn từ tiêu cực. Tôi là kẻ đốt lửa, giữ lửa, và truyền lửa [cảm hứng] đến xung quanh. Cô ca sĩ mới đây còn nhắn tin khen: Con người anh Sara luôn tràn lửa ấm!
Ít ai biết, sinh linh ấy phải chiến đấu với bóng ma ở mỗi sáng…

3.
Bỗng nhớ nhà.
Không biết các con có nhớ tôi không, tôi ngược lại: nhớ cha mẹ khủng. Tôi hai lần khiến cha mẹ buồn. Lần, tôi cạo đầu tu Phật. Cham có ai chơi vậy bao giờ! Lần nữa, lúc “lấy” vợ. Các bác ở cơ quan chống, bạn bè chống, gần như cả cộng đồng Cham không ưng. Ai lấy vợ kiểu đó bao giờ? Tôi hứa không bao giờ làm song thân buồn nữa, và tôi giữ đúng lời hứa. Sau này mỗi bận Sài Gòn về, tôi ngồi nửa tiếng nghe mẹ kể lể, rồi tôi “giải” nỗi mẹ, và kiếm chuyện gì đó kể cho mẹ cười.
Anh Đạm, chúng tôi vừa anh em vừa bạn. Anh đi xa rồi, sáng nay thức, tôi không bước vội xuống giường, nằm và nhớ anh. Rồi nhớ em gái Những. Hồi tôi lớp Sáu, em làm gì đó hỏng, tôi la làm em khóc. Từ đó tôi dặn lòng không la em nữa. Em gái tôi có cái đẹp từ bên trong đẹp ra. Đẹp và sáng.
Em Ngòi nữa. Cũng năm ấy, mưa lũ trôi từ ngàn xuống bao nhiêu là củi. Cha kêu em khi ấy khoảng 7 tuổi đi theo phụ tôi vớt. Được hai bó, là xuôi dòng về. Em không phụ tôi, dường ý em trai muốn tôi bỏ bớt một bó, vì sợ nặng, trong khi tôi lại ham, thêm ngón tay vừa bị bọ cạp chích sưng vù (may, bò cạp mùa mưa chích ít đau). Tôi đánh em, em khóc [sau này hai lần tôi nằm mơ thấy cảnh ấy]. Anh Đạm có đánh tôi bao giờ đâu, dù tôi rất bướng. Tôi tự hỏi: Mình có quyền gì đánh em? Từ đó tôi quyết chừa. Và tôi làm được.
Thế nên Út Lành không khi nào bị đòn tôi, là vậy. Tôi cũng chưa nửa lần nặng lời với anh chị em. Chị Hám, mẹ sinh năm đứa đầu chết yểu, người ta bày xin chị về nuôi, thương hết chỗ nói. Một hôm ở nhà, chị dỗi anh em tôi vụ gì đó bỏ đi, tính bỏ đi luôn. Tôi nói: Chị có thể bỏ thằng Klu của chị không? Có vậy thôi, chị từ từ quay lại.

Chớ hô to tình bác ái với nhân loại xa xôi làm gì, nó trừu tượng làm sao ấy, mà chỉ cần ta thực lòng yêu thương những kẻ gần gũi ta thôi, cũng đủ. Đủ tạo sức mạnh cho ta vượt qua cô đơn, và tiếp tục lao vào cuộc chiến. Một cuộc chiến tràn ý nghĩa mà ta tự bạn tặng cho mình.
Tôi gọi đó là ý nghĩa của vô nghĩa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *