TẠI SAO TÔN GIÁO AHIÊR AWAL?

Ahiêr Awal có phải là tôn giáo? Câu hỏi đặt ra có nghĩa là đã có hồ nghi về tính chính danh của sự thể rồi.

Không lạ, khi có người cho Ahiêr Awal không phải tôn giáo, mà chỉ là hình thức tín ngưỡng dân gian. Một tôn giáo cần đến 3 yếu tố chính: Giáo lí [& giáo luật], giáo đường, và giáo hội [& giáo chủ]. Ahiêr Awal thiếu một/ vài yếu tố đó.

 

Awal còn đỡ. Có giáo đường, để mỗi năm các chức sắc tôn giáo Bà-ni chay tịnh; phần nào đó: giáo hội, với Xug Yơng Lễ thứ Sáu xoay vòng cho các cấp Acār từ 7 Thāng Mưgīk gặp gỡ nhau thảo luận vụ việc tôn giáo; và giáo lí, dù giản đơn nhưng cũng đã được in ra phổ biến. Chứ bên Ahiêr: không gì cả.

Giáo lí thì Pô Adhya nào biết sách kinh Pô Adhya nấy. Ở đó cũng chả có giáo luật nào mang ra dạy tín đồ nữa.

Giáo hội ư? Cũng tùy nghi. Panrang có 3 cụm tháp thì có ba Pô Adhya trụ trì, các vị này cũng hiếm khi gặp nhau thảo luận, thì làm gì có thể cấu thành giáo hội.

Giáo đường càng thảm nữa: mỗi năm Pô Adhya lên cúng tế tháp 3-4 lần, mỗi lần 1-2 giờ, rồi đóng cửa để đó mặc tình cho mưa gió.

Thầy chỉ dạy riêng cho trò, theo kiểu bí truyền chứ chẳng hề có giáo đường nào để giảng đạo. Tín đồ không hiểu kinh kệ tôn giáo mình càng tốt. Thuở bé, mỗi bận tôi đọc Thôm, Angār, But… là mẹ la. Chuyện lịch pháp, ngày tháng là của riêng Pô Adhya, mi chỉ được quyền nói: Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư… thôi.

Lạ hơn nữa, đó là tôn giáo không cần ai vào đạo mình.

 

Bị kêu là “tín ngưỡng dân gian” không phải là oan.

Dẫu sao, cần khẳng định, Cham có tôn giáo. Ahiêr Awal vẫn là một tôn giáo, thứ tôn giáo đặc thù Cham: Tôn giáo Ahiêr Awal.

Cham Ahiêr có hàng giáo sĩ là Halau janưng Ahiêr; bên Cham Awal là Halau janưng Awal; hệ phái giữa phụng sự cho cả hai bên tín đồ Ahiêr Awal Cham gọi là: Halau janưng Ahiêr Awal.

Đặc biệt nữa, có nhiều lễ lớn, hai bên Halau janưng Ahiêr Awal cùng phối hợp thực hiện. Không tuyệt sao? Có đâu trên thế giới chơi kiểu Cham không? Và ngay trong cộng đồng Cham, giáo sĩ Islam không thể ngồi chung với Halau janưng Ahiêr hay Awal mà hành lễ tôn giáo.

Cần chi phải hội đủ ba chân cẳng kia mới ra hình hài tôn giáo! Còn nếu thực sự cần, ta nên xét xem mấy cẳng kia mất thế nào, mất ở đâu, và có cần phục hồi chúng không?

Câu trả lời sẽ mở ngỏ ở phần tiếp sau…

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *