Tôi sinh ra
níu
trần cánh tay cha, sờn lưng áo mẹ
gầy còng
tôi níu bóng tháp
tháp luống tuổi
tôi níu vào cái không thể níu
lớn lên.
(Hành hương em, 1999)
Câu chuyện
[Gợi hứng từ comment của Trần Thiên Thị: “mâm nào mà ông chẳng có xôi có thịt”].
Từ tuổi “tìm học” tôi mê ba thứ: triết học, văn thơ & bóng đá. Phiền nỗi số phận cứ lôi tôi đi lối gồ ghề, bắt tôi phải gánh bao nỗi nặng trịch, rất tội. Chuyện chữ nghĩa, ai mà chả thích nẻo sướng, chỗ sang, ngôi cao trọng; tôi cũng thế. Vậy mà Bà Trời cắc cớ mãi bày ra mấy mâm bị người đời chê, đẩy tôi ngồi vào.
Riêng về văn học, có thể kê…
Năm Đệ Tứ, đọc thấy Paul Mus kêu văn học Cham chỉ bó gọn trong 20 trang sách, nghĩa là chả có gì đáng cả, nổi máu anh hùng rơm, tôi mới lao vào công cuộc truy tìm, để 30 năm sau trở thành chuyên gia của cái nền văn học bị bỏ rơi ấy.
[“chuyên gia” cần được hiểu là kẻ bao quát vấn đề, và khả năng thuyết trình về nó].
Năm 2002, Nhóm Mở Miệng xuất hiện, tôi mê mẩn. Tưởng mê cái chi cao sang, ai lại đi mê mấy thứ Giấy Vụn! Tôi là người đầu tiên viết về họ, rồi liên tục liên tục… để cuối cùng trở thành chuyên gia về văn học ngoại vi trong đó có xuất bản ngoài luồng. Năm 2014, một tổ chức “quốc tế” làm Work Shop về “xuất bản” kiểu này cậy tôi “xâu” bài, kêu tôi rủ vài mạng được được cho họ nữa.
Từ hai mâm trên, ở vị thế đường biên, tôi đâm khoái văn chương ngoại vi. Mấy món bị [phía chánh thống] kì thị như: Văn học Việt hải ngoại, văn chương tỉnh lẻ, thơ văn của cây bút chưa là [không muốn là] Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, văn chương mạng, tôi lại khoái. Tôi lắm bận được cho ngồi ghế súp ở đây, là thế. Năm 2014, tôi có “nói” tham luận ở Đại học Sư phạm Hà Nội về nó, oách hết biết.
Cuối cùng, không thể thiếu cái mâm chuyên gia văn học Dân tộc thiểu số. Là món, sau khi Lâm Tiến mất, rồi Phạm Quang Trung lặn, [không dám nói tôi là kẻ duy nhất, chỉ biết] tôi trở thành món hàng hot, không có không đặng.
Đó là 4 cái “mâm” bị người thiên hạ chê, vứt đi – tôi bị ẩy vào ngồi. Ừ, thì em ngồi. Vô phân biệt.
Coda.
Cuối năm 2014 một Đại học Thái Lan order “mâm cao cỗ đầy” cực kì về Văn học ĐNÁ đương đại. Tôi ngó quanh, ước gì bạn thơ thân mến của tôi chơi được, để tôi nói với họ cho vào. Kẹt, tôi phải… ngồi!
Năm 2005, Tia Sáng mời tôi làm số chuyên đề về Văn học đương đại ĐNÁ. Tôi dịch và giới thiệu [kèm cả ảnh] 3 tác giả. Riêng mình có tiểu luận: “Văn học ĐNÁ trong tâm thế hậu thuộc địa”. Vậy mà tôi tìm [và nhờ nhiều người quen tìm] cả Việt Nam không một ai để viết về chủ đề này.
Ở buổi giao lưu sinh viên Thái, tôi nói nguyên văn: “Nhà văn ĐNÁ xem thường nhau, và xem thường chính mình”. Về chính trị và kinh tế, chúng ta đã mở, riêng văn học thì chưa. Văn học ĐNÁ vẫn còn là vùng trũng của văn học thế giới”.