SARA… HAI MANG

01

Cuối tháng trước, trong buổi lai rai văn nghệ, bạn thơ kiêm nhà báo có nghề, kêu: “Sara hai mang”! – Chả hai mang là gì, Giải Hội đồng LLPB VHNT Trung ương anh đã ôm, mà Giải Văn đoàn Độc lập anh cũng hốt. – Bạn thơ đùa.
– Không sai! Nhưng bạn coi lại nhé: Tui viết là viết cho tui, sách tui in ra trước đó, bên nào thấy hạp với mình, thì trao cái giải. Ai trao thì tui nhận, chớ chê chi cho mệt, hén?

2 câu chuyện:
Nhớ năm 2003, một tạp chí Cham tố cáo Sara “đồng lõa với thế lực công an Việt Nam” chống phá các tổ chức Cham hải ngoại. Trong khi tôi còn chưa biết tên các tổ chức ấy, còn chưa hay nó ở đâu hay vận hành thế nào!
Phía khác, tổng kết văn nghệ Tỉnh 2015, một quan lớn lên bục kêu có nhà văn lập website chuyên chống chủ trương của Chính phủ ta (*). Trong lúc tôi ngồi chình ình đấy dưới hội trường! Nỗi ám chỉ mang tính dọa nạt khiến tiệc trưa hôm đó, các bạn văn ngày xưa thân ái chả ai bén mảng qua bàn tôi nâng li như đã từng.
Hai sự vụ, hai thái cực. Nếu thái độ trên là quá khích, thì vụ dưới đích thị lòi thứ tâm lí sợ hãi. Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu, thì làm gì có chuyện đối thoại.
Đó chỉ là 2 trong vô số điển hình tiên tiến, ở xã hội hôm nay.

Vậy nếu “hai mang” là thật, thì tôi chống cả hai rồi còn gì!
Nhưng ông Sara có đúng thế không?
Đoạn thơ làm đề từ cho tập: Chuyện 40 năm Mới kể & 18 bài Tân hình thức (2006):

Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên

Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới
.
________

(*) Về Dự án Nhà máy ĐHN, tôi nêu và phân tách 3 điểm chính:
Cham cư trú vùng đất này hơn 2000 năm trước – nửa số dân Cham đang sống ở đây – với hơn 100 điểm tôn giáo tín ngưỡng (trong đó có ba cụm tháp) đang được thờ phụng. Trong khi Cham không có chuyện “đất lành thì ở, đất lở thì đi” như Việt. Vậy nếu có nỗi gì, sinh linh Cham bị càn quét hết còn đâu.
Tôi nói nó lên: – Cho Cham hiểu – cho Chính phủ hay – và cho thế giới biết.
Rồi tôi mở hai cuộc thảo luận trên web Inrasara.com…
Quá ư là lành, có chi “phản động” mà phải lảng né ông Sara, cho cực.

02

Tôi là con đò
ai ưng qua sông – xin mời
ai từ chối thì thôi

*
Năm 2004, TBT một tạp chí ở TPHCM thấy loạt bài phê bình của tôi trên Tienve, đã thốt lên một câu đáng ghi vào… văn học sử: “Sara thế mà khôn, chơi cả hai phía, dù chế độ nào đổ ổng cũng sống khỏe”.
Mèng, ta mãi dòm sự đời qua cặp kiếng lúp chánh trị chánh em, mới rách việc! Bàn tròn Văn chương bị dị nghị cũng bởi lối nghĩ trời ơi đó. Phiền nỗi, phát ngôn kia vẫn hơi bị trúng. Tại sao?

Tính cách tôi, vị thế tôi, ý hướng tôi khá HẠP với chức SỨ GIẢ; không phải đại sứ hiểu theo nghĩa hiện nay, mà là sứ giả hóa giải. Chả đùa đâu. Coi nè:
– Giữa cánh khoa bảng/ giới nghiên cứu và văn nghệ sĩ, tôi sự sự vô ngại hai bờ không chút vướng bận.
– Với văn học dân tộc thiểu số, tìm người Việt nắm được tiến trình của nó còn khả dĩ, chứ đòi hỏi một nhà văn dân tộc thiểu số bao quát văn chương người Việt đương đại thì gay. Tôi là người kẻ hiếm hoi khả năng thu ngắn “những khoảng cách còn lại” này.
– Với văn học Cham, chắc chắn không người Việt nào hiểu nó hơn tôi, và ngược lại. Tại mảnh đất này tôi xứng đáng ứng viên làm gạch nối hai vực thẳm chưa ai ý định san lấp.
– Thêm, văn học Bắc Nam trước và sau 75, trong và ngoài nước, chính thống và phi chính thống tôi đều chơi được – công bằng và sòng phẳng.
– Cuối cùng, ở tầm cao hơn – như vừa dẫn Phạm Huy Thông ở Stt trước: “Người Cham và văn hóa Champa là cầu nối nối liền Việt Nam với Đông Nam Á hải đảo.” Tôi không muốn dùng từ “cầu nối” mà là “con đò” thong dong qua lại, lên xuống – linh hoạt và thơ mộng hơn. Ở đây, tôi là sinh linh Cham sẵn sàng sắm vai sứ giả.

Thời chiến, đi giết sứ giả, có mà khờ. Và tôi luôn sống sót.
Thói thường chữ “khôn” được hiểu như là sự tính toán thiệt hơn, so đo được mất; trong khi ở đây chỉ cần: lòng MỞ, trí SÁNG, lời THẬT, cũng đủ.
Nếu dùng từ khôn, khôn này không phải để đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, ăn trên ngồi tróc, hay ôm đồm lợi & quyền vào mình, mà là sống sót trong chân trời của sự tạ ơn cao đẳng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *