Trần Xuân An: Inrasara làm sáng tên cho năm đóa hoa Champa của riêng anh 2/2.

Trong làng văn chương hiện nay, có nhiều nhận định về thơ Inrasara. Như đã nói, mặc dù anh xuất hiện muộn, mãi đến gần 40 tuổi (1996), anh mới gửi thơ đăng báo và in tập thơ đầu tay, nhưng thơ Inrasara nhanh chóng tạo nên một hiện tượng. Anh không phải là người khởi động trào lưu đổi mới, cách tân thơ, nhưng Inrasara sớm được nhiều người trong làng thơ trao cho anh nắm giữ ngọn cờ ấy. Thoát khỏi sự rụt rè ban đầu, Inrasara ngạo nghễ phất cao ngọn cờ, không những bằng thơ, mà còn bằng cả loạt bài lí luận, phê bình và nhiều lần trả lời phỏng vấn, với mĩ cảm, chủ kiến của riêng anh.

Nhưng cũng như những người đi trước anh dăm bảy năm hay độ mười năm, tính từ 1986, nội dung đổi mới, cách tân thực chất là quay về những giá trị văn hoá – lịch sử – triết học – tôn giáo – kinh tế cũ, có nhiều vấn đề đã quá cũ, từng phủ lên nó hàng ngàn năm với bao lớp bụi thời gian. Tuy vậy, viết được những suy nghĩ, cảm xúc về các giá trị cũ ấy đã là một đổi mới, cách tân sau một thời bị cấm kị khá dài. Nhưng ngay trong khía cạnh này thôi, phải chăng Inrasara vẫn chưa có cái nhìn mới, táo bạo, triệt để và sáng tạo. Còn phác hoạ một viễn cảnh tư tưởng hay hình dung ra một hiện thực cần-phải-có, nên-có, anh cũng mơ hồ, lúng túng.

Hướng đổi mới, cách tân Inrasara vẫn chỉ là thi pháp.

Tháp nắngSinh nhật cây xương rồng, bài cũng như tập, chưa thể hiện rõ thể nghiệm với phần nào thành công cũng như thất bại trong việc cách tân thơ về mặt thi pháp như ở những bài, những tập sau.

Hành hương em là tập thơ thứ ba của anh, do NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh ấn hành, có gì mới hơn chăng?

Đoá hoa sứ trắng thứ ba: Hành hương em

Cũng như nét tư tưởng chủ đạo và giọng điệu riêng của tâm hồn trong thơ Inrasara, ở Hành hương em, vẫn là trở về với giá trị văn hoá cũ. Ngay từ “hành hương” đã bao hàm ý nghĩa trở về với niềm tín ngưỡng, tôn giáo cũ. Cái mới ở đây, là đại từ “em” ngay sau động từ “hành hương”, thực ra, khi Inrasara viết thành thơ thì trong làng thơ, nó cũng đã không còn mới. Xin lưu ý: “Hành hương em”, không cách ra bằng dấu phẩy (Hành hương, em), cũng không thêm một dấu cảm (Hành hương, em!). Nếu cho rằng thơ không cần đến ngữ pháp, cụ thể là vứt hết những dấu câu, để mở ra nhiều nghĩa, người đọc hiểu sao cũng được, thì chúng ta đi vào tứ thơ và hình tượng thơ…

Dẫu sao, cái chính là Inrasara viết về đề tài này với cách viết của riêng anh. Mở đầu, anh viết:

Bóng tối mang khuôn mặt tự do nhảy múa
dụ ngọn bấc trái tim bị thương tôi gượng cháy vào đêm
với hoang đường tiếng hát em vọng mơ hồ phía trước.

Tôi đi
lầm lụi lần theo bờ kí ức
phác thảo giáo đường em thánh linh
.

Bỏ lại sau lưng ngôi làng mệt nhoài hàng cây đơn điệu, lối cỏ rũ buồn
tôi
ngọn gió, ngọn đồi và ngọn bấc
đi
.

Đi về phía trước, bỏ cả làng mạc, hàng cây, lối cỏ, gió, đồi và bấc đèn, thực ra là “lầm lụi lần theo bờ kí ức”, một thao tác trở về giá trị cũ trong trí nhớ đóng bụi, nhưng táo bạo (góp vào sự táo bạo của những bài thơ của tác giả khác trước anh) là dám “phác thảo giáo đường em thánh linh” vì nhận thức ra tiếng hát em rất đỗi “hoang đường”, “mơ hồ”. Anh trở về với tâm linh một cách khẩn cấp, đúng hơn, rất nghiêm khẩn, với tâm thế đã được chuẩn bị của “giai đoạn sư tử” (theo cách nói của Nietzsche). Anh “câm lặng và tín thành” phá đổ trật tự cũ kĩ, triền phược mục nát. Anh đau đớn đạp đổ. Khóc, nhưng cũng phải đạp đổ, để được “vòm trán vươn đầu ngưỡng vọng / hành hương em”. Và bi kịch thay, biết rất rõ là tiếng hát em hoang đường, nhưng hình như không còn chọn lựa nào khác, nên đành làm hành giả mù loà, cả tin, dấn bước, “trang nghiêm cuộc lữ dài” theo sự cám dỗ và nâng đỡ của đường cong thân thể em! Anh cũng bỏ hết tất cả những hưởng thụ vật chất cũng như thiên nhiên cùng với giá trị văn hoá cổ truyền:

Nỗi khát ở phía trước
cà phê Đà Lạt đồi rách mộng, bãi biển Qui nhơn nát gió, Phan Rang tháp nắng ruỗng mòn
Sài Gòn snack bar hồng, chai bordeaux chát bồng tâm thức
Hà Nội gọi mời thu cuồng mê

Không những chối bỏ tháp Chăm nghìn đời thiêng, anh từng đốn ngộ ở “Tháp nắng”, anh còn chối bỏ cả giá trị tìm thấy ở “Sinh nhật cây xương rồng”:

Thiền Lâm tự triệu cánh tay mở rỗng
phía sau nỗi không ấy bóng giáo đường em mở phơi

“Hành hương em” và “giáo đường em”, hay nói bằng ngôn ngữ tường minh hơn, em chính là giáo đường, không phải giáo đường Thiên Chúa giáo mới, lại càng không phải thánh đường Hồi giáo mới vốn rất khắt khe với dục tính từ nét mặt đến thân thể nữ (khăn mạng và áo chùng đen): biểu tượng em chính là thánh linh với “đường cong cám dỗ và nâng đỡ”. Nhưng lần này:

trong zic zăc xoá trắng hôm qua em
giẫy sạch lọc lõi đời, hư vinh tôi, tất tật
riêng tự do có mặt
cửa sau lưng đóng sập nẻo về

Chỉ còn lại Tự Do! Và với tự do tìm thấy, anh phải làm một cuộc “lột xác” mới:

Trồi ngụp, lị, sốt rét rừng, co thắt ngực, toát mồ hôi lạnh
từ chênh vênh đất đứng
tôi hành hương em
.

Tôn giáo mới của anh cũng không phải là tiếng hát hoang đường, mơ hồ, cũng không phải là đường cong thân xác mĩ nữ. Bởi anh phải tái tạo lại “giáo chủ mới” của chính anh. Anh kết thúc bài thơ: “Tôi hành hương em”, chính là hành hương vào thân xác và tâm hồn mĩ nữ, vào tình yêu đương nam nữ. Hơn thế nữa, “giáo chủ mới” tôn giáo mới của anh chính là khái niệm Nhan sắc và Yêu đương. Đấy chính là Nữ thần Nghê thuật và Tự do, theo mạch cảm xúc và ý tưởng anh đã thể hiện.

Phải chăng Inrasara đã đẩy lên một cung bậc mới, khi từ khát vọng tự do nghệ thuật và xem tình yêu đương như một tôn giáo đầy trân trọng, lại trở thành một điều gì quá ngưỡng, có khả năng là một bước lạc, sẩy chân? Không, “trong zic zăc xoá trắng hôm qua em”. Anh đã tái tạo lại “giáo chủ mới” của riêng anh.

Inrasara cũng chưa phải đã ngừng lại hành trình tìm kiếm.

Hành hương em ghi nhận thêm một chặng đường thơ ca của Inrasara. Đây cũng là điểm mốc mới mà sau lưng nó, là vẻ trong sáng của ngôn từ, kết cấu thơ. Thơ anh bắt đầu khiến người đọc cảm nhận với cảm giác phiêu lưu trong thẩm định cũng như thưởng ngoạn, hơn là với sự thấu hiểu, cảm thông. Thơ anh không còn là lòng giếng ta có thể nhìn thấy tận lớp cuội trắng dưới đáy nước. Thơ anh đã trở thành một dòng suối, nước luôn chảy và luôn xao động, tạo nên những khúc xạ với nhiều ảo ảnh, dễ khiến người đọc loá mắt, mỏi mắt khi chăm chú nhìn vào, có thể nhầm lẫn khi thử xác định đâu là chiếc lá rụng, đâu là con cá dưới đáy nước.

Đoá hoa sứ trắng thứ tư: Lễ tẩy trần tháng tư

“Lễ tẩy trần tháng tư” trong tập thơ mang tên nó là một trường ca thơ, dài 43 trang (tr. 47-90, bản NXB Hội Nhà văn, 2002). Mở đầu là những dòng thơ như đề từ hay giáo đầu. Trong đó, sông – nước là đối tượng của sự ngợi ca, và qua đó, thể hiện khát vọng “giở một vòm trời khác”, một kỉ nguyên khác.

Sau khúc mở đầu ngắn, trường ca thơ “Lễ tẩy trần tháng tư” được Inrasara xây dựng thành 10 đoản khúc:

1. Hành hương về bên kia đêm tối
2. Hành trình
– 1979
– 1987
– 1997
– 2001
3. Cư sĩ và đám mây kí ức
4. Trong khoảng tối của gió mùa (thân tặng Trà Vigia)
5. Sầu ca trên đỉnh tháp
6. Ẩn ngữ Pauh Catwai
7. Ngụ ngôn mùa đông
8. Hoan ca giữa lòng cuộc đời I
Hoan ca giữa lòng cuộc đời II
9. Khởi động của khởi động
10. Lễ tẩy trần tháng tư

Người đọc có thể nhìn thấy “Lễ tẩy trần tháng tư” không chỉ là những khúc thơ miêu tả, tường thuật lại cuộc hành lễ theo nghi thức tôn giáo Bà-la-môn của cộng đồng Bà Chăm (khác với cộng đồng người Chăm Hồi giáo, được gọi là Chăm Bà-ni). Vượt cao hơn một bản tả và thuật như một phóng sự hay một bút kí, Inrasara vẫn bám sát vào một số diễn biến theo lệ thường cùng những chi tiết, nghi thức phải tiến hành mỗi khi đến ngày lễ hằng năm này, nhưng xem đó như những cái mốc của thực tại, để từ đó, anh đi vào những cảm xúc, đặc biệt là biểu đạt chuỗi ý tưởng và nội tâm. Hơn thế nữa, đó là hành trình tìm kiếm, đau đớn quằn quại trong trăn trở, trong phủ định, đón nhận cái mới (thực ra là khác với cái quen thuộc) rồi lại phủ định.

Đó không phải là hành trình tìm kiếm, phủ định của riêng Inrasara hay Trà Vigia, bạn anh, mà của cả cộng đồng Bà Chăm. Trong khúc 1 “Hành hương về bên kia đêm tối”, anh miêu tả và ẩn dụ hoá sự miêu tả ấy thật sinh động: Từ lúc còn khuya khoắt, mọi người Bà Chăm, người già lẫn con trẻ, đều chuẩn bị lễ và chuẩn bị tiến về nơi hành lễ, nhưng qua cái nhìn Inrasara, còn hơn thế, họ như một đoàn người đông đảo trong bóng tối tiến về hừng đông chân lí tín ngưỡng, của khát vọng làm mới, làm sạch chính mỗi người, nhưng theo anh, vẫn vô vọng:

Và bắt đầu nhảy, tôi thấy
(tôi là kẻ cuối cùng nhìn thấy, có lẽ)
điệu nhảy thịnh mùa của loài chim sa mạc
không ưu tư, không dự án – cuồng nộ và hỏng chân
vũ điệu của buổi tiệc cuối cùng

Giây cuối cùng của ngày cuối cùng
Của tháng cuối cùng của thế kỉ cuối cùng
Cái nháy mắt cuối cùng. Tiếng mấp máy môi cuối cùng
Ngoảnh lại cuối cùng. Buồn cuối cùng
Phụt tắt cuối cùng
Tro bụi cuối cùng

Gió gượng thổi ngọn gió cuối cùng
(bđd., tr. 50)

Bởi thế, “Hành trình” phải bắt đầu. Inrasara quay ngòi bút vào nội tâm, vào kí ức chính anh để kể lại những trăn trở, khổ đau trong hành trình ấy. Những cái mốc thời gian là những năm trăn trở tột cùng của anh: Từ “Chiều hóa thể / Dòng nước đen dịch chuyển trong hồn / Cựa mình băng mãi hoàng hôn” (1979), đến “Ta chối từ ta để ta được là ta / Cô đơn, cô đơn / Trên miền cao tư tưởng” (1987), nhưng vẫn vô định, “rồi mai chân trời nào – không biết” (1997), “Mai rồi trôi về đâu – không biết / Có bật ít mầm xanh?” (2001).

Trong kí ức của người cư sĩ cũng diễn ra một hành trình tâm linh như thế: Đâu là con đường (đâu là đạo)? Ông đã trải qua sự lỡ bước:

ông bước đi
về ngôi giáo đường chợt nhớ sau giấc trưa
đi
bàn chân trống rỗng khốn cùng
mặt trời ông đang xế bóng

(bđd., tr. 56)

Khi xưa ta đã yêu đất, yêu mây, chưa học biết yêu con đường
cứ ngỡ trong đám mây mù lòa kia có con đường hay vạch mây trôi dẫn hướng con đường

(bđd., tr. 57)

Con đường! Con đường! Một điệp ngữ vang dội trầm thống, trong thao thức. Để rồi, vẫn lỡ bước.

Đoản khúc “Trong khoảng tối của gió mùa” (thân tặng Trà Vigia) là sự khắc hoạ chân dung một người trẻ tuổi bế tắc và kiếm tìm, đi – lên đường, giẫm chân tại chỗ. Hình như khi biểu hiện bạn trên trang thơ, Inrasara cũng tự biểu hiện, nên từ ngôn từ đến hình ảnh, nhịp điệu thơ đều rất sống. Bên dưới chữ nghĩa là máu thịt nội tâm.

Trong đối thoại bị chối từ
Một ban mai mắc kẹt
Trước bàn tiệc ngút trời
Chúng ta vỏ chai không vứt xó
Trong loạn nhịp vũ khúc cổ
Không ai còn níu được sợi tóc định mệnh mình

… Tiếng nói bị rách nơi đáy họng
Cả ở bề chéo tâm thức
Chúng ta bất lực và
Chúng ta không biết đường để khóc
Ngôi nhà cuối cùng đổ rụm sau lưng

(bđd., tr. 60)

Để rồi, tìm thấy cuối cùng, không phải ai cứu vớt và không phải tiếng khóc cứu vớt:

Niềm vui bất ngờ vang lên trong lễ hội
Cái cuối cùng có thể cứu vớt chúng ta:
TIẾNG HÁT

(bđd., tr. 62)

Ở đoản khúc 5, “Sầu ca trên đỉnh tháp”, thể hiện một tìm kiếm mới. Thuở xa xưa, tìm kiếm của một nửa cộng đồng Bà-ni đã thất bại. Nhưng đây cũng là sự tìm kiếm không được đồng tình của chung quanh:

Như ta, ngươi mãi dõi nhìn về giáo đường xanh non
cô đơn với bầy dơi, cụm mây, khuôn mặt
cô đơn con mắt camera nhấp nháy, bài diễn văn ngợi ca
cô đơn trong chính định mệnh ngươi

(bđd., tr. 63)

Có lẽ đây là những dòng thơ đầu tiên trong văn học Chăm phủ định trong sự đối thoại ngang hàng với tháp Chăm nghìn đời thiêng liêng. Không có gì ghê gớm hơn sự phủ định lịch sử và cả Bà-la-môn.

Những tìm kiếm vọng ngoại đều bế tắc. Phải quay vào chính di sản quá khứ Chăm. Khúc 6, “Ẩn ngữ Pauh Catwai” thể hiện sự tìm kiếm trợ lực từ nội lực. Ở đấy, không cần niềm tin suông mà cái chính là truy tầm ý nghĩa thực tế, ngay cả triết lí cũng phải thực tế, của sự sống, của lẽ sống. Trước hết, “cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời”, điều mà trước đây, trong bài thơ nào đó, Inrasara dễ dãi đồng tình với sự chối bỏ nhân tộc, quốc tịch, những điều rất khó đồng cảm với anh. Và thực tế vẫn là:

Sau Lễ Tẩy trần tháng Tư năm nay
cả con sẻ nhỏ yếu, cái kiến mọn hèn nhất
cũng có đất để sống, để chơi

(bđd., tr. 68)

Giữa sự đối nghịch của sự giàu sang vật chất nhưng phi văn hoá với nghèo nàn vật chất nhưng phong phú về văn hoá, khiến ta nghĩ đến giá trị vĩnh hằng của thơ ca và văn hoá, nghệ thuật thật – tốt – đẹp nói chung, cho dù ở mức sống nào cũng rất cần thiết:

Giữa thế giới giàu sang vô độ này
cả nền thơ không thể cứu chuộc chúng ta
trong thế giới nghèo túng cùng cực này
một câu thơ cũng có thể cứu vớt chúng ta

Và, sống là mang tội nhưng bù lại, sống phải là một quá trình cống hiến tạ ơn.

“Ngụ ngôn mùa đông”, đoản khúc 7, tình yêu đương như một cứu rỗi. Nhưng không chỉ thế và không vì thế mà Inrasara đắm chìm vào đó. Anh thức tỉnh và mời gọi nàng thơ, người nữ của yêu đương anh:

Sẽ không chỉ em thức canh tình yêu chúng mình vào vụ
cùng em
tôi vẫn trên đường

(bđd., tr. 75)

Tôi vẫn ở trên đường! Tôi muốn tô đậm năm chữ này (tên tập thơ của Trần Xuân An, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1992) (1).

Hai khúc hoan ca tiếp theo, là sự phủ định những gì cạn cợt, hư vô, hư mất và vô định:

Chỉ kẻ đã chết đi xao động chiều ngày cạn cợt
chết ngọn khói hư vô còn vương bờ sông kí ức
chết than van hư mất ngày qua
chết bước đi vô định vào huyễn hoặc nỗi mơ
mới mong an nhiên giữa ngôn ngang cõi đất
và cất cao lời ca bát ngát
gởi vào tương lai xa

(bđd., tr. 76)

Là sự ngợi ca Tư tưởng, Ngữ ngôn đơn giản và Niềm vui:

mới mong đón nhận niềm vui ban mai
khai sinh trên miền cao Tư tưởng
nẩy mầm trong mùa màng Ngữ ngôn đơn giản

Trong thế giới thống khổ bạt ngàn
sẽ là niềm vui đến sau niềm vui cuối cùng

(bđd., tr. 75)

Cái chết cũng là một sự ra đi trong niềm vui của chính người đã hoàn tất sứ mệnh sống.

“Hoan ca giữa lòng cuộc đời II” là tiếng hát ngợi ca lao động, nhưng là sự lao động trên bề dày văn hoá, hay ít ra cũng là niềm vui sướng, “vui sướng được là hơi thở cho hạt mầm mãi làm huyền nhiệm”.

Diễn biến của cuộc hành hương và hành lễ tẩy trần tháng tư còn là một hành trình tiếp tục trong trường ca thơ này của Inrasara. Đây là “Khởi động của khởi động” (sđd., tr. 80-85):

Trước hết là cái vẫy gọi của phế tích hồi sinh:

Cái vẫy gọi của chênh vênh cánh tay gẫy tượng Shiva khoét rỗng
phần nửa chừng nụ cười bị sứt mẻ Apsara
dáng sắp nghiêng đổ tháp Yang Pakran
khúc gẫy gập sông Lu thình lình cạn nước
mới mong lay thân xác vô cảm chúng ta thức giấc

(bđd., tr. 80)

Kế đến, hình tượng một người đàn ông nào đó xuất hiện đằng sau đại từ “anh”. Anh ấy đã bỏ đi và đã trở lại:

Anh đã trở lại
bước chân lay động giấc ngủ tối tăm của chúng ta
bước chân nhẹ như lá lúa/ tỉ lệ nghịch định mệnh chúng ta
bước chân sẽ đến/ dù không ai biết lúc nào, ở đâu
không nói lên nợ nần/ gọi dậy tiềm lực
không đòi hỏi quá khứ/ đánh thức tương lai
đến nỗi bàn tay âm u nhất đưa ra
không ngại không ấm chân trời hồi đáp

(bđd., tr. 82-83)

Nhưng không thể sẻ chia, đồng cảm nổi với đề nghị của Inrasara:

Trong khởi đầu khó nhọc này
chúng ta vẫn là kẻ đứng ngoài rìa
thứ đồ cổ ngoài rìa cuộc sống sự vật đang hình thành
chúng ta được đo đếm/ thỉnh thoảng được sơn phết
chúng ta được xoa đầu/ được vỗ vỗ vào má
chúng ta được đem cất/ đôi lúc được bày ra
người ta ăn nói như thể rất có chúng ta/
vẫn như là chúng ta vắng mặt

(bđd., tr. 83)

Và lễ tẩy trần bắt đầu với nghi thức quan trọng nhất:

Nghiêm trang trước mặt trời thách thức, viên pháp sư tập đánh vần
ông đọc to từng tiếng một
LINGA… LINGAL… LINGAM… LIWA… LANGAL…
cuộc đánh vần lặp đi lặp lại gần hết đời đến mòn nhẵn
chữ chúng ta sạch
miệng chúng ta sạch
đất chúng ta sạch,
tâm linh chúng ta sạch

Heleh!
(bđd., tr. 84)

Đoản khúc cuối trường ca thơ là “Lễ tẩy trần tháng tư”. “Lễ tẩy trần tháng tư” là tên của đoản khúc thứ 10 này đồng thời là tên của cả trường ca thơ và cũng là tên của cả tập thơ.

Tiếng AUM (om) linh thánh của đạo Bà-la-môn vang lên, âm vọng suốt cả đoản khúc. Ngòi bút tả thực nhưng rất giàu khả năng biểu biện nội tâm và tâm linh của Inrasara được hiển lộ.

Khởi đầu trường ca thơ là tụng ca sông – nước. Dòng sông và nguồn nước sẽ tắm gội cho mọi người được trong sạch lại, mới lại. Kết của nó lại là lửa. Một cuộc tắm lửa của vị cả sư chủ tế diễn ra là sự thanh tẩy có tính tượng trưng. Vâng, con người sạch nhờ nước và sạch nhờ lửa:

Ông biến vào lửa Ông nhảy cùng lửa Ông là lửa
sạch lần cuối cùng/ sạch muôn ngàn lần nữa
cho thế giới một lần được sạch. Như thế

(bđd., tr. 89)

Lễ tẩy trần tháng tư giúp con người và cả thế giới sống lại, mỗi năm một lần, để còn sức sống và còn sức chịu đựng cuộc sống với tính nhị nguyên âm – dương của nó: Niềm vui – nỗi đau, sáng – tối…

Nếu LINGA – LINGAL – LINGAM… LIWA… LANGAL… (dương vật, cày, cái cày) là những âm vang bất tận ngợi ca phồn thực (hành dục và lao động để sinh sản và no đủ) thì AUM là âm vang tẩy trần linh thánh. Khi phát ra tiếng AUM, với người Bà Chăm, là sự giao cảm tâm linh siêu việt được thực hiện, là chan hoà trong cảm xúc thiêng liêng được thánh hoá trong sự trong sạch vô ngần. Đó là điều kiện cần và điều kiện đủ, cho mọi sự sống, cho mọi cuộc sống, cho cõi sống và cả cõi chết.

Hành trình tư tưởng của Inrasara cuối cùng vẫn là trở về với di sản văn hoá – tín ngưỡng nhân tộc mình, nhưng ở một tầm cao mới, một cách tân mới.

Trường ca thơ này, về mặt hình thức, khiến tôi nghĩ Inrasara đã tiếp nhận được ngôn ngữ điện ảnh trong thơ của nhà thơ Hy Lạp Yannis Ritsos (1909-1990) một cách sáng tạo. Yếu tố điện ảnh với nhịp điệu khẩn trương, căng thẳng ở những trường đoạn miêu tả – biểu đạt nghi thức và tâm thế hành lễ thật nhuần nhị, tinh tế, sinh động.

Đoá hoa sứ trắng thứ năm: Chuyện tôi

Trong tập thơ mới nhất của anh (2006), Inrasara hầu như đặt mọi sự quan tâm vào hình thức chứ không phải nội dung. Tôi nghĩ rằng Inrasara đang tự thể nghiệm những cách tân về hình thức và chưa thành công, cho dù đây là tập thơ thứ năm của anh: Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài tân hình thức (NXB Hội Nhà văn & Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 2006). Thậm chí, tôi hơi ngạc nhiên khi chính anh, một người có bản lĩnh, lại còn chạy theo một “mốt” cũ được tân trang. Thơ “vắt dòng” đâu có gì mới. Nó đã được thể nghiệm từ những năm thuộc nửa đầu thế kỉ XX. Nhưng thú thật, “vắt dòng” nếu không cực đoan và trong chừng mức nhất định vẫn tạo ra hiệu ứng mĩ cảm, còn “vắt dòng” kiểu tân hình thức là cả một sự khó chịu cho người đọc.

Thuở em ngủ quên trong đá, tôi
nghĩ có thể em có – tôi mơ
mộng em. Khi em ước thoát đời
đá, tôi tin em sẽ có – tôi

thèm khát em. Lúc em đòi rời
kiếp đá, tôi biết em chắc có
tôi khẽ chạm vào em. Tôi vỗ
mạnh vào em, em vỡ tiếng nói.

Em cất tiếng hát, khi tôi đánh
thức em. Em đã có – đường nét
và hình khối, dáng đứng với điệu
cười. Apsara Ap sa ra

(bài “Chuyện 12: Apsara”)

Khác với thứ “vắt dòng” phản mĩ cảm và phản ngữ pháp – ngữ nghĩa ấy, vắt dòng của Bùi Giáng như một nhấn mạnh, nghẹn ngào, cho dù trước ông chưa ai dám ngắt dòng ngay sau giới từ sở hữu “của”, mà quá lắm là ở liên từ “và” hay phó từ “cũng” (hay những từ có chức năng ngữ pháp tương đương):

Em chết trên bờ lúa
Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con

Chế Lan Viên trước đó, có “Trưa đơn giản” và sau này, có “Tập qua hàng”. Đến nay cách vắt dòng, ngắt dòng như thi sĩ Chế đã quá phổ biến. Nhưng sở dĩ nó được chấp nhận là vì, như đã nói, cách vắt dòng, ngắt dòng ấy vẫn tuân theo ngữ pháp thơ (tôi chưa nói đến ngữ pháp trong văn xuôi, vốn buộc phải nghiêm chỉnh hơn, kể cả văn tiểu thuyết (2) hay văn lí luận, phê bình).

Trưa quanh vườn. Và võng gió an lành
Ngang phòng trưa, ru hồn nhẹ cây xanh

Trưa quanh gốc. Và mộng hiền của bóng
Bỗng run theo… lá… run theo… nhịp võng
Trưa lên trời. Và xanh thẳm bầu trời,
Bỗng mê li, nằm thấy, trắng, mây trôi.
..
(“Trưa đơn giản”)

Chỉ một ngày nữa thôi
Em sẽ trở về
Nắng sớm cũng mong
Cây cũng nhớ. Ngõ cũng chờ
Và bướm cũng thêm màu trên cánh đang bay
.
(“Tập qua hàng”)

Tân hình thức, theo thiển nghĩ, là một sự cách tân không có cơ sở tri thức về ngữ học, cụ thể là mối tương quan mật thiết giữa ngữ điệu với ngữ nghĩa.

Lại có cả “H[ậu h]iện đại” ối trời! Có cả “chiết tự” phi lí sự đối với loại chữ kí âm bằng hệ chữ cái ABC(3)!

Bài “Thì H[ậu h]iện đại” của Inrasara chỉ là một sự bế tắc mới, khi thực hiện ý định cách tân hình thức thơ, đặc biệt là đổi mới nội dung thơ. Nó cũng thiếu vắng sự nhận thức về bản chất sự sống, đời sống, đi đến chỗ vô cảm trước sự sống, đời sống.

Tuy vậy, cả tập thơ đâu phải toàn là thơ tân hình thức “vắt dòng” kì quặc ấy. Tôi vẫn cho rằng bài “Chuyện 11. Chuyện tôi”, chuyện Inrasara kể về chính Inrasara, là đáng lưu ý nhất, đáng đọc nhất. Anh không những bị sợ hãi ám ảnh, sợ hãi biến anh thành phiếm (tào lao, bao đồng) và xô anh đắm vào vũng lầy cũ của chủ nghĩa hư vô. Bài thơ anh cho là “thi ca vắng mặt thi ca” này vẫn khiến tôi nhớ đến “Bài thơ không viết” (tập Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hoá dân tộc, 1997, tr. 5-6), một bài khá hay, cũng có đề tài gần như “Chuyện 11. Chuyện tôi”. Tôi nghĩ đến cách viết, vấn đề là hay. Mới mà không hay thì thường là quái dị. Xin trích một đoạn kết vẫn còn dễ cảm, và xin lưu ý, mỗi đoạn nhỏ thơ được viết hoa đầu dòng ở câu đầu, lưu ý cách “vắt dòng”:

Tôi đang làm gì là gì
nhà thơ nhà nghiên cứu nhà kinh
doanh hay miếng giẻ rách. Kiếp trước
chắc chắn tôi là chim kiếp sau
làm loài ếch có lẽ kêu ồm
ộp ngoài mưa

Trí thức không hẳn trí thức
truyền thống không thật truyền thống
thi ca vắng mặt thi ca

Tôi kêu ồm ộp trong mưa thật
to

Tôi đang ở đâu có gì
lang bạt chiều Hội An Hà Nội
lạnh run đêm Kumamoto
chết đói đường phố Kandahar
tôi bay sương mù Đà Lạt
1957 tôi đẻ ở Phan Rang
năm 1257 tôi sinh tại Mĩ
Sơn ngày 20 tháng 9 đúng
bảy thế kỉ sau tôi ra đời
trong làng vô danh tận Brasil

Tôi không bay nữa tôi không
còn phải kêu ồm ộp nữa. Tôi
bước đi
.

Tôi không thể viết tiếp về Đoá hoa sứ trắng thứ năm: Chuyện tôi.

Và tôi lẩn thẩn tự nghĩ: Nên chăng, tôi để trống phần kết của bài viết này? Một số vấn đề đã nêu ra ở bài thứ nhất cũng như ở bài thứ hai này, nên chăng, cần bỏ lửng? Bỏ lửng ở nhiều trường hợp là cách nói tối ưu nhất.

Inrasara không những là một nhà thơ, anh còn có bút lực của một nhà nghiên cứu, lí luận, phê bình… Hi vọng Inrasara sẽ lên tiếng.

*
Trần Xuân An
Viết từ 06:00 đến 18:08, ngày 09-9 HB9 (2009)

___________________________

(1) Sau thời điểm xuất bản tập thơ đầu tay của Inrasara, tôi có dịp quen anh, và được biết Inrasara đã đọc tôi rất kĩ (bởi tôi có ít nhiều viết về người Chăm).
(2) Ngoại trừ tiểu thuyết “dòng ý thức” của James A. A. Joyce (1882-1941), William Faulkner (1897-1962)…
(3) Ai cũng biết Inrasara có biên soạn từ điển, nghiên cứu ngữ pháp (đối sánh Chăm – Việt, Việt – Chăm).

11 thoughts on “Trần Xuân An: Inrasara làm sáng tên cho năm đóa hoa Champa của riêng anh 2/2.

  1. Anh Sara là nhà phê bình, anh đọc bài này chắc… vui chết!
    TXA viết có đầu tư, có tình. Nhưng anh viết những điều mà các nhà phê bình viết rồi. Nhất là 3 luận án thạc sĩ về thơ Sara.
    TXA còn sai nhiều chỗ:
    Tân hình thức và hậu hiện đại mà nói là “không có cơ sở tri thức về ngữ học” là rất cẩu thả. Đây là trào lưu của Âu Mỹ có ảnh hưởng lớn đến thế giới. Việt Nam chỉ đến sau thôi. Một triết học gia hay phê bình gia cỡ thật bự còn chưa dám nói câu đó.
    TXA còn không phân biệt nổi vận dụng, thử nghiệm với chạy theo. Nếu nói là chạy theo, thì phong trào Thơ Mới là chạy theo (mấy cụ đồ nho đã nói thế, nhưng Thơ Mới là cuộc cách mang thơ Việt). Làm thơ tự do không vần là chạy theo (những năm 60, Tố Hữu và rất nhiều trí thức cụ non nói thế, nhưng bây giờ hầu hết nhà thơ sáng giá đều làm thơ tự do không vần đấy chứ!). Và rồi tiểu thuyết Việt Nam vân vân đều chạy theo tuốt tuồn tuột. Chớ Việt Nam có sáng tạo chi mô!!!!
    Còn vài cái sai nữa… Công lao lớn nhất của bài viết này là tinh thần “chịu khó”.
    Vai lời góp ý, TXA vui lòng nhé.
    Lâm Xuân Vũ

  2. LỜI KHUYÊN TXA
    Có người thấy Vũ tui bàn hay quá, đã đề nghị tui chỉ thêm cái sai của TXA. Muốn lắm nhưng sợ thành dài vô ích. Tui chỉ đưa ra 2 cụ thể nhất:

    1- Khi tôi nói nhà thơ TXA viết “Tân hình thức, theo thiển nghĩ, là một sự cách tân không có cơ sở tri thức về ngữ học” là cẩu thả, đó là tui cố gắng dùng từ nhẹ nhất. Đúng ra phải là LIỀU. Phán một câu mà không chứng minh gì cả, thì một người đọc bình thường như tui cũng làm được cần gì nhà phê bình! Nhưng các nhà phê bình ở VN thích dùng chiêu này, để ra vẻ. Chán thế.
    2- Còn phán định “H[ậu h]iện đại” ối trời! Có cả “chiết tự” phi lí sự đối với loại chữ kí âm bằng hệ chữ cái ABC”! thì càng LIỀU LĨNH hơn nữa. Nhà thơ tập tò học làm phê bình này như quan tòa ở VN, phán bừa vậy thôi. “Kí âm bằng hệ chữ cái ABC” đâu phải của Việt Nam! Chiết tự cũng thế thôi, Âu Mỹ họ “chiết tự” từ khuya rồi (TXA cứ vào Google mà xem). Việt Nam yêu dấu của ta làm chữ quốc ngữ là “chạy theo” Âu Mỹ. Kí âm loại này cũng chạy theo Âu Mỹ nốt! Hà cớ chạy theo kì một thì phấn khởi hồ hởi, còn chạy theo kì hai thì “phi lí”?

    Lời khuyên chí tình: TXA làm phê bình cảm nhận đi, chứ đừng học đòi phê bình lí thuyết: Hậu hiện đại hay Tân hình thức như rứa nữa nhé, cha!

    *
    Thôi thì cũng cám ơn anh Sara đã tạo cơ hội cho Vũ tui được ra oai vài đòn phù phép dzui dzẻ.

  3. LXV thân mến
    LXV đùa và chỉ ra cái sai của bạn thơ Trần Xuân An tôi như thế là đủ rồi.
    Tôi đã rất cảm ơn bạn Trần Xuân An về bài này.
    Làm thơ đã khó, khó hơn là chạy in thơ thành tập; tìm được người đọc và người viết vài cảm nhận về thơ mình thì càng khó hơn nữa. Nay bạn thơ Trần Xuân An đã có một bài phê bình xuyên suốt 5 tập thơ của Inrasara đã xuất bản, thì không gì quí hơn. Dù chê dù khen, đều đáng quí. Dù đạt hay chưa đạt cũng rất đáng trân trọng.
    Cả lời bàn lại dù sai dù đúng cũng đáng quý cả.
    Xin cám ơn
    SARA

  4. Về thơ THT, đây là bức thư của nhà thơ KI vừa gởi về cho Sara từ Mỹ, xin phép đăng lại. Để phần nào trả lời câu hỏi của bạn Linh Mai và tạm quyết toán chi tiết về THT.
    *
    14-9-2009.
    Anh Sara thân,

    Thật ra lâu nay tôi cũng chẳng quan tâm tới những bài viết như vầy. Tân hình thức đi kèm theo nhiều yếu tố khác nhau, về ngôn ngữ và phong cách, tính truyện…. Vắt dòng cũng chỉ là 1 yếu tố thôi. Khác là ngôn ngữ bình thường không phải loại ngôn ngữ bóng bảy hay gọt dũa của thơ vần điệu và tự do. Nói ra thì khó hiểu. Cứ đọc bài thơ “Bún Riêu” của Gỷang Anh Iên thì mới rõ ngôn ngữ và phong cách tân hình thức khác xa với thơ tự do hay vần điệu mà vẫn hay. Cái hay này là của thơ tân hình thức. Với những người chưa hề thực hành loại thơ này thì họ sẽ không làm sao thấy được cái hay của thơ này. Khi họ không thấy thì làm sao thuyết phục cho họ thấy được, mà cũng đâu cần gì phải thuyết phục. Tôi nghĩ, cũng chẳng cần trả lời làm gì những lối phê bình vớ vẩn đó. Thơ tự nó có giá trị của nó, ai hiểu thì hiểu và không hiểu thì thôi. Cái khó của một dòng thơ mới là cần có thời gian thực hành và tài năng thật sự. Những tài năng thật sự họ sẽ phải tìm tới một loại thơ có khả năng thách đố họ. Tôi cho rằng những nhà thơ tht cần kiên nhẫn hơn, và đi tới chứ chẳng nên nản lòng. Anh Phan Khế rất thích thơ anh. Tôi cũng cho rằng, dù làm không nhiều nhưng thơ tht của anh đứng riêng biệt và có giá trị.

    Những thơ Bùi Giáng hay Chế lan Viên về ngôn ngữ và phong cách chẳng dính gì tới tht cả. Còn vắt dòng, thơ tự do cũng đầy rẫy cả. Là 1 kỹ thuật đã có cả 4 thế kỷ trước của thơ phương Tây, cả Anh lẫn Pháp. Sau này thơ tự do và thơ không vần tiếng Anh dùng nhiều và thường xuyên hơn. Như vậy vắt dòng đâu phải độc quyền của thơ tht. Thơ tổng hợp nhiều yếu tố, chứ ngắt ra 1 yếu tố rồi chê bai thì vớ vẩn quá. Thơ hay thì tự nó hay, chê cũng không làm nó thành dở được.

    Tôi nghĩ, điều chúng ta quan tâm là việc làm chúng ta đang làm.

    Thân,

    KI

  5. 09:09, 15-9 HB9

    1) Đây là một bài phê bình thơ, không phải là một bài nghiên cứu. Tôi chưa đọc những luận văn cử nhân, thạc sĩ viết về thơ Inrasara, vì đó là những văn bản chưa công bố rộng rãi để tôi có thể tìm đọc. Trên điểm mạng toàn cầu Inrasara cũng chỉ có vài trang và một bản mục lục. Vả lại, tôi bỏ lửng vấn đề vì lí do tế nhị. Tuy bỏ lửng, nhưng tôi vẫn tuân thủ nguyên tắc gợi mở: tôi đã cung cấp dữ liệu ngay trong bài viết của tôi để ai cũng có có thể lí giải. Tôi cũng viết rõ: Hi vọng Inrasara lên tiếng (tất nhiên là lên tiếng một cách đàng hoàng với sự tôn trọng người đọc, người viết trong giới cầm bút).

    2) Bài viết này tôi đã gửi đến Inrasara ngay sau khi viết xong, vì tôi ngại động chạm đến những vấn đề tế nhị, nhạy cảm…

    3) Hai câu dưới dưới đây không có gì sai: “Tân hình thức, theo thiển nghĩ, là một sự cách tân không có cơ sở tri thức về ngữ học, cụ thể là mối tương quan mật thiết giữa ngữ điệu với ngữ nghĩa (3).

    Lại có cả “H[ậu h]iện đại” ối trời! Có cả “chiết tự” phi lí sự đối với loại chữ kí âm bằng hệ chữ cái ABC (3)!”.

    Chỉ xin lưu ý giúp:
    – Vấn đề nêu ra đã được giới hạn lại (chỉ bàn về khía cạnh “vắt dòng”)
    ““H[ậu h]iện đại” ối trời” chứ không phải là “hậu hiện đại”.
    – Đã có cơ sở lí giải sơ bộ ngay trong hai câu ấy, gồm cả chú thích (3).
    – Ở các đoạn trên, tôi đã khen hơi quá lời một chút để ở đoạn cuối, chê hơi nặng lời một chút. Và dẫu chê Inrasara, tôi cũng đã giữ thái độ khiêm tốn, lịch sự (“thiển nghĩ”, “lẩn thẩn tự nghĩ”).

    4) Các ý kiến thuộc mục lời bàn, thường là không nghiêm túc hoặc quá sơ sài.

    5) Tôi im lặng chỉ có nghĩa là tôi không muốn nói thêm. Thiết nghĩ, một bài phê bình thơ như vậy là đã quá đầy đủ.

    Trần Xuân An

  6. 17:21, 15-9 HB9
    Nghe đọc thơ tân hình thức qua các tệp MP3
    trên điểm mạng toàn cầu “Thơ tân hình thức”
    (thotanhinhthuc.org):

    Nếu thơ tân hình thức vẫn được đọc diễn cảm (đọc lên thành tiếng, có biểu cảm qua ngữ điệu, vẫn tuân theo ngữ pháp) như thơ tự do, thơ văn xuôi, thì việc chia một bài thành nhiều khổ, mỗi khổ 4 dòng, hoặc chia một bài thành nhiều đoạn, mỗi đoạn nhiều dòng (như thơ bình thường hiện nay trên các báo, tạp chí), nhưng lại tùy tiện xuống dòng, để làm gì?

    Nên chăng, trình bày (sắp xếp) bài thơ tân hình thức như bài thơ văn xuôi trong khuôn khổ cột báo (columns). Như vậy, dễ đọc hơn, và không vi phạm luật tắc ngữ pháp, ngữ điệu về ngắt câu, xuống dòng, cách đoạn.

    TXA.

  7. Trong bài phê bình của TXA về thơ Sara, có chi tiết rất vui nhộn. Ông viết:
    “Anh không phải là người khởi động trào lưu đổi mới, cách tân thơ, nhưng Inrasara sớm được nhiều người trong làng thơ trao cho anh nắm giữ ngọn cờ (LXV nhấn) ấy. Thoát khỏi sự rụt rè ban đầu, Inrasara ngạo nghễ phất cao ngọn cờ, không những bằng thơ, mà còn bằng cả loạt bài lí luận, phê bình”

    Tôi mới chợt nhớ ông Mang Viên Long khi không nổi hứng nói xỉa Inrasara rất vô tư hồi năm ngoái:
    “Inrasara có lẽ đã cho mình (LXV nhấn) là một trong vài nhà thơ tiên phong trong “cách tân, hiện đại hóa” của Việt Nam – có lẽ điều đó còn quá sớm – và không phải lúc.

    Tôi chưa hề dòm thấy Sara “có lẽ đã cho mình” như rứa ở mô cả. Thiên hạ cho hắn đấy chứ. Nào là “thiên tài”, “nhà thơ hàng đầu”, “xuất hiện như một huyền thoại”, “hiện tượng đa dạng”, “kì nhân trong làng viết”, “một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay”… nhiều lắm. Và hắn đã chổi bải bải. Như đã chối danh hiệu “nhà thơ đại biểu dân tộc Chăm” (“Thơ, viết & nghĩ”).

    Vậy mà hôm nay TXA lần nữa viết “được nhiều người trong làng thơ trao cho anh nắm giữ”. Hết “nắm giữ” lại “phất cao” cái ngọn cờ kia. Nhân vụ này tôi mới đánh dây thép dò hỏi, Sara trả lời vui là: Trời đất, tưởng gì chớ, nắm với phất mấy thứ đó thì mỏi tay chết!
    Lam Xuan Vu

  8. nhà thơ ơi !cứ mỗi lần con ghé qua trang web của nhà thơ thì hình như bị lỗi phông chữ nên con đọc không được ,tiếc quá.

  9. Bạn thân mến
    Không phải lỗi Font chữ, mà do máy bạn dùng không cài Font Unicode.
    Bạn nhờ thợ cài lại là xong.
    Vui nhé!
    Thân
    SARA

  10. 16:49, 01-10 HB9 (2009)
    VIẾT TIẾP ÍT DÒNG VÀO CHỖ BỎ LỬNG

    Tôi cảm thấy có chút gì đó không yên tâm, như thể mắc nợ Inrasara ở chỗ bỏ lửng trong bài viết, mặc dù bỏ lửng có cái hay của nó.

    1. Đọc thơ Inrasara, người ta có cảm tưởng là anh ấy viết bằng một thứ tiếng Việt hiện đại và hình như đánh mất nét hồn hậu đáng yêu thường thấy ở các cây bút nhân tộc ít người trong đại gia đình các nhân tộc Việt Nam. Điều tiếc nuối ấy là bởi ta muốn có một nhà thơ như Rasul Gamzatovich Gamzatov của Daghestan (tác giả “Đaghextan của tôi”). Tuy nhiên, mỗi người, mỗi nhân tộc đều có mặt ưu, mặt nhược của mình. Và thật ra, không có gì rắc rối lắm, vì chúng ta đều biết:

    — Nhân tộc Chăm vốn có một nền văn hóa lâu đời.

    — Nhân tộc Chăm là một trong 3 nhân tộc ít người ở Việt Nam sinh sống ở miền xuôi, chan hòa mật thiết trong mọi lĩnh vực với người Kinh, không phải là nhân tộc sống ở miền núi như nhân tộc của thi sĩ Rasul Gamzamovich Gamzatov.

    2. Tại sao Inrasara có biên soạn, nghiên cứu đối sánh ngữ pháp Chăm – Việt, Việt – Chăm, lại chấp nhận và làm thơ kiểu tân hình thức? Mỗi con người đều có hai bán cầu não, một bên mạnh về tư duy lí tính (luận lí), một bên mạnh về tư duy cảm tính (hình tượng). Khi nghiên cứu vận dụng não bộ phía bên này, lúc làm thơ lại vận dụng não bộ bên kia.

    Ngoài ra, một điều khác, thơ tân hình thức là một sáng tạo không có cơ sở tri thức ngữ học, tôi đã viết rồi.

    Thêm ít dòng vắn tắt ở phần lời bàn (comment) như vậy.

    Trân trọng & thân ái,
    Trần Xuân An

  11. Quảng Tân
    Ông TXA có 2 cái hớ, cả 2 đều to cồ.

    1- Ông đòi nhà thơ Inrasara phải đậm đà bản sắc Chăm để được hồn hậu đáng yêu (thế thơ Sara thông minh đáng ghét à?). Thế nào là đậm đà Chăm chớ? Ông nên nhớ là dân tộc Chăm có chữ viết từ rất sớm, nên họ có thể đã có triết học, hay ít ra biết suy tư triết học cấp hơi bị cao. Nhân tộc Chăm lại tiếp nhận văn minh Ấn nữa, mà triết học của dân Ấn thì miễn bàn. Sự việc này có vật chứng là các trường ca cổ của Chăm rất đậm đà triết lý.
    Nhà thơ Inrasara tiếp nhận “truyền thống” đó, rồi thì anh còn “hiện đại” bằng cách đã đọc khá là mọt sách triết học Tây phương.
    Vậy mà đòi anh ta đậm đà như Gamzatov quả là điều không thể (ông này vẫn còn suy tư cụ thể, trong khi Ấn suy tưởng siêu hình, tư biện,… đủ cả). Còn bắt anh Sara làm thơ đậm đà như các vị dân tộc thiểu số ở phía Bắc thì khác nào cho anh ta mồi mà không cho bia!
    Điều này may cho ông TXA là ông biết ăn năn hối cải, và sửa chữa kịp thời.

    2- Hớ thứ 2 về khăng khăng tân hình thức không có cơ sở tri thức gì gì đó thì ông vẫn cố thủ mới… buồn cười. Tiếng Việt thì nhà thơ Khế Iêm mới viết đúng 1 tập. Nên muốn phán về lý thuyết tân hình thức, ngài phải đọc hết các sách lý thuyết về phong trào thơ này ở tận… Mỹ. Còn chưa đọc gì cả mà phát ngôn vu vơ thế thì rất vớ vẩn.

    Lời cuối (cho ngài): Ông TXA chớ có nói vơ là hễ ai viết Comment đều không nghiêm túc. Họ nghiêm túc đầy ra đó, ngài ạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *