Inrasara: Tiếp nhận thông điệp từ nhà văn – nghệ sĩ Lê Anh Hoài qua tập thơ Mảnh Mảnh Mảnh

* Ảnh của bạn FB ở Buổi Giao lưu với Lê Anh Hoài tại Nhật Nguyệt Coffee Shop, Sài Gòn, 2-11-2014.Sara-LeAnhHoai-2-11-2014

Từ mở mắt chào đời, tôi được bú mớm văn hóa Cham, nền văn hóa đẫm chất hậu hiện đại, nhất là qua câu chuyện kể trong các lễ Rija. Lớn lên, tôi tự dưỡng nuôi trong các tuyệt phẩm của Phật giáo Thiền tông, Krishnamurti và Heidegger ở đó tinh thần hậu hiện đại ngập tràn. Vào Sài Gòn, tiếp xúc với nhóm Thơ Tự do, tôi biết và bắt đầu làm quen với chủ nghĩa hậu hiện đại qua các tiểu luận của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, sau đó trực tiếp đến với Foucault, Derrida, Deleuze…

Thế nhưng có thể nói, chính thi sĩ Bùi Chát đã dẫn tôi nhập lưu tinh thần sáng tác hậu hiện đại. Tự nhận điều này với người viết trẻ bằng nửa tuổi mình, không ít người cho tôi khiêm tốn giả, nhưng lạ, đó lại là sự thật. Viết giới thiệu tập thơ đầu tay của Bùi Chát: Sáo chộn chong ngày, đưa bản nháp cho bạn trẻ đọc, anh nói: “Anh Sara vẫn còn quan niệm thơ hệt NHHM”. Thế thôi, tôi đã hoát ngộ!

Tôi đọc lại lần hai, lần ba tập thơ, và viết rất bay…

Từ đó, tôi tự nhận mình có thể đọc thủng mọi tác phẩm hậu hiện đại vừa ra lò nào bất kì.

Tôi hào hứng theo dõi sáng tác hậu hiện đại của các văn nghệ sĩ thế hệ đi sau, ở đó xuất hiện vài tài năng vô cùng độc đáo. Lê Anh Hoài là một.

Sara-LeAnhHoai

Chúng ta đã từng biết đến Lê Anh Hoài-nghệ sĩ qua nghệ thuật trình diễn với tác phẩm “Tôi Là Cột Điện” gây xôn xao dư luận thủ đô một thời. Cũng Lê Anh Hoài-nghệ sĩ ấy đã khiến kinh ngạc dân Sài Gòn qua siêu phẩm “Cắt” vừa hiện thực vừa đẫm chất báo động tại Không gian Khoan cắt Bê-tông. Hôm nay, Lê Anh Hoài-thi sĩ lần nữa làm cho chúng ta bất ngờ bằng tập thơ đa ngữ: Mảnh Mảnh Mảnh.

Đa ngữ không phải hướng tâm: nhà thơ mời dịch/ tự dịch thơ mình ra ngôn ngữ trung tâm như tiếng Anh, Pháp đang làm phong trào thời thượng mươi năm qua, mà là tổ chức chuyển dịch nó sang tiếng dân tộc ngoại vi, hay thứ chữ hiếm người dùng: chữ Nôm, tiếng Khmer, tiếng Lô Lô, tiếng K’Ho. Lê Anh Hoài ngược thời, lập dị theo cách động phản lại cuộc sống hời hợt đương thời, một lối lập dị bất ngờ, thú vị.

Sara-LeAnhHoai03

Không nên và không cần thiết phải tìm đoạn hay bài thơ hay trong tập Mảnh Mảnh Mảnh. Thơ hậu hiện đại không ý đồ làm chuyện đó. Thi sĩ hậu hiện đại chỉ bày tỏ hành vi thơ qua tác phẩm. Và ở đây, nó là một ý niệm. Ý niệm đó đánh thức chúng ta, buộc chúng ta ngoảnh lại những vùng đất với nền văn hóa và con người bị bỏ quên, những tiếng nói ngoại vi đang bị lãng quên.

Càng không nên kiếm tìm hiệu quả từ hành vi ấy. Chính tác giả cho biết, sau một năm kí gửi ở một hiệu sách, một cuốn Mảnh Mảnh Mảnh duy nhất bán được. Công chúng cả nước đã thế, với người đồng bào thiểu số có ngôn ngữ được chuyển dịch trong tập thơ, con số coi như bằng không.

Đó là hành vi thơ vô vọng, có thể nói thế. Như hòn sỏi ném vào khoảng trống không tiếng phản hồi.

Dẫu sao, hành vi thơ kia là một thông điệp. Cho dù nghệ sĩ hậu hiện đại không ý đồ đưa ra thông điệp, nhưng để làm gì – tác phẩm nghệ thuật, nếu nó không mang ở tự thân một thông điệp nào đó? Lê Anh Hoài là kẻ chơi, dám và biết bày trò chơi, và chơi đùa trong nó. Anh rủ rê chúng ta nhập cuộc chịu chơi. Sau mỗi cuộc chơi, người đọc mơ hồ biết mình vừa nhân được một thông điệp. Thông điệp mời gọi nhiều diễn ngôn khác nhau.

Nếu “Cắt” đánh thức chúng ta về thời sự xã hội cực nóng để chúng ta luôn ý thức về cuộc sống cộng đồng; thì “Tôi Là Cột Điện” về đồ vật thường nhật qua đó ta thức nhận hiện sinh của mình trong tương quan với thế giới xung quanh; và Mảnh Mảnh Mảnh về thứ ngôn ngữ bị quên lãng, ngôn ngữ như là tài sản vô giá của một dân tộc.

Và hơn thế nữa…

Những thông điệp không hề nhỏ ấy được chuyển tải qua thủ pháp/ phương thức mới lạ tạo ấn tượng đậm, sâu chứng tỏ sức sáng tạo mãnh liệt của Lê Anh Hoài – một tài năng đa dạng, sẵn sàng cho những tác phẩm lớn khác. Ở thì tương lai.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *