Hàn Anh: Nhà thơ Inrasara: kẻ lãng du qua miền gió cát…

Là con cưng của làng Chăm Chakleng – Mĩ Nghiệp, ngôi làng Chăm duy nhất có tên trên bia kí cổ Champa, Inrasara được mọi người biết đến với tư cách là một anh nông dân chính hiệu, một nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, hay một nhà thơ? Có lẽ, còn hơn thế nữa, khi anh kiêm luôn công việc dịch thuật và viết phê bình văn học. Cũng chẳng có gì to tát vì anh muốn mọi người gọi anh đơn giản: Sara! Thế nhưng, việc nào cũng ra ngô ra khoai hẳn hoi: đoạt 2 giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam với tập thơ Tháp nắng (1997), Lễ tẩy trần tháng Tư (2003), rồi rinh luôn giải Văn học Đông Nam Á với tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư (2005). Vừa rồi, anh lại trình làng tập tiểu luận, phê bình: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, gây cho độc giả không ít tò mò lẫn thú vị.

Inrasara, tiếng Việt có nghĩa là Phú Trạm, tức là sự ra đi. Có lẽ thế nên từ nhỏ, anh thích lang thang chứ ít chịu quẩn quanh ngôi nhà hay làng quê nghèo khó, bé nhỏ của mình. Rồi lớn lên, học trường nội trú, vào những ngày cuối tuần anh lại hối hả theo chân những đứa bạn đến các ngôi làng khác để khám phá những điều mới lạ, bất ngờ thay vì về thăm gia đình. Hè đến, thời gian rãnh rỗi, anh càng thoả chí cho nỗi đam mê của mình. Anh thích những con chữ, nhất là trường ca Chăm, nên anh chú tâm lắng nghe và ghi chép.
Một hôm, đứa học trò hay “cãi” đã suy ngẫm rất lâu trước câu phát biểu của một nhà xã hội học Pháp nổi tiếng Paul Mus: “Văn học Chăm có thể chỉ tóm gọn trong khoảng 20 trang sách”, điều này có nghĩa là văn chương Chăm chẳng có gì! Lúc đó, Sara mới học lớp 9 biết điều đó là sai, tức lắm. Sara tìm cách chứng minh ngược lại nhưng: “Chỉ biết đi bằng lòng tin mà thôi” vì chưa đủ “lí”. Vì thế, như con ong cần mẫn, anh thu nhặt tư liệu rồi dịch. Chữ Chăm vốn khó, đọc văn bản Chăm lại càng khó. Thì cố gắng hết sức thôi. Vì Sara ý thức rằng lúc này, công việc sưu tầm không đơn thuần là sở thích nữa mà nó có chủ ý rõ ràng, nó gắn với lòng quyết tâm và một chút tự ái, tất nhiên!
Sau khi giải phóng, anh không còn được nhận học bỗng nữa, nhà nghèo quá, hai anh em Sara đều phải bỏ học. Từ đấy, anh lao vào những chuyến đi, ngày càng say sưa, mê mải hơn.
Từ 30 tuổi trở đi, khi cuộc sống có phần dư dả, anh tổ chức 3,4 lần/năm mời các cụ già trong làng, các giáo sư, các nghệ nhân (tối đa là 15 người) đến nhà mình nói chuyện, thảo luận về phong tục, tập quán, ý kiến của họ về các tác phẩm văn chương, chữ nghĩa. Anh đặt câu hỏi, gợi ý cho moị người thảo luận, phát biểu chính kiến. Nhiệm vụ của anh là… im lặng, ghi chép cẩn thận. Để rồi, hàng loạt tác phẩm dần dần được khai sinh với bao giải thưởng. Sara còn là chủ biên Tagalau (tuyển tập sáng tác-sưu tầm-nghiên cứu Chăm) đến nay đã ra được 6 số. Dù lỗ 7-10 triệu/số, anh cũng cảm thấy rất hài lòng bởi vì: “Tôi thích tuyển tập này còn hơn tác phẩm riêng của mình vì nó là của đồng bào: bà con cùng viết, cùng đọc. Tôi nghĩ giao lưu văn học rất cần thiết cũng như tạo nơi gặp gỡ, họp mặt những người anh em Chăm lại càng phải cấp bách biết bao”.

– Có thể nói, văn học và ngôn ngữ tôi đã làm tròn nhiệm vụ nhưng có lẽ còn mắc nợ âm nhạc Chăm. Năm 1998, tôi đã tập hợp được toàn bộ tư liệu cũng như thu hình, thu tiếng của tất cả nghệ nhân trong các làng khác nhau; gắng tìm một nhạc sĩ có khả năng cũng như ham mê nghiên cứu âm nhạc Chăm trên phạm vi cả nước nhưng chưa có, vì tôi không am hiểu âm nhạc lắm. Tôi biết rằng, nhiều người biết âm nhạc Chăm có giá trị rất lớn nhưng không biết nó lớn như thế nào. Tôi nghĩ nếu nghiên cứu hoàn chỉnh thì thành tựu của nó còn to lớn hơn những gì tôi đã làm. Ngoài ra, tôi cho rằng, người nghiên cứu không nhất thiết là dân tộc Chăm nhưng họ phải tiếp cận với tài liệu của tôi và sống ít nhất nửa năm với đồng bào thì mới được.
Ngày trước, Sara làm việc như điên vì nhà nghèo quá. Khi cưới vợ, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Nào là trồng rau muống, bán cà phê, dạy học, đi buôn… nghề nào cũng cực khổ, cũng gặp không ít thất bại. Trồng rau thì làm gì đủ sống cho cả đại gia đình, vào miền Tây bán vải thổ cẩm cho đồng bào thì thất bại thảm hại vì bà con nghèo, không có tiền trả; nên lỗ vốn, trắng tay… Thế mà giờ đây, hai vợ chồng đã có cơ ngơi vững chắc tại Sài Gòn: thành lập Công ty TNHH thổ cẩm duy nhất ở Việt Nam, lại còn đưa sản phẩm này đến nhiều nước khác trên thế giới.

– Thổ cẩm là nghề truyền thống của Chăm, từ xưa đến giờ chỉ sản xuất tự cung tự cấp hoặc bán lẻ cho người dân tộc thiểu số Tây nguyên. Có lẽ, bà con ở đây làm việc theo kiểu được chăng hay chớ cho nên thu nhập không bao nhiêu. Năm 1992 khi đất nước mở cửa, chúng tôi nghĩ rằng thổ cẩm có thể bán được nên mới đầu tư. Từ vải thô chúng tôi biến nó thành hàng hoá với hơn 200 chủng loại khác nhau, được nhiều khách nước ngoài ưa chuộng. Thành công này nhờ tôi mua… cả trăm cuốn sách kinh doanh để mày mò, nghiên cứu và ứng dụng.
Làm kinh tế giỏi như thế, ai ngờ Sara làm thơ vẫn rất “ngon lành”, vẫn đoạt giải thưởng, chứng tỏ bên cạnh một Sara quyết đoán là một Sara nhạy cảm, tinh tế không kém. “Có lẽ vì óc tôi chia nhiều ngăn” (cười). Anh tâm sự: “Tôi luôn sống ở đường biên: đường biên văn hoá Đại Việt với Champa, đường biên ngôn ngữ Chăm với ngôn ngữ Việt, đường biên văn minh Tây Phương với Đông Phương, đường biên nghiên cứu với thơ ca…

* Ra mắt tập tiểu luận mới: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, thế anh thấy mình đã đủ cô đơn để sáng tạo chưa?
– Tôi nghĩ cô đơn trước tờ giấy trắng là rất quan trọng và nhất là cô đơn sau khi hoàn thành xong tác phẩm lại càng quan trọng hơn. Nhưng tôi thấy có nhiều người trước tờ giấy trắng vẫn chưa cô đơn. Họ bị ám ảnh bởi một giọng mơ hồ nào đó cũng như bị chi phối nhiều bởi các tác động bên ngoài.

* Vì sao anh cho rằng thơ trẻ hiện nay đang khủng hoảng?
– Có thể phân thơ trẻ hiện nay thành 4 nhóm: nhóm thứ nhất, trung thành với khuynh hướng truyền thống. Loại thơ nhàn nhạt, thỉnh thoảng có vài tứ mơi mới nhấp nháy lên; chúng đang tạo khủng hoảng thừa trong mặt bằng thơ ca hôm nay. Nhóm thứ hai nỗ lực cách tân riêng lẻ, có ý thức làm mới; tôi thấy đã có vài thành tựu đáng hoan nghênh. Nhóm thứ ba gồm một số nhà thơ đi theo con đường thơ hậu hiện đại. Nhóm thứ 4 là nhóm thơ nữ: luôn cố gắng “gồng” mình trong phát ngôn, ngổ ngáo trong giọng điệu, mạnh bạo trong ngôn từ,… đã tạo ảo tưởng cho các nhà phê bình không chuyên rằng đấy là cách tân thơ. 4 dòng đó đang tạo khủng hoảng thơ ca hôm nay.

*Theo dõi thơ trẻ ở các nước khác, anh có nhận xét gì?
– Tôi thấy không khí thơ trẻ ở Pháp đặc biệt là Mĩ đang diễn ra khá sôi nổi. Theo dõi một số cây bút: có quyết liệt, dữ dội, có mực thước, tinh tế. Tuy nhiên, với thể loại thi ca, mỗi tác giả dẫu sao cũng cần có lưng vốn 2-3 tác phẩm, cần đợi thêm một thời gian nữa mới nhận được giọng điệu riêng, từ đó khẳng định giá trị.

* Anh là một kẻ khác người?
– Ngay từ nhỏ, tôi luôn muốn làm khác, chỉ đơn giản vậy thôi. Cũng một bài toán, tôi thường tìm cách giải bằng nhiều cách khác nhau. Tôi thấy rất thú vị khi làm như thế. Ai ngờ khi bước chân vào con đường sáng tác sau này, tôi cũng không chừa thói tật ấy. Tôi thích các tác giả mang phong cách lạ. Dù chuộng mới nhưng không phải vì thế tôi nới cái cũ, ví dụ như thơ Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư chẳng hạn. Tôi cho rằng điều cốt lõi vẫn là giọng điệu của nhà thơ, hay nói như một nhà phê bình: kẻ sáng tạo phải tìm thấy MÙI VĂN của mình. Cái đáng chú ý đầu tiên là tránh đụng hàng. Đáng nói là nhiều cây bút trẻ ảnh hưởng quá nặng các thi sĩ đã khẳng định tên tuổi; nếu họ không dám cắt, bỏ những câu chữ, ý tứ vay mượn ấy thì khó mà tồn tại như một tác giả.

* Anh có nghĩ rằng thông minh thì làm thơ sẽ hay?
– Không, tôi nghĩ thông minh giúp ta tránh được việc đẻ ra những câu thơ vụng, tứ thơ dở; còn làm thơ có hay hay không thì chẳng liên quan gì đến việc thông minh hay kém thông minh cả.

* Anh sẽ ra tập thơ trong năm nay chứ?
– Tôi luôn luôn ảo tưởng như thế… (cười)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *