‘Mưgru panôic thattiak’: “Học lời chân thành”, và ‘Apan panôic thattiak: “Giữ lời chân tình” là 2 ngữ cốt yếu trong Ariya Glơng Anak.
Chuyện vui.
Tôi biết, rất nhiều Cham muốn, nhưng không dám tìm đến gặp tôi. Mà họ có nhỏ em đâu, đã tứ hay ngũ thập rồi. Vả lại, tôi có khó tính gì cho cam, thoải mái và vui vẻ nữa là khác. Một bạn học tôi thời Pô-Klong, đã phải nhờ yut Đảo “giới thiệu” xin được gặp, để chụp ảnh với ông… Inrasara!
Hồi năm 2019, tôi đi các nước dài ngày về, chuyện chung – vậy mà chả ai đến gặp tôi hỏi han cả, ở đó có mỗi thầy… Nguyễn Văn Tỷ!
Khi ta có ‘panôic thattiak’: “lời chân thành, chân tình”, với ít tâm “dũng cảm” và tinh thần cầu học, ta có thể đến gặp sinh linh nào bất kì, mà không e dè, ngán ngại.
Chuyện tôi.
[1] Trường Cham từ An Phước về Pô-Klong ở thị xã Phan Rang, tôi nhờ yut Đảo dẫn qua nhà cụ Thiên Sanh Cảnh, học giả nổi tiếng Cham thời đó, mang tiếng khó tính nữa.
Sự thể diễn ra khá bất ngờ: Khi ấy cụ vừa mổ mắt, vậy mà cụ đã ngồi dậy, nấu nước pha trà, rót đãi tôi, một cậu bé… 13 tuổi.
[2] 15 tuổi, cuối tuần yut Chế Đạt rủ tôi qua Phước Nhơn chơi. Tôi liền làm quen với ông Nguyễn Tùng, là cha của thầy Tỷ – HIệu trưởng Pô-Klong khi ấy [Đạt là em út trong nhà]. Và ông tiếp tôi như thượng khách.
Chính ông đã đọc trường ca triết lí: Ariya Nau Ikak cho tôi nghe. Tôi khen đáo để, và nhờ ông đọc lại. Tôi thuộc lòng trường ca này ngay khi ấy.
[3] Hồi Pô-Klong, thầy Đàng Năng Quạ “không ưa” tôi, dù tôi rất mê thầy. 22 tuổi lang thang từ Nha Trang quy hồi cố hương, tôi qua thầy mượn được mớ sách [là điều thầy chưa từng].
Sau này vào làm việc ở Đại học, mỗi bận về tôi đều ghé thầy, thúc thầy làm tuyển tập Ca khúc Đàng Năng Quạ. Thầy hết hẹn, rồi khất, tôi nói: Mỗi bận về, thầy phải có 1 ca khúc cho tôi, không cần nhiều mà chỉ 1 thôi – tôi đưa bút và tập kẽ nhạc cho thầy.
Cả Trà nữa, chúng tôi kéo nhau qua Danao Ji nơi thầy đang về vườn, làm vài xị rượu với rô con nướng. Thế thôi mà thầy đã cày xong 12 bài để sau này cho ra mắt tập nhạc riêng [chuyện dài, đã kể trên Chamyouth, 2005].
[4] Cuối cùng là ông Châu Văn Mỗ, “thứ trưởng” Bộ Phát triển Sắc tộc.
Ông tiếng khó tính ngang cựa cụ Thiên Sanh Cảnh, vậy mà khi mãn hạn tù về, tôi thường xuyên ghé như “người bạn” tâm sự nỗi niềm.
Sau đó tôi từ Ban Biên soạn sách chữ Chăm về, sắm vai “thư kí” Hội Bảo thọ làng [nơi ông Hội trưởng] để cùng thầy Quảng Đại Hồng làm vài thứ lợi ích cho quê nhà.
Tại sao ngại, khi ta đến với người bằng tâm sạch cùng ‘panôic thattiak’: “lời chân thành, chân tình”?!