Ở tiểu thuyết sử thi Con đường vô tận-1991, tôi tưởng tượng cảnh ông Ariya Glơng Anak từ hải đảo trùng khơi nhiều bất trắc, trở về với và giữa lòng dân tộc. Ông ‘ưn’ nhẫn nhục tối đa với kẻ thù, ‘palai tung tian’ mở lòng với đồng tộc, và khiêm cung khởi đầu từ cái nhỏ nhất [đoạn cuối của trường ca], để có hi vọng nhỏ bé mới. Phần mình, chấp nhận cái cô đơn đến lạnh người.
Thế nào là ‘palai tung tian’?
Tôi dịch cụm từ này là: “giải sân hận”, hay “bao dung”, thế nhưng tinh nghĩa hơn, nó phải là “tình thương”. Khi tâm ta không còn chút giọt sân hận, ta mở lòng ra với tất cả, thì TÌNH THƯƠNG hiện đến. Ngay tức thì!
Tình thương hiểu theo nghĩa uyên nguyên của Krishnamurti.
Phật tử hỏi Minh Tuệ, bị chửi rủa, bị mỉa mai hay xuyên tạc, thầy có ghét bỏ họ không? Ông trả lời: Con xem họ như cha mẹ con, con cầu cho họ được hạnh phúc.
Tôi, với Cham – cũng hệt:
Hãy yêu hãy yêu như ta chưa từng
Đứa con đi xa bỏ hoang làng mạc
Mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
Và hãy yêu hơn con người chân chất
Sống một đời ôm mang đất – phù du (Tháp nắng, 1996)
Tình thương – NÓ tràn đến, ngày càng tràn ngập cõi tôi. Lắm lúc nó khiến tôi đông cứng lại, đến tôi không muốn nói, viết hay làm gì cả. Không chủ trương, không cố ý, không mời gọi, NÓ cứ xảy đến, vậy thôi.
Tôi coi mỗi Cham như một sinh linh sống sót đầy thương cảm.
Tôi hiểu tâm thế nhiệt nồng của thế hệ trẻ Cham hôm nay trong nỗ lực đến tuyệt vọng muốn bảo vệ danh dự Cham, bảo tồn văn hóa Cham; tôi hiểu như hiểu tuổi trẻ tôi đã từng như thế với sự cảm thông đầy tình yêu thương trìu mến.
Nỗi khổ của các bà mẹ Cham, sự bất lực của các cụ già Cham, cái cô đơn của đứa con của Đất tha hương… tôi hiểu và yêu họ hơn bao giờ.
Tình thương xảy đến với tôi, từ lâu lắm. Tôi từng thể hiện nó đây đó vài lần trong thơ văn. Bàng bạc, chập chờn. Hôm nay, NÓ đến, lồ lộ. Hè vừa qua, nằm cô đơn ngoài sân Thang Tông Jaka nhìn vào bao la màu trời đêm, nó lại đến.
Tôi thấyngôi nhà trôi đi cùng cây cối trôi đi. Tháp nắng, Chân dung Cát… trôi đi. Anh chị em tôi, dư ảnh cha mẹ tôi, vợ con tôi và bạn bè tôi trôi đi. Trôi đi tháp Chàm, palei Chakleng với Hầm Mỹ. Muôn vì sao trôi đi cùng trái đất trôi đi. Như hằng hà sa số hạt bụi bồng bềnh.
Chỉ có tôi ở lại. Đông cứng rồi tan chảy ra.
Như hạt bụi vô hình chầm chậm trôi qua vô tận không gian và vô cùng thời gian…
Chỉ có NÓ ở lại. Mãi mãi.