HIỂU TÔN GIÁO AHIÊR AWAL NHƯ THẾ NÀO?

[bài diễn thuyết tại Sàn Art, diễn đàn quốc tế Úc-Đan Mạch, Sài Gòn,

4-2014, đã đăng trên website Inrasara.com]

1. Về lịch sử

Vương quốc Champa được thành lập vào năm 192, chạy dài từ Quảng Bình đến nam Bình Thuận ngày nay. Bà-la-môn giáo và Phật giáo xuất hiện đầu tiên, sau đó Bà-la-môn trở thành quốc giáo. Thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ thứ 11, Phật giáo Đại thừa có ảnh hưởng lớn trong vương quốc Champa.

Hồi giáo vào Champa ở thế kỉ 11, khi ấy họ chỉ là các nhóm thương gia đến từ Malaysia, nên chưa có ảnh hưởng đáng kể.

Sau 3 thế kỉ truyền đạo vào Champa, đến thế kỉ 14 Hồi giáo hình thành lực lượng trong vương quốc. Người Cham Hồi giáo xung đột với Cham Bà-la-môn. Xung đột này biểu hiện rất gay gắt trong sử thi Akayêt Um Mưrup, gây ra bao nhiêu tang thương cho người Cham suốt 3 thế kỉ.   

Đến thế kỉ 17, Pô Rômê mới hóa giải Hồi giáo thành Cham Awal (tức Bà-ni), đó là Hồi giáo đã bị Cham hóa hoàn toàn.

5 cột trụ của Hồi giáo đã bị thay đổi, như: [1] Chahadah: đức tin không có Chúa Trời nào khác ngoài Allah, [2] Salat: cầu nguyện 5 lần một ngày, [3] Zakat: bố thí,[4] Sawm: nhịn ăn tháng Ramadan, [5] Hadj: hành hương thánh địa Mecca, đều bị người Cham Bà-ni bỏ đi hay làm khác.

Sau đó Bà-ni còn hòa giải với Bà-la-môn thành Cham Ahiêr Awal. Chức sắc ‘Bà-la-môn’, Cham gọi là Halau janưng Ahiêr; chức sắc Bà-ni là Halau janưng Awal; còn chức sắc phục vụ hai bên Cham gọi là Halau janưng Ahiêr Awal!

Đây là việc làm vô cùng sáng tạo và đầy tính nhân văn, đoàn kết hai bộ phận Cham lại nên được toàn bộ người Cham ủng hộ suốt 4 thế kỉ qua đến tận hôm nay.

2. Về việc thờ cúng

Đây là vài hiện thực độc đáo diễn ra trong tôn giáo tín ngưỡng Cham.

Trước đây, Cham jat tức Cham tiền tôn giáo thờ YANG, Cham Ahiêr thờ cả lẫn Yang, Cham Awal thờ . Cham Ahiêr Awal thờ cúng PÔ YANG (thờ phụng và cúng tế tiếng Cham là mưliêng kanư).

Ở cộng đồng Cham, tôn giáo và tín ngưỡng bất phân li. Ahiêr Awal là một TÔN GIÁO-TÍN NGƯỠNG vô cùng độc đáo. Còn được gọi là Tôn giáo Ahiêr Awal.

Để phân biệt tôn giáo này với tôn giáo khác, việc thờ cúng là quan trọng nhất.

– Trong Thang Mưgik Awal, các cấp Pô Acar chỉ biết Pô Auluah, còn trong sinh hoạt cộng đồng, Cham Awal thờ cúng nhiều Pô YangYang khác nhau, như:

[1] Thờ Pô Aulwah thì đương nhiên,

[2] Ngoài ra còn thờ các vị vua Champa hay các anh tài dân tộc được thần hóa, như Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Riyak, Pô Klong Kachat

[3] Thờ Yang như Yang Pô Bhum (Thổ thần), Yang Patau Ging (thần Bếp lửa)…

[4] Và nhất là thờ cúng ông bà tổ tiên là Muk Kei.

Trong các lễ Rija, Ông Mưdôn đọc Damnưy (tụng ca) mời rất nhiều Pô đến hưởng lễ vật.

Lễ cúng Pakap Halau Krong, Palao Paxah, cả ba chức sắc gồm Halau janưng Ahiêr, Halau janưng AwalHalau janưng Ahiêr Awal cùng phối hợp làm lễ.

Ngược lại, Cham Hồi giáo không bao giờ làm các Rija và lễ Palao Paxah, nhất là Cham Hồi giáo tuyệt đối không bao giờ hành lễ chung với Cham Ahiêr lẫn Awal.

3. Thừ xem 5 Pô Yang đang được mưliêng kanư trong cộng đồng Cham

5 Pô Yang xuất hiện thường xuyên trong các lễ cùng các bài cúng tế, đó là: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Bin Thôr, Pô Rômê và Pô Riyak.

Pô Inư Nưgar: là vị khai lập vương quốc Champa, thuở các tôn giáo chưa đi vào cộng đồng Cham. Tất cả người Cham thuộc mọi tôn giáo tín ngưỡng đều phải thờ phụng Bà. Pô Inư Nưgar hóa thân có mặt ở rất nhiều địa phương khác nhau: Pô Inư Nưgar Ia Trang, Pô Inư Nưgar Hamu Ram, Pô Inư Nưgar Mưbơk, vân vân.

Ngoài ra Pô Inư Nưgar còn ảnh hưởng rất rộng đến văn hóa Việt, với các tên gọi khác nhau: Bà Chúa Xứ, Bà Thánh Mẫu, Bà Chúa Xứ Núi Sam…

– Pô Klong Girai thế kỉ 12, là người Cham Bà-la-môn, ngoài việc xây đập Nha Trinh dẫn thủy nhập điền cho cả ngàn mẫu ruộng đất vùng Pangdurangga, Ngài còn lãnh đạo nhân dân Cham đánh đuổi quân Khmer xâm lược, và thống nhất đất nước. Nội dung bi kí Patau Tablah ở Chung Mỹ mô tả cuộc chiến vĩ đại ấy như sau:

“năm 1147 khi vua cha từ trần, người Pangdurangga tôn hoàng tử Sri Jaya Harivarman I ở tiểu vương quốc đang lưu vong lên ngôi. Được tin báo, quân Khmer lúc đó đang chiếm đóng Vijaya hợp lực cùng quân bắc Champa đánh Pangdurangga. Chiến sự diễn ra ác liệt ở cánh đồng Cakling, địch quân bị lực lượng Pangdurangga đẩy lui.

Năm 1158, lần nữa họ trở lại công phá Virapura là thủ đô thuộc vùng văn hóa lịch sử Pangdurangga. Lần này trận chiến diễn ra chếch về nam nơi có Patuw Tablah. Tại đây, vị hoàng tử tài ba này đã đánh tan đoàn quân Khmer và quân bắc Champa. Năm sau, Sri Jaya Harivarman I mang đoàn quân từ Pangdurangga tiến ra Bắc giải phóng Vijaya khỏi ách nô lệ Khmer thống nhất Champa, biến vương quốc thành một quốc gia hưng thịnh và hùng mạnh.”

Pô Klong Girai được cho là vị vua anh minh nhất trong lịch sử Champa, Thế nên Ngài được tất cả dân Cham thần hóa và thờ phụng chung. 

– Pô Bin Thôr tức Chế Bồng Nga cuối thế kỉ 14, được cho là nhà quân sự đại tài của Champa. Để tập hợp hai lực lượng Cham khác tôn giáo, ngài đã lệnh cho quân sĩ kiêng cữ cả thịt heo lẫn thịt bò. Truyền thống ấy đến nay palei Bal Riya Bính Nghĩa vẫn còn lưu giữ.

Tạm trích nhận định của Wiki:

“Về Chế Bồng Nga, nhiều ý kiến thừa nhận là một ông vua anh hùng ít có của Chiêm Thành. Nhà Hán học người Pháp Georges Maspero trong cuốn La royaume de Champa (Vương quốc Champa) đã xem giai đoạn 1360-1390 dưới triều Chế Bồng Nga là giai đoạn cực thịnh trong lịch sử Champa. Các sử gia người Việt như Ngô Sĩ Liên hay Ngô Thì Sĩ cũng phải gián tiếp thừa nhận tài năng của Chế Bồng Nga khi những cải cách của ông đã biến một nước Champa đã suy yếu có thể quật khởi và đe doạ sự tồn vong của Đại Việt”

– Pô Rômê, thế kỉ 17, có nguồn gốc mơ hồ (cũng có nhà nghiên cứu cho rằng Ngài thuộc sắc dân Churu, hay là Cham Bà-la-môn lấy vợ Bà-ni – kết hợp hai tôn giáo). Pô Rômê là vị vua lớn cuối cùng của vương quốc Champa.

Các công trạng lớn của Ngài có: Nếu trước đây người Cham dùng chữ cổ rất khó đọc, Ngài đã sáng tạo chữ Akhar thrah phổ thông dễ truyền bá, dựng đập Ma-rên tưới cho ngàn mẫu đồng Nam Pangdurangga, và quan trọng nhất là Ngài đã hóa giải Hồi giáo thành đạo Bà-ni, hòa giải với Cham Bà-la-môn để thành tôn giáo Cham hiện nay là: Tôn giáo Ahiêr Awal.

Hiện nay Ngài cũng được cả ba bộ phận Cham, gồm: Cham Jat, Cham AhiêrCham Awal thờ phụng.

– Pô Riyak: Cuối thế kỉ 17 khi Champa đã mất. Ngài là người Cham Bà-ni. Ngài là người có chí hiếu học đáng ngưỡng mộ, Ngài tìm đến người thầy tận Malaysia học chiến thuật về cứu nước. Ngài có tinh thần dân tộc rất cao, do nóng ruột muốn trở về cứu quốc, mà Ngài bị ông thầy rủa để bị mất giữa biển khơi.

Cho nên Ngài được cả Cham Ahiêr thờ phụng. Bà con Cham Ahiêr làng Mỹ Nghiệp thỉnh Ngài về làm Thần Làng ở đất Chakleng.

Ngài còn được cả dân Việt miền duyên hải lập đền cúng tế với tục thờ Cá Ông, lễ Cầu Ngư, thờ Ông Nam Hải.

Đó chính là 5 vị vua và anh hùng có công lớn với đất nước và dân tộc. Cộng đồng Cham không những chỉ kính trọng các Ngài thôi, mà để thần dân nhớ công ơn đó, Cham còn thờ phượng cúng tế hằng năm.

4. Các hiện tượng đời sống khác chứng tỏ Cham Ahiêr Awal là MỘT

Cham Ahiêr Awal thờ phụng chung nhiều Pô Yang thì hẳn rồi, nổi bật hơn cả là các vị vua, anh hùng liệt nữ dân tộc được thần hóa. Trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng và cả đời thường, Cham Ahiêr lẫn Awal còn tồn tại vô số chi tiết chứng tỏ câu Cham Ahiêr Awal “tuy hai mà MỘT” khác. Chúng thâm nhập vào nhau, hòa hợp và hòa quyện nhau, lệ thuộc và cả làm vướng chân nhau – mới kì. Pô Rômê muốn thế, để hai bên không thể chia tách.

Tạm kê:

Chuyện nhiêu khê nhất chính là Xakawi dùng chung, bên này lệ thuộc bên kia và ngược lại. Thế nên năm nào Halau janưng và trí thức Cham cũng mang Xakawi ra bàn mà không xong.

Lễ Xuk Yơng, Halau janưng bên Ahiêr được mời vào Sang Mưgik Awal để bàn thống nhất, nhưng rồi cũng xảy ra sai biệt. Các nhà “khoa học” vào cuộc càng thêm rối rắm. Thế mới thành… Cham.

Cham Ahiêr tuyệt đối không bao giờ cúng thịt heo trên tháp, tế thần các loại cũng không dùng đến thịt heo, có nguyên do sâu xa đầy tính nhân văn của nó. Để hai bộ phận Cham hiểu, mà nhường nhịn nhau.

Trải chiếu cúng, thì “Pô pađang, Yang pagrwak” (Cúng Pô thì [trải chiếu cói] ngửa, cúng thần thì úp). Ngửa tượng trưng cho Awal, úp tượng trưng cho Ahiêr.

Áo, chức sắc Ahiêr mặc áo “nữ”, còn Awal áo “nam”.

Karah mưta (nhẫn có mắt) là dấu hiệu nhận ra sinh linh Cham, nếu Ahiêr có “4 mắt” thì Awal đeo nhẫn “6 mắt”!

Chôn người chết, Ahiêr đầu hướng về nam thì Awal hướng về bắc!   

Và vô số chi tiết đời thường khác, không phải để “chống” nhau, mà để nhớ nhau và nhận ra nhau.

Đó là các hiện tượng vô cùng độc đáo trong tôn giáo Cham.

Kết luận. Vậy là hai bộ phận thuộc cộng đồng Cham: Cham Awal (tức Cham Bà-ni) và Cham Islam khác nhau hoàn toàn về tôn giáo. Islam độc thần, Bà-ni (Cham Awal) là đa thần. Cham Islam chỉ kính ngưỡng, tuyệt đối không thờ cúng; Cham Bà-ni vừa thờ vừa CÚNG. Cham Bà-ni (Cham Awal) và Cham Bà-la-môn (Cham Ahiêr) tuy hai mà MỘT, là không thể phân li.

Vì vậy cặp đôi từ ‘Ahiêr Awal’, ‘Cham Bini’, ‘xa-ai Cham adei Bini’… xuất hiện với tần suất rất cao trong đời sống ngôn ngữ lẫn văn chương Cham.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *