Sống triết lí Cham-63. THẾ NÀO LÀ “HẾT MÌNH & TỚI CÙNG”?

1. Tôi không mong bạn làm thánh, như Đức Phật chả hạn, cũng không khuyên bạn làm kì nhân như Minh Tuệ, mà là con người. Một con người của/ cho mình và cộng đồng – hết mình & tới cùng.

Thế nào? – Chánh niệm! Nghĩa là hết mình ở đây & lúc này. Cụm từ này thường bị hiểu sai, như thể một thứ “hiện sinh” sa đọa, sống vội sống gấp, mà khác.

Hiểu – bạn chọn lựa, bạn dự phóng, bạn vạch mục tiêu dài và ngắn hạn, cuối cùng bạn hết mình & tới cùng. Và, vui.

2. Bạn HIỂU văn học dân tộc là nền văn học sáng giá đang thất tán, bạn DỰ PHÓNG hồi phục nó. Mục tiêu DÀI HẠN là dựng nên lâu đài văn học Cham, còn NGẮN HẠN là:

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao

nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ

                                  tôi tìm và nhặt

như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ

[những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua]

để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở

lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế (Tháp nắng-1996).

Bạn vui trong từng giây phút của ngắn hạn kia. Vui, khi nhặt được một câu tục ngữ, vui khi nghe lí giải thú vị về bài đồng dao nọ. Vui, và tràn năng lượng cho sống và viết.

3. Gì nữa?

Ngày qua ngày, bạn cày từ trang này sang trang khác. Giặc tràn tới ‘kalin atong tal’ hay đất nước trường kì ăn độn, bạn miệt mài trước ngọn đèn leo lét. Bạn viết sau buổi cày, sau giờ giải lao của phiên họp ru ngủ, bạn vẫn có thể viết giữa đám đông và trong cô đơn. “Hết mình & tới cùng”.

Để rồi khi ném nó vào chợ đời, được ca tụng, được trao hết giải thưởng này đến giải thưởng nọ, bạn vui. Thế nào đi nữa, tuyệt không để nó dính mắc, để tự biến mình thành Inrasara-nhà nghiên cứu-văn học Cham số-1, mà chịu chết chìm trong mớ bó hoa cũ đó.

Bạn phải tự giải phóng mình khỏi cái đã qua, xem nó như đã xong, như bạn kết toán một quãng đời. Bạn dấn vào dự phóng khác: ngắn và dài hạn khác, để sống một quãng đời khác, mới mẻ hơn.

Không tuyệt sao!?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *