Sáng hôm qua, cô bạn ngoài kia nhắn tin, dạo này Sara có làm thơ không, gửi cho tạp chí một chùm. Tôi gửi đi, dĩ nhiên, đăng… chùa. Chiều, thêm ông bạn thơ lão niên đất Bắc: Không lương hưu, Sara thu nhập từ đâu, tôi mới ớ người ra: Ừa, chả có nguồn nào thiệt hỉ.
Ngay món tôi diễn ngon nhất: THƠ, hai năm qua cũng chả thấy đâu mời đi nói chuyện gọi là. Chợt nhớ đọc đâu hồi Đệ Tứ, André Malraux cho một nhân vật trong tiểu thuyết Thân phận con người nói tỉnh bơ, đại ý:
Không phải 9 tháng mười ngày, mà phải 60 năm mới làm nên một con người, để rồi tốt hơn cả, hắn nên chết đi.
Thế nên mới có “nụ cười chua cay, nụ cười thương đau, nụ cười dối gian khổ đau…”
Sao kêu món tôi chơi ngon lành nhất? Nhìn toàn cảnh đến cụ thể, trong ra ngoài, Bắc và Nam, đa số lẫn thiểu số, trung tâm hay ngoại vi…
Không kể thơ cổ Cham hay Việt cả bình dân lẫn bác học, tôi thuộc sáu câu vọng cổ, tôi còn đọc bộn thơ Tây, Tàu, Mỹ. Tuần trước, một sinh viên từ Sài Gòn về “thăm Hani”, tôi đọc cho cô nàng nghe hai bài thơ Pháp, hỏi: Em hiểu không? Dạ không, nhưng cảm nhận được nhịp điệu, rất tuyệt.
Thơ Tiền chiến thì miễn rồi, tôi làu làu. Qua thời chiến tranh, miền Nam từ Tô Thùy Yên, Bùi Giáng cho đến Phạm Thiên Thư; miền Bắc hết Tố Hữu, Chế Lan Viên đến Phạm Tiến Duật.
Hiện đại, cánh trường ca mang tính sử thi là: Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo.
Thơ Việt đương đại mới ghê [chỉ nêu vài tiêu biểu].
Miền Bắc: Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn. Miền Nam: Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng.
“Trẻ”: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Tuấn, Phan Trung Thành, Lê Thiếu Nhơn. Nữ, từ Dư Thị Hoàn, Đinh Thị Như Thúy, Phạm Tường Vân cho đến Du Nguyên, Trần Nhã My, Đoàn Quỳnh Như.
Dân tộc Thiểu số: Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu cho chí Krajan Plin, Hoàng Chiến Thắng, Thèn Hương. Cham là: Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Kiều Maily.
Rồi thơ hậu hiện đại: Lý Đợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, thơ Tân hình thức với Khế Iêm nắm cờ dẫn đoàn, và cả ngoài kia nữa: Hết Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Tranh, Đỗ Kh cho đến Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân, Phan Quỳnh Trâm.
Xếp hàng điểm danh đến 200 nhà cả thảy. Tôi không chỉ đọc, mà lập hồ sơ họ đâu ra đấy. Thế nên năm xưa tút về thơ, nhà văn Trần Thị Thắng hỏi, có đọc không hay chỉ kê tên thôi, tôi mới nói: Sara có thể đứng cả tuần thuyết về thơ Việt đương đại mà không nhìn giấy!
Thuyết gì? – Các trào lưu thơ Việt đương đại, Thơ Việt – hành trình chuyển hướng say, Thơ Việt – từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, Về đâu Tân hình thức Việt?, Thơ Dân tộc Thiểu số nhìn từ phía ngoại vi, Thơ Cham nhập cuộc về hướng Mở, Chúng ta nợ gì thơ miền Nam…
Và khi đã biết tất, đã chín đầy, nghĩa là khi tôi đã là con người thơ thập toàn, tôi nên chết đi, là vừa.