Tôi có người nhà, nổi hứng lên là đặt nguyên con heo – mà phải heo rừng cho “sạch”, mang lên Tháp Bà, cúng. Trong khi làm ăn đụng đâu hỏng với lỗ đó. Tôi nói một lần không nghe, là thôi.
Thịt heo tưởng lễ vật quý ai dè, đó là món Bà [và Tháp Chàm] tối kị. Bà không nhận đã đành, phần ta còn mất phước. Tại sao?
“Tại sao người Cham Bà-ni thờ phụng tháp?” bài đăng website Inrasara.com tháng 4-2018. Tháng 2-2022, tôi tút lặp lại “Lãng du thế giới tháp Chàm-10: Người Cham Bà-ni cúng tế tháp, tại sao?”
[1] Chuyện kể
Ông Imưm bạn tôi lần lên Tháp Bà đi vào bên trong khấn vái. Chẳng những vào một mình, vị này còn kéo vài bạn là chức sắc Cham Awal theo. Về đến nhà, có vị nghe khó chịu trong người, nghi là do mình thân Acar mà lại vào tháp. Bạn tôi mới nói:
– Lạ nè, cả bốn ông vào, có mỗi anh đổ bệnh, thì nên hỏi lại thân phàm mình sao đi đổ thừa cho Pô.
Tháp Chàm do Champa sáng tạo lấy cảm hứng từ Ấn giáo, nhưng nó đâu phải mỗi Cham Bà-la-môn dựng nên! Các vị vua Champa được thần hóa là vua chung, cả Cham lẫn các dân tộc Champa khác như Êđê, Jarai, Raglai… Riêng Bà đấng khai sinh Champa khi Ấn Độ giáo chưa vào Champa cơ mà, thì Bà là của chung chứ có phân biệt bạn theo tôn giáo nào đâu.
[2] Thịt heo với Cham Ahiêr (Bà-la-môn) là quý, vậy hà cớ không được mang lên tháp cúng tế? Thịt bò với Cham Bà-ni cũng thế. Vậy mà cả hai món đó Tháp Chàm không nhận. Chính ở sự vi tế của tôn giáo Ahiêr Awal.
Là tinh thần Hóa giải & hòa giải của đức vua Pô Rômê, đấng sáng lập Tôn giáo Ahiêr Awal. Ngài dạy cả hai biết nhân nhượng, để có thể cùng ngồi lại với nhau, hòa đồng và vui vẻ.
[3] Cham Ahiêr Awal có sự hòa hợp rất đặc biệt. Thực tế đang diễn ra:
Trong vài lễ tục mang tính gia đình hay dòng tộc, cấp Acar vào làng Cham Ahiêr cúng tế. Nhiều lễ ở Cham Ahiêr, bà con mời “thầy Chan” bên Bà-ni làm nghi thức, thì cuộc lễ chính thức mới tiến hành. Ở đó không ít lễ, người thủ vai chính là chức sắc Bà-ni.
Còn lễ nghi mang tính khu vực như Pakap Halau Krong, chức sắc hai bên Cham Ahiêr lẫn Cham Awal cùng phối hợp thực hiện.
Và, trong các ngày Ramưwan, phụ nữ Cham Ahiêr từ các palei đội ciêt bánh trái vào Sang Mưgik cúng dường. Đó là hình ảnh hòa hợp đẹp nhất của Ahiêr Awal.
Là điều hiếm tôn giáo nào trên thế giới làm!
[4] Câu chuyện
Trí thức Cham Ahiêr nọ, ở lễ Bbang Pabe – do đợi Pô Acar hơi lâu, liền kêu: “Mình Ahiêr, hà cớ phải nô lệ ổng?” Thế là lôi lễ vật xuống, bày tiệc – nhậu!
Bà vợ đi “hầu” Pô Acar về, thầy vậy – khóc, la ông chồng dẹp gấp bàn tiệc ấy đi, và tức tốc chạy tìm con dê khác, lắp vào.
Tôi luận giải: Bác kính Pô Rômê thì hẳn rồi, mà đây chính là ý của ngài. Ngài buộc bác đợi, và “trong khi chờ Godot” [Pô Acar], trí thức Cham suy tư về nỗi đợi ấy. Tại sao… tại sao…
Để… Hiểu [Cham] thì càng yêu [Cham] hơn.