[1] “Tư duy biển lớn” là chữ Tạ Chí Đại Trường dành cho Cham (Damau, 8-1-2009). Từ tư duy ấy, Cham mang tinh thần phiêu lưu.
Cham đóng tàu 37 sải viễn dương sớm và xa, Cham biết làm kinh tế thị trường từ rất sớm:
“Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hoá với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” (Nguyễn Đức Hiệp-2006).
Tạ Chí Đại Trường: “Một tướng của Nguyễn Nộn là “phiên” Ma Lôi từng đi buôn bán xa, tận Ai Lao” (Hopluu, 2008).
Ma Lôi là Cham trong đoàn tù binh nhà Lý! Tù binh mà đã thế, nếu đang là công dân tự do thì họ còn tung hoành thế nào nữa.
Máu phiêu lưu thể hiện ngay trong câu nói cửa miệng dân gian:
Mưtai di krong, di tathik
Thei mưtai di danaw kabaw mư-ik takai palei
Chết nơi biển rộng sông sâu
Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng.
Nay Cham cũng chả ngán. Bà con Pabblap với ciêt thuốc nam, Chakleng với gói thổ cẩm, cả Cham Tây vốn liếng chả là bao, cũng cứ đi, “sống đời Digan” (báo Tiền phong, 6-2001).
Ông bà là vậy, hà cớ hôm nay ta mãi “đóng”. Thử xem tôi thế nào?
[2] Riêng văn chương,
Về Đọc, tôi đã đọc Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện ngay từ Trung học. Rồi Camus, Hemingway, Faulkner, Dostoievski…
Không phải đọc lướt hai ba cuốn, mà tìm trọn bộ; đọc chính tác phẩm, để không phải qua con mắt thứ hai, ba của nhà nào đó.
Về Nghiên cứu và phê bình, sau khi xong bộ Văn học Cham, tôi công phá vào các tác giả ngoài Cham – từ thiểu số đến đa số, trong và ngoài nước, chính lưu lẫn ngoại vi, từ Việt Nam đến ngoại quốc… để có được bộ 11 tập Văn học ngoại vi [đã in 7 cuốn].
Sau khi “cắm rễ sâu vào lòng đất”, tôi “bay”.
[3] Về Sáng tác thơ, tôi không chỉ thay đổi phong cách mà cả hệ mĩ học.
Từ Tháp nắng-1996 của lãng mạn hậu thời đến Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002 hiện đại. Ba năm sau là Tân hình thức: Chuyện 40 năm mới kể-2006. Cuối [chưa hẳn cùng], năm 2018 với Sầu ca trên đồi cát Nam Kương, tôi xáo trộn tất tần tật hệ mĩ học vào chung một trường ca mà không phải trường ca.
Và gì nữa? Chủ đề.
Nếu ở Tháp nắng là tình yêu quê hương và ca ngợi nét đẹp quê hương, thì Lễ Tẩy trần tháng Tư mang tính tư tưởng hướng ngoại vừa riêng [Cham] vừa chung [thế giới]. Nếu Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài Tân hình thức kể chuyện người đời thường Cham, qua Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ kể chuyện Việt Nam, thì Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], tôi kể chuyện thế giới, để rồi Sầu ca trên đồi cát Nam Kương tôi trở lại với quê nhà ở tầng sâu và huyền ảo hơn.
Lặn sâu vào tận cùng dân tộc để MỞ ra thế giới, là vậy.
Mà tôi đâu mở chỉ có mỗi văn học.