Tôi dạy con-41. 5 ĐIỀU CHỦ NGHĨA KHẮC KỈ ĐÃ DẠY TÔI

Đoản tho kỉ niệm ngày sinh 67:

“Sinh nhật cây xương rồng

có ngọn gió nồm reo đồi trọc

có loài côn trùng đùa bãi cát

có tháp Chàm giữa nắng đơn ca”

Tạm kê 5 điều tôi học được từ Chủ nghĩa Khắc kỉ. Học, về những gì tôi đã có. Nói như sách Đại học: “Minh minh đức”, nghĩa là Triết học này làm sáng cái đức sáng trong tôi.

[1] Rời khỏi vùng an toàn

Chỉ rời khỏi vùng an toàn, ta mới nói đến sáng tạo.

Đây chính là ngón ruột của tôi. Tuổi niên thiếu, tôi đã lang thang qua khắp làng Cham Ninh Thuận. Nhập cuộc văn chương chữ nghĩa, tôi đi từ nghiên cứu đến thơ, từ tiểu thuyết sang phê bình, từ diễn thuyết đến tổ chức sự kiện. Thơ, tôi phiêu lưu qua các hệ mĩ học: Lãng mạn hậu thời, hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức…

Tôi rất năng khiếu khiến người đọc [hay nhà phê bình] từng yêu mình chuyển sang ghét mình, tôi từng đùa thế.

[2] Không kì vọng

Làm thôi, mà không mong kết quả, không sưu tầm giải thưởng hay lời khen tặng. Tôi chỉ làm điều tôi thích, và khi nó làm cho tôi vui. Đời vô thường, miệng lưỡi người đời khen chê trơn trợt không khác loài lươn. Đặc san Tagalau rã đám, hay lớn hơn: “Triều đại Inrasara” suy tàn cũng là điều bình thường.

Hãy biết cởi bỏ chúng lại phía sau, mạnh bước đi vào chân trời mới, khác.

[3] Về tình bạn và tình yêu cũng không khác.

Ngày tháng qua đi, công việc và cách nghĩ thay đổi, mối quan hệ cùng tình cảm thay đổi, buồn chi cho nó… khộ. Chủ nghĩa Khắc kỉ dạy tôi: Không chạy theo, mà thu hút tình yêu.

Với người nữ, “anh Inrasara như thể nam châm vậy, bà con ơi” – tại một Trại Sáng tác, một bạn thơ đùa tôi thế. Tình yêu là món quà được ban tặng chứ không phải đồ vật để chiếm hữu. Vấn đề là bạn có xứng đáng với món quà ấy không. Tôi có bài thơ “Tặng vật” [Tháp nắng-1996] về vụ này.

[4] Không tuân theo số đông

Năm 2020, tôi có serie: “Khác, để thành công” qua loạt bài:   

“Dám mở đường, dám đi đầu”. “Làm cái người khác không [/ thể] làm”, “Tôi làm ngược Cham”, “Nghĩ khác, làm khác, sống khác đời”, “Khác, để phát hiện cái mới”, “Khác, để sáng tạo”, “Khác, và nghĩ lớn”…

[5] Kiên nhẫn là sức mạnh

Là nghệ sĩ có nghĩa là biết kiên nhẫn chờ đợi, Rilke nói thế.

“Là nghệ sĩ có nghĩa là nẩy nở như cây lá không hề bức thúc nhựa cây, không sợ hãi mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho kẻ biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình.”

Làm thơ và nghiên cứu từ tuổi 15, không ham hố xuất hiện, mong được thỏa mãn nhất thời – để mãi tứ thập tôi mới cho ra tác phẩm đầu tay. Tôi gọi đó là giú mình trong bóng tối vô danh, đợi mùa chín tới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *