Nỗi Cham-11. TÔN GIÁO CHAM: DÂN TỘC, HÒA BÌNH & NHÂN VĂN

Năm ngoái, ghé nhà ông anh lấy vợ Việt ở PR. Chuyện đang hào hứng, bất chợt bà chị hỏi vặn: Anh kêu Bà-ni hay lắm tuyệt lắm, sao mấy chục năm mà tín đồ không lên nổi con số 50 ngàn? Tôi tính giải thích, thì ông anh gạt đi…

Tút hôm qua, Khanh Pham còm: “Khó có một tôn giáo nào làm được điều này. Chỉ tiếc là Cham đã vong quốc nên Ahiêr và Awal đã chịu chung số phận, bằng không thì cả thế giới sẽ tiếp nhận thêm một tôn giáo mới của thời đại từ người Cham”. 

Tôn giáo Cham: dân tộc, hòa bình & nhân văn

Dân tộc, bởi chỉ Cham mới có; hòa bình: 400 năm tồn tại, hai nhánh Ahiêr [Bà-la-môn] & Awal [Bà-ni] chưa hề va quẹt, dù nhỏ; và nhân văn. Bài này sẽ nhấn về tính nhân văn, với những gạch đầu dòng cốt yếu.

[1] Ấn giáo và Islam không đội trời chung. Xung đột không thể hàn gắn, Ấn Độ banh ra thành Pakishtan, sau đó là Bangladesh. Ngược lại, đến Champa, Cham biến Islam thành Bà-ni, là ca độc nhất vô nhị trên thế giới.

[2] Vào Champa, Islam xung đột với Ấn giáo ở đây suốt 300 năm. Thế kỉ XVII, Đức vua Pô Rômê lên ngôi, hóa giải Islam thành Bà-ni, rồi hòa giải với Ấn giáo Cham thành Tôn giáo Ahiêr Awal đẫm bản sắc dân tộc.

[3] Ahiêr Awal tuy hai mà một. Ahiêr: nam, Awal nữ ở mọi khía cạnh đời sống, không thể tách rời. Sinh hoạt keo sơn gắn kết, đến nhiều lễ hai bên chức sắc còn hoan hỉ phối hợp thực hiện nữa.

[4] Mất nước, tam tạng: Kinh ‘Agal’ và Luật ‘Adat’ thất tán rồi tam sao thất bản, riêng Luận ‘Xakarai’ biến hẳn. Thế nên không trách, khi “chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng”.

[5] Truyền thống “luận” đứt gẫy, chức sắc Cham tụng Kinh có hiểu, nhưng mơ hồ và không đặt nặng, cũng không thấy cần thiết nữa. Kinh càng bí hiểm càng tốt, đa phần nghĩ thế.

[6] Khác với nhiều tôn giáo khác trên thế giới, chức sắc Cham độc quyền về Kinh sách, không truyền bá, ngay cả với “tín đồ” của mình cũng không, mà chỉ “bí truyền” cho người kế thừa.

Việc giáo dục tín đồ dành cho Thi nhân với 3 gia huấn ca.

[7] Như Do Thái giáo, tôn giáo Cham không cho người ngoại đạo vào, nói chi truyền đạo. Và cũng hệt Do Thái, chỉ đứa con của mẹ mới là đứa con Cham. Con ngoại lai mất đi, Cham còn cho nằm ngoài Ghur hay Kut lihin nữa là!

[8] Chức sắc tôn giáo Cham buộc phải có vợ. Có vợ mới có ‘danok’ để ông trụ [‘dok’] mà hành đạo. Có vợ ông mới có con trai để nối dõi làm chức sắc.

[9] Nhận ảnh hưởng chế độ tập cấp Bà-la-môn, chức sắc cả Ahiêr lẫn Awal được coi là đứng ở bậc cao nhất trong phân cấp xã hội Cham. Xưa, còn trên cả vua chúa. Tại sao? Triều đại có thể thay đổi, chớ tinh thần và tư tưởng tôn giáo dân tộc thì không. Nó cần được tiếp nối để Cham được là Cham, xuyên suốt.

[10] Phải là đất ‘dar thok padok kiak’ “nơi chôn nhau đặt viên gạch” [dựng tháp], nghĩa là liên quan đến tâm linh – đất mới là đất Cham.

Các dạng đất này, Cham quản mà như không quản: không bở rào, không tường thành, nhưng đố Cham nào dám xớ rớ.

Cải cách & thoái trào…

[11] Người Việt quan niệm về đất khác, chả kiêng cử gì. Dựng nhà cạnh đất thổ mộ là chuyện nhỏ, còn lấn cả đất Ghur Bà-ni nữa. Thế nên, Cham phải hiện đại hóa: Rào, rào từ Kut, Ghur đến… tháp.

[12] Cham mang tinh thần cát cứ, mỗi Pô Adhya phụ trách 1 cụm tháp, có toàn quyền phần việc liên quan đến tôn giáo. Mãi thời Huyện Dương Tấn Phát, 3 cụm tháp ở Phan Rang mới được gom về một mối. Sau 1975 các vị còn được lập cả Hội đồng Chức sắc [hay Sư cả] nữa!

[13] Do cát cứ nên khá tùy tiện, tự quyết vì vẫn nghĩ mình cao trọng nhất. Xakawi tùy tiện, mấy bận họp thống nhất, kí thì kí chớ về là tùy nghi làm. Khi ông Huyện [Cham] mời đến nói chuyện, không chịu đi vì cho đó là nơi công quyền không “tôn quý”. Chuyện đau lòng xảy ra, ở đó [đã kể].

[14] Chức sắc Cham xưa không nhận lộc, mà lộc được mang tới, tùy lòng. Cạnh đó làng có ruộng lệ để hỗ trợ vật chất cho các vị có cái ăn mà hành đạo. Là điều tốt. Sau 1975 phần ruộng ấy đã sung vào HTX, rồi mất luôn. Tiếc do Cham thiếu Mạnh thường quân lớn, nên các vị phải cặm cụi đi hái “lộc” qua mỗi lễ.

[15] 50 tuổi, ông mới được quyền lên chức ‘Tapah’ [hay ‘Baic’], khi ông đã quá giai đoạn “chủ hộ”. Ông đã là Tu sĩ, hết trách vụ với vợ con, mà chỉ chuyên tâm hành Đạo. Ở đó cộng đồng có trách nhiệm cung phụng cho thân ông. Buồn thay, nay đã sai lệch rồi.

Đây là 1 trong vài điểm trọng yếu nhất, sẽ có tút riêng.

Và nhiều nữa…

Kết & mở

“Tôn giáo Cham: dân tộc, hòa bình & nhân văn” thì rõ rồi. Sau khi bị suy thoái, làm gì để giữ tính nhân văn cũ và còn nhân văn hơn? Tạm nêu 3 trụ cột chính:

– SÁCH: Kinh, Luận, Luật cần chuẩn hóa [tôi đang làm việc này];

– TĂNG: Nếu học đủ “tam tạng”, chức sắc Cham ngang hàng Tiến sĩ, vấn đề ở đây là làm sao nâng cấp chức sắc Cham tiếp nhận tri thức hiện đại.    

– Đâu là QUỸ AHIÊR AWAL, để tránh cho chức sắc không phải xung đột quyền lợi không đáng có với tín đồ? 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *