Phan Văn Thắng – Inrasara: Hòa giải, hòa hợp dân tộc về văn hóa

Tc Văn hóa Nghệ An, tháng 4-2017, với Đỗ Minh Tuấn và Linh Nga Niê K’đam
(Bài dài, tôi đăng làm 3 kì, tách riêng phần của mình)
PhanVanThang
Phan Văn Thắng. Lâu nay ở VN đã và đang nói rất nhiều đến hòa giải, hòa hợp dân tộc và nổi lên như một vấn đề, một nhu cầu vừa cấp bách vừa cơ bản dài lâu của quốc gia dân tộc. Thực ra vấn đề này không phải chỉ có ở VN, và cũng không phải bây giờ mới xuất hiện. Sau mỗi biến cố lịch sử quan trọng của bất kỳ quốc gia – dân tộc nào thì cũng đều xuất hiện nhu cầu này. Tùy vào tính chất mức độ phân hóa, phân ly sau các biến cố mà nhu cầu nhiệm vụ hòa giải hòa hợp đặt ra với các quốc gia – dân tộc khác nhau. Ở VN, suốt hơn 70 năm qua, đặc biệt là từ sau sự kiện 30.4.1975, vấn đề này được đặt ra như một nhu cầu tất yếu, cơ bản làm nền tảng để ổn định và phát triển đất nước, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa… Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, chúng tôi muốn chúng ta sẽ chủ yếu trao đổi vê hòa giải, hòa hợp dân tộc về văn hóa.
Theo anh, sau sự kiện 30.4.1975, nhu cầu hòa giải, hòa hợp về văn hóa đã xuất hiện và lộ diện như thế nào? Tại sao phải thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc về văn hóa?
Inrasara: Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là, nhu cầu hòa giải, hòa hợp về văn hóa đã xuất hiện khi nào? Trước hết, khi đất nước mở cửa, nhu cầu hiểu biết phía “khác” là cần thiết, để mở ra thế giới bên ngoài, trong đó có bộ phận văn hóa miền Nam trong giai đoạn chiến tranh.
Tiếp đến là khi thế hệ sinh sau 1975 lớn lên, họ muốn biết về thế hệ cha ông họ, trong đó có 20 năm diễn ra cuộc chiến, cuộc chiến mà thế hệ ấy đổ bao nhiêu máu và nước mắt mới có được một đất nước thống nhất như hôm nay.
Thêm nữa, thời hậu hiện đại, thế hệ trẻ và sinh viên chằng những muốn biết thế giới, mà còn muốn mở rộng hiểu biết về chính mình – về bản thân tổ quốc Việt Nam. Tại sao ta có được đất nước hình cong chữ S? Thánh địa Mỹ Sơn, rồi các khu tháp Chàm trải dọc giải đất miền Trung kia là của ai? Dân tộc Cham từ đâu? Và khi Champa tan rã để nhập vào Đại Việt, người Cham đã nghĩ gì?
Cuối cùng, khi đất nước Việt Nam mang nguy cơ lớn về an nình, nhất là khi Biển Đông đang làm nóng từ hơn thập niên qua, thì nhu cầu hòa giải, hòa hợp dân tộc càng trở nên cấp bách hơn bao giờ.
Ở đây đề tài giới hạn ở hòa giải, hòa hợp dân tộc về văn hóa.
Xin kể một câu chuyện nhỏ. Cuối năm 1976, khi tất cả anh em Fulro Chàm” đã trở về, trong một buổi nói chuyện, Trưởng ty Công an Tỉnh Thuận Hải, có phát biểu một câu đáng ghi lại: “Người đã về, súng đã về, quan trọng hơn cả là: lòng người phải về. Vấn đề chúng ta hôm nay là “lòng người” về”. Và ông ra lệnh khoan hồng tất cả: Chỉ “học tập chính sách”, chứ không “học tập cải tạo”. [Dĩ nhiên khi thực hiên, tinh thần kia ít nhiều cũng bị bào mòn].
Giới hạn trong phạm vi sự kiện này, tôi thấy đây chính là “quyền lực mềm” khả năng thu phục nhân tâm. Vận dụng quyền lực kia, câu hỏi hôm nay là: Chúng ta đã làm được gì trong hơn 40 năm qua, xét riêng ở khía cạnh văn hóa?

Phan Văn Thắng: Đây không phải là lần đầu tiên VN phải đối mặt với nhiệm vụ hòa giải, hòa hợp dân tộc. Trong lịch sử, tôi nghĩ, khi quốc gia Đại Việt mở rộng lãnh thổ về phương Nam, hẳn là cũng phải thực hiện hòa giải, hòa hợp với văn hóa Cham. Rồi để có một thế quân bình tam giáo đồng nguyên Nho – Phật – Lão, chắc chắn cũng là một thực hành hòa giải, hòa hợp không đơn giản và nhanh chóng. Rồi đến đầu thế kỷ XX, Nho/cựu học và Tân học cũng là một hóa/hòa giải để có sự hòa hợp.
Vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc hậu chiến tranh Việt nam thực ra đã được các bên quan tâm khi chiến tranh chưa kết thúc. Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa, chính phủ lâm thời cộng hòa miền nam Vn và cả nội các Dương Văn Minh của chế độ Sài gòn cũ cũng như lực lượng thứ ba ở miền nam hồi đó đề cập. Và có lẽ vì thế chăng mà không có bất cứ một cuộc “tắm máu” trả thù nào ở Sài Gòn khi quân giải phóng tiến vào. Sau chiến tranh, nhu cầu hòa giải hòa hợp càng trở nên cấp thiết hơn khi trong thực tiễn cuộc sống có những sự việc diễn biến không ngờ, bất thường. Về phương diện văn hóa, sau chiến tranh chúng ta cũng có những bất bình thường, như phân biệt đối xử có những trường hợp quá mức không cần thiết với trí thức, với các sản phẩm văn hóa từ thời chính quyền cũ chẳng hạn.
Nhìn lại lịch sử để nhận thức hiện tại, theo các anh chị thì công cuộc hòa giải hòa hợp lần này có gì khác và giống trước đây? Cái giống, và cái khác cơ bản nhất là gì?
Inrasara: Ngoài trường hợp đặc biệt là xung đột Champa – Đại Việt, là xung đột giữa quốc gia và quốc dẫn đến sự tiêu vong của một quốc gia, cần đến một thảo luận khác, riêng xung đột trong lòng Việt Nam hiện đại so với xung đột trước đó, có những khác biệt lớn. Về biên độ, cấp độ và hệ quả của nó, nên việc hóa giải và hòa giải cần đến một hiểu biết rộng và sâu sắc hơn, biện pháp đặc thù và cần nhiều thời gian và sự kiên trì hơn mới có thể giải quyết rốt ráo vấn đề.
Về biên độ, xung đột không còn giới hạn ở phạm vi đất nước, mà mang tính ý thức hệ toàn cầu: Một bên là thế giới Cộng sản và bên kia là thế giới Tư bản; về cấp độ, dù thời gian kéo dài chỉ trong khoảng 20 năm (1955-1975), nhưng nó gay gắt và khốc liệt, mang tính đối kháng địch-ta cao hơn, do đó, nó để lại hệ quả to lớn hơn gấp nhiều lần các xung đột từng xảy ra trước đó: sự phân hóa sâu rộng hơn, qua sự cố hơn 2 triệu người Việt Nam đi lưu vong, là điều chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu công cuộc hòa giải hòa hợp phải sâu sắc hơn, rộng rãi, toàn diện và triệt để hơn; và do đó, khó khăn hơn, dài lâu hơn.

Phan Văn Thắng: Theo anh, mục tiêu và nhiệm vụ hòa giải, hòa hợp về văn hóa lần này là gì?
Inrasara: Hòa giải và hòa hợp với tất cả mọi bộ phận dân tộc, thiểu số và đa số, Bắc và Nam, trước và sau 1975, trong và ngoài nước, để tất cả hướng về tổ quốc Việt Nam thống nhất và tiến bộ. Đó phải xuất phát từ tinh thần phi tâm hóa (de-centring) hậu hiện đại, mà tình yêu và quyền lợi Tổ quốc cần được đặt lên hàng đầu.
Sau 44 năm chia cắt, người Đức đã làm được, để 25 năm sau hầu như không còn dấu vết về sự khác biệt giữa Đông và Tây Đức: Quyền lực mềm của tinh thần dân chủ đã thu phục được lòng người phía từng đối nghịch.
Người Mỹ, sau 4 năm trải qua nội chiến thảm khốc không kém ta, khi miền Nam bị đánh bại, miền Bắc vẫn làm được, để sau đó Hoa Kì nổi lên thành một nước giàu mạnh hàng đầu thế giới. Tinh thần bình đẳng màu da đã chiến thắng sự phân chủng: Quyền lực mềm lần nữa chiến thắng.
Việt Nam không phải không có gương sáng: Lòng nhân, thứ quyền lực mềm cao hơn mọi quyền lực mềm các loại, là lối hành xử của Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông. Nhà vua đã sai đốt cả hòm biểu xin hàng của những kẻ phản trắc, để mắt đừng thấy, tai đừng phải nghe, lòng chớ phải giận!
Hòa giải, hòa hợp về chính trị còn được, tại sao về văn hóa ta không thể?

Phan Văn Thắng. Nội dung hòa giải, hòa hợp trên bình diện giá trị cần được xem xét và xác định như thế nào?
Inrasara: Hiện tại khi thế giới đã trở thành làng toàn cầu (global village), một cá nhân có thể có 2-3 quốc tịch, thì việc cư trú trên một lãnh thổ địa lí quốc gia nào đó không còn là yếu tố quan trọng nữa. Các cá nhân cùng chia sẻ chung với nhau một số giá trị nhất định, mới có thể làm nên một cộng đồng cố kết.
Ví dụ là sinh linh mang dòng máu Việt, dù bạn mang quốc tịch Pháp, làm việc cả đời ở Mỹ, xác định được mình là người Việt – ngoài việc đấu tranh cho quyền lợi dân tộc khi quyền lợi đó bị đe dọa – bạn còn biết đến biết đến và cùng chia sẻ các giá trị tinh thần chung như: Đền Hùng và Giỗ tổ Hùng Vương, biết giá trị văn hóa của Thánh mẫu Thiên-Y-A-Na cùng Văn miếu Quốc Tử giám, tôn trọng các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Quang Trung, biết thưởng thức văn chương Truyện Kiều, Nguyễn Trãi, và trên hết – yêu tiếng Việt. Vân vân…
Ta cứ thử nhắm mắt mà tưởng tượng, sau khi làm cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc, về ca múa nhạc, ta sẽ trình diễn cho thế giới thấy Quan Họ Bắc Ninh với dân ca Cham, hát Then Tày, Vọng cổ Nam Bộ, hát Bài Chòi miền Trung cùng vô số điệu múa độc đáo của các dân tộc. Phong phú xiết bao!
Về văn chương, ta có văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, văn học miền Nam năm 1954-1975, văn học người Việt hải ngoại, và cả sáng tác của người Việt viết bằng ngoại ngữ nữa. Không thật giàu sang sao?
Khi đã chấp nhận văn học cổ điển các dân tộc, ta sẽ có bộ Văn học sử Việt Nam đồ sộ, không thua kém nền văn học lớn nào bất kì.

Phan Văn Thắng: Tôi nghĩ là ngay bây giờ đây, ở Việt nam, không chỉ là hòa giải, hòa hợp theo tập quán của hệ quy chiếu ý thức hệ, nhất là các vấn đề văn hóa hậu chiến mà còn có cả những vấn đề tồn dư lâu dài của lịch sử ví dụ như văn hóa giữa các tộc người, giữa các cộng đồng cư dân có tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, giữa các vùng miền… nhằm tạo ra sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ và tiếp nhận để tạo nên những giá trị chung của quốc gia dân tộc. Quan điểm của các anh chị về về vấn đề này như thế nào ạ?
Inrasara: Đây là vấn đề rộng lớn động cập đến nhiều khía cạnh.
Việt Nam hợp nhất từ hai quốc gia lớn: Đại Việt và Champa. Việt Nam hình thành từ hai nền văn minh: Đại Việt và Champa, cùng vài nền văn minh khác: Óc Eo, Cát Tiên, Thủy Chân Lạp.
Việt Nam có 54 dân tộc với 54 nền văn hóa bản địa khác nhau. Tạm phân làm 4 vùng chính: Văn hóa các dân tộc phía Bắc, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Cham, và văn hóa Tây Nam Bộ. Tiếp nhận văn hóa lớn, Việt Nam sở hữu đến 3 dòng văn hóa Đông phương: Đông phương Trung Quốc (Khổng, Lão), còn qua Champa: có Đông phương Ấn Độ (Phật giáo và Ấn giáo), với Đông phương Hồi giáo.
Do đó, hòa giải, hòa hợp được các khác biệt ấy không phải chuyện dễ, nên không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Hiều biết, tôn trọng từ đó bổ sung cho nhau là rất quan trọng.
Ví dụ, nếu người Việt mạnh về đất liền, thì dân tộc Cham ưu thế lớn về biển. Hải sử và văn hóa biển Cham làm đầy lịch sử Việt Nam, cũng như văn học Cham bổ khuyết cho sự thiếu vắng sử thi [viết] của văn học đa dân tộc Việt Nam vậy.
Không tiếp nhận, không hiểu biết giá trị ở phần “ngoại vi” ấy, chẳng những thiệt cho riêng dân tộc Cham và các dân tộc thiểu số khác trên đất nước Việt Nam, mà còn thiệt thòi lớn cho cả đất nước Việt Nam.

Phan Văn Thắng: Thưa nhà thơ Inrasara, lâu nay tôi được biết anh có tham gia thảo luận về văn nghệ hai miền Nam – Bắc từ 1954-1975. Đây chắc chắn là một nội dung quan trọng trong quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc về văn hóa. Quan điểm cơ bản của các anh chị về vấn đề này là gì?
Inrasara: Chắc chắn như thế. Văn học biểu hiện đầy đủ nhất tâm hồn một dân tộc, hơn nữa tâm hồn ấy được thể hiện qua hình thức đặc thù nhất: ngôn ngữ. Thế nên, văn học là một nội dung quan trọng trong quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc về văn hóa.
Nói về văn học Bắc – Nam giai đoạn 1954-1975, khi đất nước chia cắt, văn học vẫn tiếp tục hành trình nhọc nhằn của mình. Mỗi miền mỗi cách khác nhau, mỗi tác giả/ nhóm tác giả mỗi giọng điệu khác nhau, tất cả tạo nên hợp xướng làm nên sự phong nhiêu của tiếng Việt và văn học Việt Nam. Cắt bỏ đi một bộ phận nào bất kì, tức là tự làm nghèo đi chính mình. Hơn thế, văn chương không chỉ mang khả tính hóa giải và hòa giải sự phân hóa dân tộc, mà còn đóng góp lớn vào việc làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc.
Non nửa thế kỉ nhìn lại, văn học miền Nam, trong đó có thể loại thơ ca, đã tạo ảnh hưởng không nhỏ vào tiến trình văn học Việt Nam ở giai đoạn sau đó.
Tồn tại trong một thời gian ngắn (1954-1975), thơ miền Nam đã mở ra nhiều trào lưu sôi động và vô cùng lí thú: Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ, vân vân, không thiếu bất kì thứ gì. Quan trọng không kém là các bộ phận công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là những sáng tạo nghệ thuật.
Cho dù các phong trào kia sớm bị dở dang do thời cuộc, nhưng chúng để lại không ít dấu vết trên sáng tác của những người đi sau đó, đậm nổi nhất là ở thời kì Đổi mới.
Văn xuôi miền Nam giai đoạn 1954-1975 cũng phát triển vô cùng phong phú. Có lối viết truyền thống lẫn trào lưu sáng tác chống lại truyền thống với những tên tuổi làm nên diện mạo riêng của văn học miền Nam.
Về nghiên cứu và phê bình thì hầu như tất cả trào lưu phê bình mới trên thế giới đều được tiếp nhận và vận dụng. Ở đó không ít tác giả đã đi những bước tiên phong. Tư tưởng của các tác giả này đã để lại không ít dấu ấn ở thế hệ tiếp nối. Điều đó khẳng định giá trị của nền văn học từng bị xem là “ngoại vi” này.
Cắt bỏ nó, hay từ chối nó, chẳng những ta đánh mất một bộ phận văn học quan trọng trong giai đoạn lịch sử dân tộc, mà còn thể hiện tâm phân biệt đối xử, làm trở ngại cho chính sự hòa giải hòa hợp dân tộc.

Phan Văn Thắng: Theo tôi được biết, văn học – nghệ thuật miền nam trước 1975 cũng có sự góp mặt và đóng góp của các văn nhân từ miền bắc vào như Thanh Tâm Tuyền, Phạm Duy, Vũ Bằng… Họ đã mang cả gốc gác và vốn liếng văn hóa của miền bắc vào để đóng góp vào văn học – nghệt thuật miền Nam.
Việt Nam hiện có khoảng gần bốn triệu đồng bào định cư ở nước ngoài. Đây là một bộ phận không hề nhỏ với tư cách đồng chủ thể văn hóa Việt. Các anh chị nhận xét gì về vai trò văn hóa của họ trong hơn 40 năm qua, và xa hơn đó nữa, của các thế hệ người Việt Nam định cư ở nước ngoài từ đầu tk XX đến trước năm 1975.
Inrasara: Nguyên sự thể non bốn triệu người Việt Nam ở nước ngoài đã là một giá trị lớn rồi, ở đó không ít người đã làm nên giá trị văn hóa tinh thần thực sự. Cả thế hệ di cư trước 1975, như Hoàng Xuân Hãn, Lê Thành Khôi, hay sau này như Tạ Chí Đại Trường, đóng góp của họ để thế giới hiểu về văn hóa và lịch sử Việt Nam là rất lớn.
Một Ngô Bảo Châu về lĩnh vực toán học, hay một Nguyễn Thanh Việt trong thế giới văn chương, họ làm nên hãnh diện cho đất nước và con người Việt Nam, dù họ đang sống ở nước ngoài, và đã mang quốc tịch Pháp, hay Hoa Kì.
Tại sao không! Khi họ còn nhận mình là người Việt Nam, còn viết bằng tiếng Việt hay bằng tâm cảm Việt Nam, hướng đến độc giả Việt Nam [và cả thế giới – đương nhiên].
Nếu ta không phân biệt đối xử, nếu ta tạo điều kiện tốt về cuộc sống và việc làm, nhất là khi ta đã có hành lang pháp lí thuận lợi, họ sẵn sàng trở về cộng tác, làm cuộc hòa giải hòa hợp quan trọng.

Phan Văn Thắng. Để thực hiện hòa giải, hòa hợp thành công, theo các anh chị cần có những điều kiện nào? Điều kiện nào là tiên quyết? Cách thực hiện nên như thế nào? Lực lượng nào phải chủ động và trở thành trụ cột trong công cuộc khó khăn và phức tạp này? Vì sao?
Inrasara: Trí thức là lực lượng chủ đạo, phải là người đi đầu. Vì trí thức là kẻ quan sát, suy tư nhiều và thường xuyên hơn các hiện tượng xã hội xung quanh mình, hiểu vấn đề sâu rộng hơn, đau đáu về thân phận dân tộc hơn.
Phía mạnh phải là bên chủ động. Điều kiện tiên quyết là biết nhân nhượng bên yếu thế. Tại sao? Bởi phía yếu không thể ngửa tay xin hòa giải hòa hợp được. Champa xưa, xung đột Bà-la-môn – Hồi giáo, vua Po Rome (1627-1651) đã hóa giải Hồi giáo thành Bà-ni (Hồi giáo bản địa), sau đó để hòa giải với Bà-la-môn, nhà vua này đòi hỏi bên Bà-la-môn [đông hơn, mạnh hơn] chủ động nhượng bộ rất nhiều, người Cham mới yên. Hôm nay, ta có chấp nhận nhượng bộ không? Và nhượng bộ thế nào?
Điều kiện cần là phải thành lập Bộ/ Vụ Hòa giải Hòa hợp dân tộc, với một diễn đàn mở.
Hàn Quốc có vấn đề của họ: đất nước đang chia cắt, họ thành lập Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tại sao chúng ta thì không? Và một tạp chí hay website của Bộ này, để tất cả các bên cùng tham gia thảo luận mở gút vấn đề, tại sao không?
Căm thù chỉ kêu gọi căm thù. Đối xử phân biệt sẽ không dẫn tới đâu cả, chỉ có thể loại trừ nhau. Mở vòng tay đón nhận mọi giá trị, ta sẽ được thêm chứ không mất đi.
Dạy lịch sử Champa trong trường học, ta được đến ba cái lợi: Ta tránh được thái độ giấu giếm và thói quen giả dối không cần thiết; con em biết sự thật đúng đắn của lịch sử toàn vẹn của đất nước Việt Nam thống nhất, miễn cho họ tò mò đi tìm đọc các tài liệu ngoại vi gây bất lợi; người Cham biết Chính quyền thực tâm, từ đó bà con tin tưởng ta hơn.
Kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại về cộng tác xây dựng đất nước, tiền đã về, người cũng đã về, nhưng lòng người về chưa thì chưa chắc. Có chế độ đãi ngộ tốt thôi chưa đủ, vấn đề là anh chị em cần ta tôn trọng xứng đáng, nhất là tôn trọng về nhân quyền.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *