Có kẻ quỳ, và buông ra bao lời lẽ tụng ca. Trước quyền lực của đồng tiền, của hư danh, và gì nữa. Để nhận về cái gì chỉ có họ biết được.
Có kẻ quỳ, và lâm dâm khấn nguyện. Trước người vô sản và vô gia cư, thậm chí chỉ trước cái bóng của sinh linh đó. Mong nhận về phước lành mà kẻ ấy tin là có thật.
Có kẻ quỳ, và vô ngôn. Trước vạn anh linh tổ tiên vô danh, vô hình giữa vũ trụ vô cùng. Không cầu điều gì khác, ngoài cho hồn mình mở ra với hồn người muôn năm cũ.
Kẻ truyền giáo dùng lời to con, luận sư lập ngôn nhiều lí lẽ, đạo sĩ thì khác…
“Lời thật không đẹp; lời đẹp không thật” – Ainsi parlait Lão Tử.
Ngoảnh lại lời lẽ rải rác hiếm hoi của Minh Tuệ “ngẫu nhĩ ra hoa [chữ Bùi Giáng] trên bước đường bộ hành, nó THẬT nên ĐẸP lạ lùng.
Và lời thật-đẹp ấy, cùng bước chân thanh thoát ấy – một cách ngẫu nhiên, đã cuốn hút hàng vạn, hàng triệu người dõi theo, vừa hồi hộp lo âu, chợt òa vỡ trong niềm vui sướng ngập tràn. Và nó còn tiếp diễn ở những thế hệ đi tới.
Nietzsche: “Chính lời lẽ im lặng nhất mới mang tới bão tố, những tư tưởng rón rén trên bước chân bồ câu mới dẫn đạo thế giới”.
Dẫu sao…
Muốn tịnh khẩu, làm thi nhân với “lời lẽ im lặng” thanh tao, ở thế buộc Nietzsche phải nói to, quyết hét lên bao lời lẽ cuồng nộ:
“Nhưng tại sao tôi phải nói, khi chẳng còn ai chịu nghe tôi? Thôi thì hãy để cho tôi la hét vào tất cả những phương trời gió loạn:
Các người đang trở nên bé nhỏ, càng lúc càng trở nên bé nhỏ, hỡi các người bé nhỏ kia. Các người đang sụp đổ tàn phế, hỡi các người tự mãn an nhàn kia. Rồi đây các người sẽ bị tiêu diệt, do quá nhiều đức tính nhỏ bé của các người, do quá nhiều sự kiêng dè bé nhỏ của các người, do quá nhiều sự an phận thủ thường bé nhỏ của các người…” (Phạm Công Thiện dịch).