Nỗi Cham-7. THẾ NÀO ĐỂ TỒN TẠI?

[thư cho bạn trẻ-2]

[1] “Thư cho bạn trẻ-1”, mang chuyện loài hươu làm ngụ ngôn, tôi muốn nói: Cham hãy làm tốt phần việc của mình đi, tuyệt không dại dột đi tranh với loài hổ, báo. Ví có rượu vào lời ra hứng lắm, ra oai với cộng đồng mình thì được, còn léng phéng qua chỗ loài ăn thịt, rất dễ tiêu.

Ở Sài Gòn tôi có ông anh, mỗi bận nhắc đến công an là chửi. Sau lưng vậy thôi, còn thì nhác thấy bóng “loài” này là chuồn như trâu thấy lính Tây. Ở quê, anh bạn tôi dại kiểu khác, rất khoái nồ – mà nồ trước mặt nữa chứ. Không để làm gì cả, chỉ thể hiện với đàn em. Tội vậy đó!

Nhập cuộc cộng đồng Cham, non trăm lần tôi nhắc các bạn rút bài, xóa ảnh hay chỉnh lại lối nghĩ “nồ” kiểu trẻ con ấy. Tôi không đòi các bạn nhu nhược, mà hãy biết NHU & NHƯỢC. Để còn tồn tại mà ăn… cỏ.

[2] Tôi hỏi bạn nữ trẻ Cham:

– Trong ba đứa, có ai ganh tị với Ngọc Trinh hay Mỹ Tâm không, chắc không rồi, phải hôn? Các bạn dòm tôi là lạ, cười cười, nghĩ tôi đùa. Tôi nói, không đùa đâu. Và thêm:

– Thói thường kẻ ăn mày đố kị với kẻ ăn mày bên cạnh xin được nhiều hơn, chớ nó không đố kị với triệu phú. Vậy mà có vài Chàm mình đố kị với Sara, mới kì. Trong khi tôi tự nhận Ma Hời, mình là người ai lại đi ganh với ma?!

Khác với hai ông/ anh bạn trên, có gặp cánh an ninh hay khi các anh nhân tiện ghé nhà, tôi mời trà, hạt và mở lòng. Bình đẳng, không ai đứng cao hơn ai, nhưng vẫn chịu nhún xíu – cầu cho hai bên hiểu nhau, để tôi còn được dịp ăn… cỏ dài dài.

[3] Thuở Pô-Klong, các bạn tôi suốt ngày ngâm ngợi Chế Lan Viên:

Rồi cả một thời xưa tan tác đổ

Dấu oai linh, hùng vĩ thấy gì đâu

Thời gian chảy, đá mòn, sông núi lở

Hồn ta nay còn mãi vết thương đau

Ngâm ngợi, bắt chước làm thơ theo, và ưỡn ngực lép! Tôi khác, từ đời thường cho đến thơ ca. Cô đơn nhưng không tủi phận; hiểu quá khứ nhưng không “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” [Kiều], mà hân hưởng sống ở hôm nay và hướng đến tương lai.

“Thơ Inrasara thật khỏe, không bi lụy mà như cây đại ngàn qua bão táp vẫn vươn lên đón nắng trời” (Hà Văn Thùy, tạp chí n hóa – văn nghệ Công an, số 11, 2000).

[4] Thực tế thế nào?

Inrasara thơ nổi tiếng, nhưng Cham có mỗi Inrasara, là sao? Cần có vài kẻ khác, nhiều càng tốt. Katê năm 2000, Tagalau ra đời bởi câu hỏi giản đơn đó.

Covid-19, chị em đang kẹt ở miền trong, đói ăn. Tại quê nhà, vài địa phương bùng dịch, bà con khan thuốc. Làm gì? Dù bao nhiêu người thương can ngăn, – “khối nghệ sĩ bị bóc phốt, cei không đọc báo sao”. Lẽ nào cộng đồng Cham không có ai đó đứng mũi chịu sào? 

Chuyện xưa hơn và mang tính cá thể, vụ KMV chết oan. Cả bầy hươu khớp, đứng ngó nhau. Thế là hai cu hươu: Hươu-Tỷ và Hươu-Sara liều lĩnh đi qua bên ấy giải minh. Còn cậu Cọp có nghe không, là chuyện khác.

Trường Trung học Pô-Klong là công trình lớn nhất của Cham thời hiện đại. Lớn, thành biểu tượng. Biểu tượng thất truyền, và lẽ nào mặc cho thất truyền cả kí ức Pô-Klong? Ai?! Cuối cùng, lần nữa – tôi xắn tay áo vào. 

Kết.

Hãy hiểu biết và tha thứ ‘palai tung tian’ [chữ Ariya Glơng Anak], bàn tay trong bàn tay, hãy nhìn vào mắt nhau để nhận rõ mặt nhau, hãy cầm lấy cây cuốc, cái cày đi xây lại từ đổ nát, “một nơi cư trú nhỏ bé mới, có lại những hy vọng mới. Bây giờ không còn con đường nào bằng phẳng để dẫn tới tương lai. Chúng ta phải đi vòng quanh hay bò qua các trở ngại. Chúng ta phải sống, thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sụp” (D.H. Lawrence).

Nỗi Cham-7. Bài-2. TỒN TẠI & BẢN SẮC

Có nước da hơi sáng – em chối mình là Cham

mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam

vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức

Henry Miller chối từ Mỹ – bởi chán ghét chiến tranh

giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực (Tháp nắng-1996)

[1] Một Cham cần gì? – Ý thức sáng rỡ VỊ THẾ mình giữa cộng đồng Việt Nam, nếu sống trong nước. Ở đó bạn có quyền lợi và nghĩa vụ công bằng như mọi công dân khác trên đất nước hình chữ S này.

[2] NHẬN mình là Cham

Bạn là nhạc sĩ hàng đầu, nhà khoa bảng danh tiếng, quan lớn quyền thế mà chối Cham, bạn chỉ cư trú mơ hồ ở khoảng giữa Cham – Việt Nam – Thế giới, một cư trú chơi vơi không nơi nương tựa.

[3] BIẾT, dẫu mơ hồ rằng mình là Cham

Nghĩa là ý thức bản sắc Cham. Không đòi hỏi chuyên sâu, không cần “giỏi Akhar thrah, rành Xakawi”, mà chỉ cần vài bản sắc – cũng đủ. Nghiên cứu cho ra các công trình to tát mà không biết đến ai, bạn chỉ là chuyên gia. Bạn dễ bị gán cho ‘khai thác’ văn hóa Cham vì lợi riêng.

[4] NÓI/ viết tiếng Cham

Bản sắc ấy thể hiện rõ nhất qua ngôn ngữ. Danh ngôn cũ nhắc lại không thừa: “Một dân tộc có thể mất đất đai, nhưng nếu ngôn ngữ còn thì dân tộc đó còn”.

[5] Mong muốn về thăm ĐẤT MẸ Cham

Không phải hướng vọng một vương quốc vời xa, mà mong muốn trở về [thăm] đất mẹ – như trở về miền đất tâm linh.

[6] Và dám & biết LÊN TIẾNG khi Cham bị xâm hại.

Bạn giàu sang, bạn quyền lực mà bỏ quên quần chúng dưới đáy, sinh phận Cham nghèo hèn là bạn chỉ loài cá thể ích kỉ. Bạn DÁM và BIẾT cất tiếng nói trí thức.

[7] Cuối cùng, một Cham ở tương lai cần nhập cuộc về hướng mở, và nâng tầm lên: CHAM – VIỆT NAM – THẾ GIỚI. Tại sao không?

P.S. TỰ TRẮC NGHIỆM BẢN SẮC CHAM

20 câu hỏi tự trắc nghiệm bản thân. Mỗi câu 2 phút, không Google, bạn trả lời và tự cho điểm.

1. Bạn có biết đọc-viết Akhar thrah không? Nếu có, tốc độ viết trung bình loại chữ trên vi tính là 5 từ/ phút?

2. Trao đổi ngày thường, bạn nói độn tiếng Việt bao nhiêu %? – 20% là đạt, dưới 40%: trung bình; trên 40%: kém.

3. Cham hiện cư trú ở các nước nào, nêu 5 tên nước? Dân số Cham ở Việt Nam [kể cả Cham Hroi] bao nhiêu? (sai số cho phép 8-10).

4. Ba tôn giáo chính của Cham ngày nay là gì?

5. Tên 7 nhân vật lịch sử [kể cả huyền sử] Cham mà bạn biết?

6. Hai lễ [hội] truyền thống lớn nhất của Cham Pangdurangga, ý nghĩa của nó?

7. Nêu 10 câu tục ngữ Cham thông dụng mà bạn biết.

8. Nêu 3 truyện cổ hay truyền thuyết mà bạn nhớ cốt truyện.

9. Hai tác phẩm văn học cổ điển của Cham, vấn đề trọng yếu mà nó đề cập.

10. Năm điệu múa Cham truyền thống mà bạn biết.

11. Bạn có thể hát mấy điệu dân ca Cham? [3 là con số trung bình].

12. Bạn đã viếng tháp Cham chưa? Kể tên 5 tên [cụm] tháp và địa điểm.

13. Khi giá trị văn hóa dân tộc bị xâm hại, thái độ bạn thế nào?

14. Tên 2 tạp chí, đặc san Cham ở thời hiện đại mà bạn biết?

15. Nêu 2 điểm thời sự nóng cộng đồng Cham bạn quan tâm.

16. Theo bạn, để Cham tồn tại, đâu là 2 điều cần làm nhất.

17. Mơ ước đóng góp của bạn cho cộng đồng là gì?

18. Lời khuyên mang tính cộng đồng bạn muốn dành cho người thân?

19. Điều bạn mong muốn chính quyền làm cho văn hóa dân tộc?

20. Bạn thử hình dung xã hội Cham vào năm 2050, nêu 3 điểm chính.

Nỗi Cham-7. Bài-3. TỒN TẠI CHO SÁNG TẠO

[1] Cham tồn tại qua KHÁC BIỆT

Tinh thần sáng tạo Cham từ truyền thống…

Cham tiếp nhận Ấn Độ và làm khác người Ấn, từ biểu tượng tâm linh Haumkar qua tháp Chàm đến Akhar thrah. Lớn nhất là tôn giáo. Cham hóa giải Islam thành Bà-ni, rồi hòa giải Ấn Độ giáo để thành tôn giáo dân tộc: Tôn giáo Ahiêr Awal!

Đến khác biệt ở hiện tại…

200 năm bị dồn ép giữa cộng đồng Việt, một dúm Cham vẫn tồn tại đầy BẢN SẮC & PHÁT TRIỂN, do khác biệt từ tư duy đến ngôn ngữ, từ tôn giáo đến lối sống.

[2] Nguy cơ bị/ tự ĐỒNG HÓA

Nhưng TỒN TẠI TRONG PHÁT TRIỂN đó hôm nay mang ở tự thân nguy cơ bị đồng hóa. Từ đâu?

– Nguy cơ đầu tiên chính là hôn nhân với người ngoài [xin đừng hiểu lệch qua “phân biệt đối xử”]. Bởi  đa phần Cham đi là đi mất, đi tuốt tuồn tuột.

– Không hiểu, hay hiểu lệch lạc bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó chối bỏ Cham, chê Cham, hướng trung tâm, hướng giàu, mạnh, vân vân.

– Ở tự thân, tôn giáo Cham chưa tìm thấy hướng hiện đại hóa nào khả dĩ.

– Suy nghĩ theo “nhân dân tiến bộ Chàm mới”, rằng ta là công dân toàn cầu.

[3] Cham làm gì để tồn tại NHƯ LÀ TỒN TẠI?

Tôn giáo Ahiêr Awal hôm nay tồn đọng khối “lạc hậu”, khiến nhiều sinh linh Cham bị lung lạc, dễ ngã theo tôn giáo khác. Mấy ông chán quá, bỏ quách đi cho rồi!

Câu hỏi: Tôn giáo Cham có đáng chán như bạn nghĩ không? Này nhé:

Champa không còn, sách vở thất tán, trình hiểu biết giới chức sắc Cham suy giảm; nữa: trong một gia đình truyền thống ‘Halau janưng’, mấy đứa con ưu tú theo nghề sang trọng: bác sĩ, kĩ sư, sinh linh yếu thế ở lại làm chức sắc.

Hãy nhìn Đạo Phật Việt Nam với những Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ… ‘Halau janưng’ Cham còn ngon chán.

Tôn giáo Cham Ahiêr Awal mềm [tự do], và mở [cho sáng tạo]. Đó là tôn giáo dân tộc [chỉ Cham có], hòa bình [Ahiêr và Awal chưa hề xung đột suốt 400 năm tồn tại], và nhân văn – là vậy.

Chưa bàn đến sáng tạo, từ tinh thần đó, Cham Ahiêr Awal Pangdurangga với dúm sinh linh ‘dalah libeh’ sống sót, chỉ qua thế kỉ mà đã PHÁT TRIỂN đáng mừng. Ở đó nẩy sinh bao nhiêu là nhà văn, nhà nghiên cứu, cùng bạt ngàn dân khoa bảng, và trăm người biết làm giàu [theo chuẩn Cham] bằng trí tuệ.

Ưu việt, chả phải sao? Tư tưởng tự do ấy, cộng hưởng với tinh thần Pangdurangga: phiêu lưu sáng tạo, luôn làm khác, làm mới Cham hiện đại mới có thành tựu. Câu hỏi…

Làm sao ta vẫn giữ ưu việt ấy, mà không bị đồng hóa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *