Cái bệnh lớn nhất của con người là lười, trội hơn cả là lười suy tư, từ đó ta bị sống chứ không sống. Bạo lực qua đó mà sinh sôi, bao xâu luôn bạo lực ngôn ngữ. “Đám Do Thái bẩn thỉu”, “thành phần phản động”, vân vân. Muốn đánh chết con chó cứ gán cho nó chó dại, là xong phim.
Chiều tích cực cũng hệt, từ lười dẫn đến bạo lực ngôn ngữ.
[1] Với Minh Tuệ thế nào?
Dáng nhỏ, gầy, nụ cười lành, đôi mắt sáng toát ra sự uy nghi, giọng khiêm cung rất mực. Điều lạ, ông vô cùng thông minh mà lời lẽ mộc mạc, không sai trật dù một ý một từ nhỏ. Bình tâm đến lạ lùng, trước bao ống kính chĩa vào, mấy câu hỏi bất ngờ cùng vô số hành cử sùng bái, kính ngưỡng từ nhiều bộ phận chúng sanh.
Tôi coi đạo sĩ Minh Tuệ như là một BIỂU TƯỢNG. Câu hỏi: Minh Tuệ có phải là Đức Phật tái sinh?
Tôi tin Minh Tuệ đã giác ngộ. Do xuất thân và hoàn cảnh, khác với Đức Phật là đấng Toàn giác, Minh Tuệ đạt đến độ thuần khiết của một đạo sĩ [người đi trên con đường tu hành, hay hành giả thực thi đạo] Hạnh Đầu Đà.
Đó là may mắn lớn của Việt Nam. Không ít người Việt đón nhận [và nâng tầm] đạo sĩ như Đức Như lai tái thế, không phải không nguyên do.
Dẫu sao, nhớ rằng Tất Đạt Đa được các đạo sĩ Bà-la-môn giỏi nhất đào tạo bài bản từ bé, thế nên ngoài sự uyên bác, Thái tử còn sở hữu khả năng ngôn ngữ và “phương tiện thiện xảo” của một Luận sư.
[2] Yêu, mê và cuồng, ta bạo lực ngôn ngữ, ở mọi chiều.
Thế giới chữ nghĩa, nhà phê bình nọ viết về thơ DTTS, hết “Người Xứ Mây Dương Thuấn” đến “Con Gấu rừng Lạng Sơn Lương Định” qua “Ngọn Tháp cổ Phan Rang Inrasara – Phú Trạm”… chả khác dân ghiền bóng đá gán nhãn cho cầu thủ, đội bóng: “Người ngoài hành tinh”, “Những con quỷ đỏ”, “Pháo thủ thành Luân Đôn”!
Thế là tôi đùa, đùa có tí cũng giận, rồi thành chống Sara!
Con người lạ, cứ thích ai thì ca vống lên cho sướng. Càng nổi tiếng càng bị dán nhãn tợn, lợi lộc đâu chả thấy, chỉ tổ hại cho sinh linh mình thần tượng.
Thời hiện đại người bị dán nhãn oan nhất có lẽ là Trần Đức Thảo. Ông triết gia thì ai cũng biết rồi, chớ kêu: “Trần Đức Thảo – triết gia lỗi lạc của Việt Nam và thế giới” thì rất kẹt. Mà đâu có một, không ít kẻ đã làm kiểu ấy! Đến ông có sống lại cũng muốn tìm gò mối mà chui.
Dân Tây nó khác, D.J. Herman gọn nhẹ: “Trần Đức Thảo, nhà Mác-xít và nhà hiện tượng học đặc sắc”.
Bị dán là vậy, chớ tự dán lên trán mình “Triết gia số 1 châu Á” thì càng. Có bạn văn đã làm thế, tôi hai bận đùa, nhà này mới chịu hạ bậc thành: “Ứng viên triết gia số 1 châu Á”. Cũng biết điều chớ bộ!
[3] Phần tôi, gọi Inrasara “nhà thơ lớn” (tạp chí Ấn Độ), tôi ừ; kêu: “Inrasara nhà văn nổi tiếng thế giới” (báo Nhật), tôi dạ; cả khi giáo sư Hoàng Ngọc Hiến viết Inrasara “nhà phê bình lỗi lạc” tôi cũng vâng nốt. Ở đó có bị thương mỗi tôi chịu.
Đến khi vài báo cho “Inrasara nhà Cham học số một”, hay “Inrasara nhà thơ đại biểu dân tộc Cham” (Tiền Phong), tôi gạt phăng, và bảo từ nay không nên chơi nhau thế. Nhà thơ đại diện cho hắn còn chưa xong nói chi đại biểu cho cả dân tộc. Còn vụ số 1 nữa, tôi so đọ với Cham nào đâu mà xếp thứ hạng!
Năm kia 1 tờ rơi Nhật viết: “Inrasara lãnh đạo dân tộc Cham chống phong trào ĐHN Việt Nam”, tôi kêu họ chỉnh gấp. Sara mà lãnh đạo ai. Tôi không năng khiếu ấy, và cũng không ham hố vụ đó.
Kẻ ghét Sara méc lên thì toi!
Tóm, nhân vật nổi tiếng thì luôn bị gán nhãn, càng nổi tiếng thì càng, có khi tụng ca tận trời. Bạo lực ngôn ngữ kiểu ấy ở bàn nhậu thì chả sao, còn đưa lên thông tin đại chúng là có chuyện.
Nhà văn nhà thơ là kẻ xài chữ, bạn lười suy tư, nghe là tin ngay hay cố ý xài “ác ngữ nghiệp” là CÓ TỘI. Không chỉ với ngôn từ…